"Mẹ nhặt mày ngoài bãi rác" – đó chính là câu nói gây ám ảnh nhất trong tuổi thơ của bất kỳ đứa con nít nào khi dám nhõng nhẽo với mẹ, cho rằng mẹ đang bất công, cho mình "ra rìa" khi thương em gái/em trai của mình hơn mà bắt mình làm tất tần tật việc trong nhà.
Vậy mà cứ nghĩ câu nói đùa đó sẽ chỉ có hiệu lực khi con nít lớn lên, hiểu chuyện rồi nhận ra: "À! mẹ đùa thôi". Nhưng không, có những người làm anh/làm chị trong nhà, vẫn cảm thấy gia đình yêu thương nhau chừa mình ra, y hệt như câu nói mẹ nhặt mình từ bãi rác, làm mình phải ngơ ngác đến mức tin vào một sự thật rằng "mình không phải con ruột bố mẹ, mình là con nhặt từ bãi rác".
Câu chuyện về số phận bị phân biệt đối xử của anh chàng đáng thương nào đó được đăng tải trên mạng xã hội thời gian gần đây. (Ảnh: Facebook) |
Nội dung trên vô tình ứng nghiệm giống hệt như câu chuyện của một người anh trai nào đó, vừa được đăng đàn kể lể trên mạng xã hội, với nội dung "chua như giấm" như sau:
"Nhiều lúc tự hỏi mình có phải là thằng con được nhặt ngoài bãi rác về không nữa. Chào mọi người! Mình là M, vừa tốt nghiệp xong, đã đi làm được ít ngày. Mình có một đứa em gái, nó sinh năm 98 và trong nhà nó cứ như là một bà hoàng vậy. Thường thường mình thấy trong một gia đình thì bố thường hợp con gái, mẹ thì hợp con trai, nhưng không, với gia đình mình cả bố mẹ đều bênh con gái. Mọi thứ như nấu cơm, lau nhà, rửa bát các thứ mình phải làm hết. Nhiều hôm đến phiên nó làm thì y rằng là nó lại có trò.
Ví dụ một hôm nhà mình đang ăn cơm thì nó lên tiếng: "Ui! Không biết là bị cái kia (là đến ngày đèn đỏ của nó), hay hôm nay con ăn lung tung gì mà đau bụng quá". Bố mình nói: "Thôi cố ăn đi con gái, xong lên nghỉ, việc nhà để anh M làm cho".
"Nhiều hôm đến phiên nó làm thì y rằng là nó lại có trò". (Ảnh minh họa) |
Mình biết là nó giở trò nhưng chịu thua, nhiều lúc mình cũng bảo mẹ: "Sao mẹ không bắt nó làm gì à? Sau này còn lấy chồng chứ". Mẹ đáp lời: "Con là anh, phải làm gương cho em chứ, sao lại so đo".
- Vâng! Số lần con làm gương cho nó chắc đủ để nhà mình mở thêm cửa hàng bán gương.
- Con sợ thiệt à? Con làm việc nhà thế này, sau phụ giúp vợ, cho vợ đỡ khổ chứ sao.
Đâu lại vào đấy, lại tiếp tục công cuộc làm ô-sin không công cho mẹ trẻ Linh (Linh là con hổ 98 đấy). Đến cái danh bạ điện thoại của bố mẹ mình, cũng thiên vị cho được. Số con em gái mình thì được bố mình lưu là "con gái yêu". Mẹ mình thì là "thiên thần nhỏ". Còn mình thì lần lượt là "M Lợn" và "Lợn con ụt ịt".
Không có ý khoe khoang, nhưng đỉnh điểm là đợt trước bố mình đi công tác về, mua quà cho 2 đứa. Nó thì được cái iphone 7 plus Red, mình thì được vỏn vẹn đôi giày với mấy cái áo T-shirt, chưa kịp thắc mắc bố mình đã nói: "Con trai ạ! Con lớn rồi, đi làm rồi, nên bố cho thế thôi, em gái nó nhỏ, dễ thương, nhường em một tí. Đàn ông không nên chấp nhặt, hơn thua với phụ nữ, phải galant với họ. Nhớ lời bố nhé!".
Chán thế thôi mình lại phải nghe lời bố vậy, chứ biết sao. Nhưng nhiều lúc mình vẫn tự hỏi bản thân như cái tiêu đề đó".
Làm anh khó lắm, phải đâu chuyện đùa. (Ảnh minh họa) |
Quả thật là chua chát khi mà các giấy tờ chứng minh về mối quan hệ huyết thống trong gia đình chỉ có ý nghĩa về mặt pháp lý, còn trên tinh thần thì... Hơn hai mươi năm sống trong gia đình, mà mình lại không bằng một nhỏ con gái chưa tròn tuổi 20, bố mẹ thì coi mình ngoài lề của một gia đình hạnh phúc, họ coi mình như một ô-sin, một người làm không công trong gia đình.
Liệu trong trường hợp chàng trai đáng thương trên, mình có suy nghĩ vẩn vơ về một số kiếp bị người đàn bà nào đó vứt ngoài bãi rác rồi mẹ "nuôi" hiện thời thương tình đem về nuôi hay không? Chắc là có rồi! Nghĩ ai làm anh/làm chị mà bị bố mẹ thiên vị đứa em trong nhà thì chắc chắn cũng đã đôi ba lần suy nghĩ như thế.
Câu chuyện vừa được đăng tải trên một trang mạng xã hội có rất đông thành viên, lập tức thu hút được khá nhiều sự quan tâm từ cộng đồng cư dân mạng. Đa số tất cả các bình luận đều cho rằng, câu chuyện trên thật sự rất hài hước, nhưng hài hước theo cái hướng ứng với rất nhiều thanh niên có câu chuyện tương tự.
Chẳng hạn như cô nàng Quỳnh Anh bình luận về số phận được nhặt ở gốc chuối, giống anh chàng M được nhặt ở bãi rác trên như sau: "Chẳng biết mình có phải con đẻ của bố mẹ không nữa mà mẹ cứ hay bảo ngày xưa nhặt được mình ở gốc chuối, làm gì cũng sai. Em mình làm bể đồ cũng lôi mình ra đánh, đi làm về thấy em mình đi chơi về bị ai trêu khóc thì y như rằng mình cũng bị chửi hay bị đánh vì tội không biết bảo vệ em, thương số phận quá".
Cũng có một số người hài hước hơn khi bình luận kiểu như sẽ cho anh chàng M thông tin liên hệ với các xe chở rác để anh chàng nhà ta dò la tung tích về phụ mẫu ruột của mình. Như cô nàng Nguyễn Phương Thảo chia sẻ: "Liên hệ với mình ngay để biết thêm thông tin về những chuyến xe chở rác để tìm nguồn gốc nhá bạn".
Những bình luận hài hước của cư dân mạng. (Ảnh: Facebook) |
Một cô nàng khác có tên Lê Thị Phương Thảo thì nhận ra giá trị của anh chàng M khi anh chàng làm tất tần tật việc trong gia đình, cô nàng nghĩ có lẽ lấy M về làm chồng sẽ không phải lo nghĩ chuyện bếp núc, giặt giũ nữa nên hùng dũng lên tiếng… nhận vơ: " Ui chồng tương lai của em đây rồi, lâu nay bố mẹ bắt anh làm việc nhiều như thế cũng là vì lo nghĩ cho em cả thôi, con cảm ơn bố mẹ nhiều ạ. Bây giờ về đây với em anh nhé, làm được việc thế cơ mà, không hốt về sớm con khác nó hốt mất thì khổ".
Vậy đấy, từ một câu chuyện kể khổ hài hước vô tình trở thành chủ đề để cộng đồng "500 anh chị em" dùng mạng thay phiên nhau nói cười vui vẻ. Thôi âu cũng là số kiếp sắp đặt cả rồi, cứ nghĩ là kiếp trước mắc nợ em gái/em trai nên kiếp này phải thay nó làm việc nhà cho đỡ than thở đi, nhường em mình một tí, cả nhà yêu thương nhau là được mà, việc gì phải so đo, lo này lo nọ cho mệt, nhé bạn M và những bạn cùng chung hoàn cảnh ơi!