Nhắc lại thời điểm đầu đầy cam go của Đà Nẵng năm 1997 mới cảm nhận được tầm nhìn của lãnh đạo thành phố và những dự cảm trước hàng chục năm về một Đà Nẵng đáng sống. …
Thời điểm trước mốc 1997, khi thành phố còn trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, với ngân sách chỉ bằng khoản ngân sách của công ty vệ sinh thành phố Hải Phòng(!), eo hẹp đến nỗi chi cho sự vụ chính yếu của một bộ máy nhỏ nhoi đó cũng đã phải “giật gấu vá vai”, nói chi đến đầu tư cho các hạng mục hoành tráng khác liên quan đến hạ tầng đô thị, đời sống dân sinh…
Tuy nhiên, khi đã “ra riêng” rồi, Đà Nẵng đã có sự bứt phá mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, nhất là hạ tầng đô thị đã có một diện mạo mới, cơ cấu kinh tế chuyển đổi với việc tăng hàm lượng chất xám và quan trọng hơn cả là lãnh đạo thành phố đã biết huy động cả bộ máy chính trị cùng người dân dần xây dựng những tiêu chí chỉ riêng có của Đà Nẵng như:
Xây dựng “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có” và hiện nay là “Thành phố 4 an”, nâng mức chuẩn nghèo cao hơn bình quân cả nước; 100% đối tượng xã hội được trợ giúp từ chính quyền và cộng đồng xã hội; môi trường sống được kiểm soát tốt nhất có thể; dân chủ hóa trong đối thoại với dân, tôn trọng ý kiến người dân trong chỉnh trang đô thị; các vấn đề về tệ nạn xã hội được kiểm soát.
Nhiều chính sách xã hội đi đầu cả nước… và ở tầm mức vĩ mô, lãnh đạo thành phố không đánh đổi lợi ích kinh tế lấy sự biến động về môi trường khi đã biết từ chối các dự án đầu tư “khủng” nhưng có những vấn đề về môi trường chưa được kiểm soát, có thể ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.
Đó là cả một quá trình đi từ quyết tâm chính trị của lãnh đạo, đến đồng thuận của người dân và chuyển thành nhận thức chung của người Đà Nẵng…
Tuy nhiên, trong quá trình vận động, phát triển của thành phố, không tránh khỏi những va vấp và cả những vấn đề tiêu cực nảy sinh trong xã hội, mà trong thời gian gần đây báo chí đã phản ánh một số vụ, việc liên quan đến Đà Nẵng như taxi “chặt chém” khách du lịch, nhà hàng nâng giá thực phẩm quá mức, ô nhiễm ở các bãi biển du lịch, một số vụ cướp giật…
Tuy nhiên, vấn đề là những hiện tượng đó có phải là hiện tượng phổ biến, là bản chất mà nhiều đô thị đang phát triển phải trải qua hay chỉ mang tính cá biệt và qua một số kênh truyền thông và dư luận xã hội đã “thổi” lên, để rồi người ta quy kết, chụp cho Đà Nẵng những thán từ nặng nề?
Để tìm câu trả lời xác đáng, chỉ có những công dân của thành phố trẻ đã có thời gian sống khá lâu ở đây mới có thể đánh giá thực tâm bản chất của những vấn đề trên, có thể gói gọn trong thành ngữ: “Con sâu làm rầu nồi canh!”.
Đứng trước thực tế này, lãnh đạo thành phố không hề né tránh và đã cầu thị lắng nghe dư luận để điều chỉnh. Trong đó, có những vụ việc cụ thể, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý cương quyết những vấn đề mà dư luận nêu lên.
Qua kênh thông tin báo chí phát hiện và nêu rõ các hạn chế như quy hoạch bán đảo Sơn Trà, công tác quản lý xây dựng trên địa bàn, công tác bảo đảm an toàn giao thông, hiện tượng lấn chiếm lòng lề đường, xe ben chạy ẩu, xe quá tải, ô nhiễm môi trường, biển Mỹ Khê bị xâm thực và ô nhiễm, cá chết trên sông;… lãnh đạo thành phố đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc ngay, để xử lý và thông tin cho người dân.
Chiều 26-7, Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm các vi phạm của quán Mười Đô bị du khách tố “chặt chém”. Sáng 8-8, liên quan đến vụ việc tài xế taxi của hãng Hải Vân “chặt chém” du khách nước ngoài, thu tiền cao gấp 14 lần, cơ quan chức năng quyết định xử phạt Công ty CP Việt Đăng Khoa Đà Nẵng (hãng taxi Hải Vân) 7 triệu đồng, tước phù hiệu xe taxi vi phạm 2 tháng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.
Vị khách sau khi về nước đã viết thư cảm ơn và hứa sẽ quay trở lại thành phố lần nữa. Qua vụ việc này, lãnh đạo thành phố yêu cầu ngành chức năng cương quyết xử lý vi phạm đối với hoạt động xe taxi trên địa bàn. Nhiều vụ việc tương tự cũng được các ngành chức năng vào cuộc xử lý kịp thời, nghiêm túc.
Phần lớn thông tin báo chí nêu đã được xử lý; tuy nhiên có những thông tin thiếu tính chính xác, thiếu xác minh và kiểm chứng, giật tít câu khách, thông tin có tính áp đặt, suy diễn, thiếu căn cứ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức, cá nhân và hình ảnh của thành phố.
Từ những vụ việc trên cho thấy, lãnh đạo thành phố và đông đảo người dân không dung thứ cho những hành vi làm tổn hại môi trường sống ở Đà Nẵng, không phải vì thành tích là giữ vững danh hiệu “Thành phố đáng sống” đã được dư luận tôn vinh mà điều cốt lõi là việc xử lý dứt điểm, xử lý nghiêm luôn được dư luận đồng tình ủng hộ sẽ tạo nếp nghĩ, cách thức hành động tích cực cho người dân trong tương lai.
Tuy nhiên, để xây dựng đúng nghĩa “Thành phố đáng sống” không chỉ chờ đợi các biện pháp hành chính từ chính quyền, mà phải đưa được vào nhận thức và hành động của người dân thì mới đồng bộ và đạt hiệu quả cao.
“Thành phố đáng sống” phải là nơi mỗi người dân làm chủ và ứng xử chuẩn mực trong từng hành vi sinh hoạt, kinh doanh, buôn bán, giữ trật tự văn minh… Đó là lợi ích lâu bền mà mỗi người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp không chỉ về mặt môi trường mà còn cả yếu tố thu nhập, mức sống… bởi nếu những hiện tượng tiêu cực trên kéo dài sẽ khiến người dân bất an, du khách ngán ngẩm và quay lưng.
Với quy mô dân số trên 1 triệu người, trong đà phát triển của mình, Đà Nẵng sẽ phải đối diện với những vấn đề nóng mà các đô thị lớn đang gặp phải như kẹt xe, ô nhiễm môi trường…; tuy nhiên, với những gì đã chuẩn bị từ hôm nay, với sự đồng thuận từ người dân đến chính quyền, tin rằng thành phố sẽ tránh được những vấn đề đó để tiếp tục là nơi đáng sống ở Việt Nam.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/xay-dung-niem-tin-ve-thanh-pho-dang-song-a88580.html