Chị Nguyễn Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Giáo dục Nghề nghiệp – IVES cho biết rất “buồn” và “xấu hổ” khi chia sẻ câu chuyện đối tác của chị từ Đức vừa bị “lừa” trong một chuyến thăm quan khu du lịch Rừng Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình).
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Infonet, chị Hạnh cho biết: ông Roland Hanczuk (Tổng giám đốc Tập đoàn Leonardis Group - CHLB Đức) sang Việt Nam theo lời mời của Viện nhằm triển khai chương trình hợp tác đào tạo giữa hai bên.
Ông Roland Hanczuk với những món hàng được mua với giá "cắt cổ" |
“Giống như nhiều chuyên gia khác đã từng sang và làm việc tại Viện, ngoài những giờ làm việc chúng tôi luôn cố gắng phân công người tháp tùng các đối tác này đi thăm quan các khu du lịch nổi tiếng. Hôm đấy là chủ nhật, phần vì ông ấy cũng ngại “làm phiền” chúng tôi, phần ông ấy muốn tự khám phá con người và đất nước Việt Nam khi quyết định đi thăm quan Rừng Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) một mình thì xảy ra chuyện” – chị Hạnh nói.
Sự việc diễn ra vào ngày 21/8, sau khi thăm quan địa danh này, trên đường trở về Hà Nội ông Roland Hanczuk có ghé vào cửa hàng tại Thôn Cầu Giẽ, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, Hà Nội (thuộc Công ty TNHH dịch vụ Thương mại Mỹ nghệ Phương Anh có trụ sở tại số 62 Bà Triệu - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) và được nhân viên tại đây bán cho sản phẩm gồm 3 vòng nhựa sơn mài, 2 đôi bông tai màu đỏ chất liệu inox giả bạc với giá 1.100 USD, tương đương 25 triệu VND. Số tiền đó được ông Roland Hanczuk thanh toán bằng thẻ.
Hóa đơn do cửa hàng viết (màu đỏ) và được ông Roland Hanczuk thanh toán bằng thẻ tín dụng |
Chị Hạnh cho biết, theo lời kể của ông Roland Hanczuk, nhân viên cửa hàng này giới thiệu với ông rằng đây là sản phẩm làm bằng đá quý Ruby… nên ông đã bỏ tiền ra mua. Tuy nhiên, “khi ông đưa món đồ, chúng tôi đã khá bất ngờ với số tiền mà ông ấy phải chi trả. Ngay sau đó, tôi và một người nữa của Viện cùng ông ấy lên một cửa hàng chuyên kinh doanh vàng bạc trên phố Hàng Bạc để thẩm định. Thật bất ngờ, chủ cửa hàng cho biết đây không phải đá Ruby và cũng không phải bằng bạc như những gì ông được giới thiệu để mua, với tổng giá trị tất cả các sản phẩm không hơn 500 nghìn VND”- chị Hạnh bức xúc nói.
Đôi bông tai và vòng có trị giá 11.000 đô |
Biết bị “hố”, tỏ ra khá thất vọng nhưng ông Roland Hanczuk nói với chị Hạnh và các cộng sự “coi như đó là trải nghiệm và cần cảnh giác hơn”, tuy nhiên chị Hạnh cho rằng đây là hành vi không thể chấp nhận được bởi “ sẽ làm những khách du lịch ngoại quốc không có ấn tượng tốt Việt Nam. Còn gì buồn hơn khi khách đến chơi nhà mà họ luôn trong trạng thái nơm nớp lo sợ, sẵn sàng đề phòng, cảnh giác?”.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/mua-vong-nhua-bong-tai-gia-bac-khach-tay-bi-chat-chem-1100-usd-a88635.html