Đà Nẵng bùng phát sốt xuất huyết

Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng cho thấy từ đầu năm đến cuối tháng 8-2017, Đà Nẵng có tổng cộng 4.466 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, một số quận có tỉ lệ mắc cao như Thanh Khê (873 ca), Liên Chiểu (759 ca), Hải Châu (710 ca), Sơn Trà (661 ca)… Tuy nhiên, hiện chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết.

Theo BS Phạm Ngọc Hàm (khoa Y học nhiệt đới, BV Đà Nẵng), dịch sốt xuất huyết năm nay bùng phát sớm hơn so với mọi năm. Tính từ đầu năm đến nay, BV Đà Nẵng đã tiếp nhận khoảng 1.100 bệnh nhân, tăng 130% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, bệnh nhân Đà Nẵng chiếm 62%, còn lại đến từ các tỉnh khác như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế…

“Riêng tháng 8, chúng tôi đã tiếp nhận 200 bệnh nhân, tăng bốn lần so với tháng 8 năm ngoái. Theo các chuyên gia, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Đà Nẵng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, đỉnh điểm sẽ rơi vào tháng 11 và 12. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn các phương án về cơ sở vật chất và nhân lực để có thể ứng phó kịp thời với mọi tình huống” - ông Hàm cho hay.

 Trong tháng 8, BV Đà Nẵng tiếp nhận 200 ca mắc sốt xuất huyết. Trong ảnh: Một bệnh nhân sốt xuất huyết đang được điều trị tại BV Đà Nẵng. Ảnh: TÂM AN

Theo ông Hàm, muỗi vằn chủ yếu hoạt động vào lúc sẩm tối. Vào thời điểm này, người dân nên mặc áo dài tay, cần mắc màn kỹ trước khi đi ngủ để tránh bị muỗi đốt. Bên cạnh đó, người dân cần vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, nhất là các dụng cụ chứa nước sinh hoạt lâu ngày, tránh tạo điều kiện cho các ổ lăng quăng, bọ gậy sinh sôi, nảy nở.

“Người dân cần chủ động hợp tác với cán bộ y tế để kịp thời phát hiện, phun thuốc diệt các ổ bọ gậy, lăng quăng. Ngay khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở khám chữa bệnh để kịp thời điều trị, tránh những trường hợp đáng tiếc” - ông Hàm khuyến cáo.

Chiều 30-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết Sở Y tế sẽ tiếp tục làm việc với ban chỉ đạo của các quận, huyện để tăng cường công tác giám sát dịch sốt xuất huyết tại các địa phương trong thời gian tới. Bên cạnh việc yêu cầu xử lý tốt vấn đề môi trường, kịp thời diệt các ổ bọ gậy, lăng quăng, Sở cũng sẽ tăng cường hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho các địa phương trong việc xử lý các ổ dịch, công tác điều trị bệnh để hạn chế tối đa trường hợp tử vong.

“Các quận, huyện cũng cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân phối hợp tốt hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết” - ông Hồng nhấn mạnh.

Trước đó, trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn ra, bà Ngô Thị Kim Yến (Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng) đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại hai quận Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn.

Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng yêu cầu các địa phương cần thực hiện quyết liệt hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là việc tìm diệt các ổ lăng quăng, bọ gậy tại từng hộ dân. Đồng thời tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương với ngành y tế để công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết đạt hiệu quả cao nhất.

Trước đó, ngày 4-8, đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Y tế do Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn làm trưởng đoàn cũng đã có buổi làm việc với ngành y tế Đà Nẵng về tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn TP. Theo ông Tấn, Đà Nẵng là một trong bốn tỉnh có số mắc sốt xuất huyết cao. Nếu tính số ca sốt xuất huyết trên 100.000 dân thì Đà Nẵng là địa phương có số ca mắc bệnh cao nhất cả nước.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/da-nang-bung-phat-sot-xuat-huyet-a88977.html