Thừa Thiên - Huế được mùa thanh trà và đầu ra ổn định

Người dân ở Thừa Thiên - Huế đang phấn khởi bởi sản lượng thanh trà năm 2017 thu hoạch tăng hơn các năm trước, giá cả tăng cao và đầu ra ổn định.

Theo ông Hoàng Trọng Di, lãnh đạo phường Thủy Biều, thành phố Huế, toàn phường có 140/147 ha thanh trà vào vụ thu hoạch cho sản lượng 900 tấn; doanh thu đạt 27 tỷ đồng; bình quân mỗi ha cho thu hoạch 200 triệu đồng.

Hộ ông Lê Văn Nhân có 4 sào (500m2/sào) với 60 gốc thanh trà, 1 cây cho 300 trái. Như vậy 1 sào trồng thanh trà của ông Nhân cho thu nhập 25-30 triệu đồng, tăng gấp 1,5 lần so với năm ngoái.

Ông Ngô Viết Trí, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thay vì trồng tự nhiên trong vườn, năm nay Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn bà con tưới theo hình thức phun mưa, chăm sóc, bón phân hợp lý, cây trong thời kỳ cho trái. Cùng đó, trước khi sắp thu hoạch khoảng 1 tháng phải tiến hành bao trái để tránh côn trùng và sâu phá hại, nên cây cho trái tốt hơn trước.

Dự án "Liên kết để đa dạng hóa nguồn thu thông qua cây trồng ít phổ biến" do Trung tâm Cây trồng quốc tế tài trợ đã giúp Thừa Thiên - Huế đưa quả thanh trà đến với người tiêu dùng thông qua nhiều kênh phân phối khác nhau.

Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu "Thanh trà Huế" đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân, bởi thanh trà ngày càng mở rộng được thị trường tiêu thụ. Việc đăng ký thương hiệu đã giúp có đầu ra ổn định nên gạt bỏ được nỗi lo tư thương ép giá.

Đặc biệt, quả thanh trà Huế hiện đã được bán ở 14 đại lý, siêu thị tại Hà Nội; Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Chính việc xây dựng thương hiệu "Thanh trà Huế" đã tạo động lực cho người dân tích cực hơn nữa trong việc chăm sóc, phát triển thanh trà để nâng cao đời sống và xúc tiến quảng bá du lịch cho địa phương.

Hiện nay, Thừa Thiên - Huế phát triển diện tích trồng cây thanh trà lên 1.100 ha, chủ yếu trên đất phù sa bồi dọc theo sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu. Các huyện, thị xã có diện tích trồng cây thanh trà lớn như: Hương Trà 481ha; Phong Điền 258ha; Quảng Điền 50ha, Phú Lộc 60ha và thị xã Hương Thủy 105ha...

Trong những năm qua, thanh trà đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo của hàng nghìn hộ nông dân ở Thừa Thiên - Huế. Sắp tới, ngoài việc mở rộng diện tích, cần có sự liên kết giữa các hộ gia đình có vườn cây, giữa các địa phương có trồng cây thanh trà để học hỏi kinh nghiệm, tổ chức liên kết sản xuất thành vùng có sản phẩm hàng hóa, có đầu mối liên kết thị trường tiêu thụ.

Để xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang đôn đốc các địa phương, các hộ trồng thanh trà cần bổ sung dinh dưỡng cho đất, bón thêm phân chuồng, phân xanh, phân vi sinh để tăng hàm lượng mùn trong đất, bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cây thanh trà để cây phát triển tốt, cho quả to, quả đồng đều, có chất lượng.

Mặt khác, cần áp dụng các biện pháp bón phân vô cơ cân đối, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây theo yêu cầu dinh dưỡng cho từng lứa tuổi, từng thời kỳ để đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Sử dụng phân bón và áp dụng nguyên tắc 4 đúng: đúng lượng, đúng phân, đúng lúc, đúng cách.

Tùy điều kiện, tập quán canh tác của mỗi địa phương để bón phân và chăm sóc, tỉa cành, tạo tán, tỉa trái, bao trái... phù hợp. Đặc biệt là đầu tư xây dựng các vườn thanh trà sản xuất theo VietGAP ( thực hành nông nghiệp tốt) để trong tương lai thanh trà Huế có thể thâm nhập thị trường rộng rái và phong phú hơn.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/thua-thien-hue-duoc-mua-thanh-tra-va-dau-ra-on-dinh-a89198.html