Nhiều năm qua TP Đà Nẵng đã triển khai các chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài về khu vực công, nhưng có nhiều nơi vẫn khó tuyển. Vì sao, thưa ông?
Từ năm 1997, Đà Nẵng thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực, góp phần trẻ hóa, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng vào khu vực hành chính. Tuy nhiên, việc triển khai cũng còn hạn chế; chưa có sự thống nhất giữa thu hút, đào tạo và đãi ngộ.
Công tác dự báo, điều tra, khảo sát còn hạn chế, chưa chính xác dẫn đến việc thu hút và đào tạo các ngành nghề chưa phù hợp. Việc quản lý đối tượng thu hút và đào tạo khi tiếp nhận và bố trí công tác tuy có quan tâm nhưng chưa sâu sát, chặt chẽ.
Giai đoạn trước đây, việc thu hút nhân tài Đà Nẵng triển khai như thế nào, số lượng đã thu hút được là bao nhiêu?
Về đối tượng thu hút, từ việc chỉ quy định kết quả học tập, đã dần xác định cụ thể chuyên ngành thu hút phù hợp với định hướng phát triển của TP và hiện nay là thu hút theo vị trí việc làm cụ thể.
Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng. Ảnh: Cao Thái |
Quy trình thu hút cũng được thực hiện chặt chẽ hơn; nếu như ban đầu chỉ xem xét kết quả học tập của từng cá nhân thì hiện nay quy trình thu hút theo hướng cạnh tranh thực tài.
Chế độ hỗ trợ ban đầu và hỗ trợ hàng tháng cũng tăng dần. Tính đến nay, TP đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 người tốt nghiệp ĐH công lập, chính quy trở lên (trong đó có 25 tiến sĩ, 283 thạc sĩ, bác sĩ nội trú).
Nguồn nhân lực được thu hút đã đóng góp như thế nào cho bộ máy hành chính công và sự phát triển của TP trong thời gian qua?
Trước hết, chính sách thu hút bổ sung kịp thời nguồn nhân lực chất lượng, nhất là trong những năm đầu khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Hiện nay, nhiều cán bộ thu hút ở vị trí quan trọng trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý.
Phần lớn họ đã phát huy tốt trình độ, năng lực bản thân, hoàn thành tốt công việc được giao và được lãnh đạo đơn vị đánh giá cao; có nhiều ý tưởng sáng tạo... góp phần để TP duy trì dẫn đầu cả nước ở nhiều chỉ số.
Chú trọng đãi ngộ để giữ chân nhân tài
Hiện nay TP Đà Nẵng đang thiếu hụt, cần bổ sung nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực nào?
Lĩnh vực cần bổ sung là nhằm phục vụ cho 3 đột phá về phát triển kinh tế xã hội từ nay đến 2020, nhằm phát triển mạnh các ngành dịch vụ, công nghệ cao, công nghệ thông tin, lĩnh vực y tế, giáo dục...
Song song với việc thu hút, theo ông, TP cần thay đổi cơ chế như thế nào để giữ chân người tài?
Lĩnh vực tư nhân với môi trường làm việc năng động, linh hoạt và chế độ tiền lương hấp dẫn… đang thu hút ngày càng nhiều nhân lực chất lượng cao. Trong đó có cả những trường hợp là đối tượng thu hút. Đây là một thách thức không nhỏ.
Trong 20 năm kể từ lúc chia tách địa giới hành chính, Đà Nẵng thu hút gần 1.300 nhân tài. Ảnh: Cao Thái |
Có nhiều giải pháp TP sẽ thực hiện. Trước hết, TP mở rộng hình thức, đối tượng thu hút. Bên cạnh việc thu hút đối tượng đến làm việc lâu dài, TP bổ sung thu hút đối tượng chuyên gia có uy tín đến làm việc ngắn hạn hoặc bán thời gian tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc TP.
Thứ hai là phải thay đổi chế độ đãi ngộ. Mức hỗ trợ 1 lần được quy định cao hơn và có phân nhóm theo đối tượng, theo từng trình độ đào tạo, cơ sở đào tạo.
Bên cạnh chế độ đãi ngộ, TP sẽ chú trọng làm tốt công tác sử dụng và giữ chân người tài.
Cụ thể, phải phân công công việc hợp lý, gia tăng sự tương tác giữa TP với đối tượng được thu hút, tạo điều kiện để đối tượng thu hút được tham gia vào những chương trình, dự án lớn của ngành.
TP sẽ đánh giá định kỳ hiệu quả công việc để có cơ chế đãi ngộ và vinh danh dựa trên công trạng của họ.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/ly-do-da-nang-dam-chi-gap-280-lan-luong-co-so-cho-nguoi-gioi-a89290.html