U23 muốn có HCV, cứ "nghỉ chơi" SEA Games

Có nghịch lý hay không khi Thái Lan luôn ôm mộng bơi ra châu lục nhưng chỉ thống trị được SEA Games và AFF Cup, còn Việt Nam đã dự World Cup nhưng cứ mãi trăn trở với HCV SEA Games?

 Nỗi buồn của U22 Việt Nam sau thất bại trước Thái Lan

Không sai khi nói bóng đá Việt Nam cứ gặp người Thái là căng cứng tâm lý. Từ thế hệ vàng Huỳnh Đức, Hồng Sơn, cho đến thế hệ lầm đường lỡ bước Văn Quyến, Quốc Vượng, rồi đến lớp "vàng thật" Công Vinh, Thành Lương và mới nhất là lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, cái bóng người Thái tiếp tục mang đến những nỗi ám ảnh thường trực mỗi khi họ gặp nhau ở ao làng SEA Games hay AFF Cup.

Phải công nhận, căn bệnh sợ bóng đá Thái Lan cũng lây lan nhanh và nguy hiểm như dịch sốt xuất huyết. Mới 3 năm trước, người viết còn nhớ lứa Công Phượng, Xuân Trường chẳng xem mấy người bạn ở Học viện JMG Thái Lan ra gì, cứ đá giao hữu là thắng 7-1, 8-1.

Khi gặp nhau ở giải U22 Đông Nam Á tổ chức tại Brunei vào tháng 8 năm 2014, lần đầu tiên chứng kiến một hình ảnh người Thái gồng mình, bặm môi để đá xấu, nhằm ngăn cản cơn lũ tấn công ào ạt như thác của U19 Việt Nam, mà nòng cốt là những cầu thủ HAGL. Năm đó, U19 Việt Nam thắng Thái 1-0 ở bán kết.

Sau trận đấu đó, bầu Đức tuyên bố lứa Công Phượng "sinh ra để thắng người Thái". Vậy mà 3 năm sau gặp lại, cũng vẫn là những gương mặt quen thuộc đó, Công Phượng cóng chân sút 11 m lên trời, Xuân Trường mất tích trong 90 phút, khiến người bạn Tuấn Anh cũng lạc lõng, thất thần.

 Cứ chăm chăm vào 2 giải ao làng là SEA Games và AFF Cup, trong khi có cơ hội thể hiện ở đấu trường châu lục, bóng đá Việt Nam đang tự trói chân mình

Hỏi sao sợ Thái Lan vậy, tất cả chỉ im lặng lắc đầu. Nhưng chẳng khó để lý giải câu hỏi đó vì thầy của họ là Hữu Thắng, thời còn thi đấu thua Thái bao nhiêu lần rồi, muốn truyền bệnh "sợ Thái Lan" cho học trò không hề khó. Nhìn buổi tập trước trận đấu một ngày, mặt Hữu Thắng căng thẳng lắm, chỉ là tập thư giãn ở khách sạn nhưng buổi tập chưa xong, nhà cầm quân xứ Nghệ đã xếp đồ định đi về phòng.

Lúc đó, Xuân Trường, có lẽ nhờ kinh nghiệm ăn học ở Hàn Quốc, đã lập tức đứng lên làm quản trò, yêu cầu cả đội chơi bóng rổ để làm giảm bớt sự căng thẳng. Mãi sau Hữu Thắng mới cười nổi nhưng ai cũng biết, sự lo lắng của HLV trưởng đã tác động không nhỏ đến tâm lý học trò.

Rồi cả những Công Phượng, Văn Toàn, Tiến Dũng thi đấu căng cứng cũng chẳng phải điều khó hiểu. Hai năm trước dưới thời Miura, họ đã thảm bại 1-3 ở SEA Games, thua tiếp ở vòng loại thứ 2 World Cup 2018 khu vực châu Á. Càng đá càng thua, căn bệnh sợ Thái Lan cứ thế lây lan khắp đội tuyển, kèm thêm áp lực dư luận thì tất yếu bệnh tình sẽ trở nặng hơn.

Sau thất bại, bên cạnh chỉ trích cũng có những giải pháp được đưa ra để làm sao bóng đá Việt Nam giành HCV SEA Games cũng như không còn sợ người Thái nữa. Tìm chuyên gia tâm lý cho đội tuyển chắc chắn phải là ưu tiên hàng đầu trong tương lai. Nhưng còn một giải pháp khác xem ra hiệu nghiệm không kém, đó là "nghỉ chơi" SEA Games, tập trung trọng điểm cho sân chơi châu lục, hướng đến World Cup.

Nói đâu xa, người Thái dù liên tục thống trị hai đấu trường khu vực là SEA Games và AFF Cup, nhưng họ không còn quan tâm nhiều mà mải mê tìm kiếm con đường bơi ra châu lục và World Cup. Tuy nhiên, có nghịch lý hay không khi Việt Nam, Indonesia hay Myanmar chỉ chăm chăm lo cho "ao làng", nhưng lại từng hãnh diện có đội bóng được dự World Cup U20. Ngược lại, bóng đá Thái Lan vẫn đang phải mỏi mắt nuôi mộng World Cup mà chưa bao giờ với tới được, trừ bóng đá nữ.

 Dù có thay bao nhiêu đời HLV mà không thay đổi được quan niệm thì bóng đá Việt Nam cũng khó mơ nổi tấm HCV SEA Games

Từ đó có thể thấy, ngay cả Thái Lan cũng có những vấn đề về tâm lý và sức ép, nhưng họ đặt ở một tầm cao hơn. Vì vậy mà các đội tuyển của Thái khi dự AFF Cup hay SEA Games không mang theo quá nhiều áp lực giống như bóng đá Việt Nam.

Ngược lại, ở những sân chơi lớn mà người hâm mộ Việt thường chỉ gọi là "xem cho biết, không dám mơ" thì U20 Việt Nam lập kỳ tích giành vé dự World Cup U20 tại Hàn Quốc, futsal Việt Nam giành vé dự World Cup futsal rồi vào đến vòng 2, hay U16 Việt Nam vào đến tứ kết U16 châu Á…

Tất cả chứng tỏ cứ giải đấu nào không chịu nhiều áp lực, các cầu thủ Việt Nam sẽ thi đấu thăng hoa hơn rất nhiều. 22 năm từ ngày hội nhập bóng đá khu vực, tư tưởng cứ mãi quanh quẩn với cụm từ SEA Games, AFF Cup khiến bóng đá Việt Nam cứ tự kiềm chân trong ao làng.

Giờ chỉ có thay đổi suy nghĩ, xem SEA Games hay AFF Cup như một giải đấu trẻ, dồn mục tiêu cho những sân chơi cấp khu vực, tự nhiên danh hiệu sẽ tìm đến với bóng đá nước nhà.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/u23-muon-co-hcv-cu-nghi-choi-sea-games-a89460.html