9h30, tâm bão Doksuri - cơn bão lớn nhất từ năm 2014 tới nay - tiến sát khu vực ranh giới giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, gây gió mạnh 105 km/h (cấp 10). Các công sở, chợ, trường học đóng cửa, nhiều khu vực mất điện. Người dân được khuyến cáo ở trong nhà đóng kín cửa, tuyệt đối không ra ngoài đường khi mưa bão.
Cách đất liền khoảng 30 km, huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) nằm trên đường di chuyển của bão nên hứng gió mạnh cấp 11, giật cấp 13. Toàn bộ quân dân được sơ tán tới hầm trú ẩn.
CSGT cấm xe tải trên quốc lộ 1A tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Ảnh: Nguyễn Đông. |
33 chuyến bay của Vietnam Airlines và Vietjet Air chặng Hà Nội đi TP HCM, Vinh, Đồng Hới, Thanh Hóa và ngược lại bị hủy, đề phòng nguy hiểm. Tổng công ty Đường sắt cũng dừng 7 đoàn tàu khách, 5 tàu hàng tại các ga phía bắc và phía nam của Hà Tĩnh - Quảng Bình.
Phòng cảnh sát giao thông Quảng Bình đã cử người chốt chặn phía nam Quảng Bình, hướng dẫn phương tiện dừng, đậu đỗ tránh tâm bão. Phương tiện từ phía bắc được chặn lại ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
10h, tại huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) gió tăng lên cấp 11-12. Hàng phi lao ven biển gần đồn biên phòng Roòn, xã Quảng Phú, bị gió biển quật nghiêng ngả, tạo tiếng rít ghê tai. Mưa xối xả, trời trắng xóa không nhìn rõ mặt người dù đứng cách nhau khoảng 20 mét.
[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2017/09/15/bao.mp4[/presscloud] Gió bão tại xã ven biển Quảng Phú (Quảng Trạch, Quảng Bình).
“Không biết bão đã vào hay chưa, nhưng mưa rất to. Thành phố Đồng Hới mất điện, người dân đóng cửa trong nhà nên không có cách gì cập nhật được thông tin”, ông Chữ ở phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, nói.
Tại xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), một số người trở về nhà tránh bão nhưng phải đi xe máy rất chậm, đầu cúi thấp tránh gió mạnh. "Tôi ở đây 13 năm, chưa thấy bão nào lớn vậy. Gió mạnh khủng khiếp, như muốn giật tung mọi thứ. Gia đình tôi phải sơ tán lên đồn công an trú ẩn", ông Tô (50 tuổi) ở Kỳ Lợi nói.
Đổ bộ Hà Tĩnh - Quảng Bình với sức gió cấp 12
10h30, bão đổ bộ khu vực đèo Ngang, giáp ranh hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình với sức gió cấp 11-12. Hàng loạt cột điện bị gãy đổ khiến hai tỉnh mất điện diện rộng. Riêng Hà Tĩnh còn mất sóng viễn thông.
Trên quốc lộ đi qua thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, những tấm tôn bay tung tóe giữa đường. Vài ngôi trường và trung tâm hành chính trống hoác vì bay mất mái.
[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2017/09/15/can.mp4[/presscloud]
Hà Tĩnh tan hoang dù bão vẫn chưa tan.
Tại Quảng Bình, tiếng gió gầm rít, tiếng mái tôn bập bùng như sắp bị giật tung cùng tiếng mưa rào rào khiến những đứa trẻ trú trong đồn biên phòng Roòn xã Quảng Phú (Quảng Trạch, Quảng Bình) sợ rúm ró, ôm chặt lấy người lớn. Gió bão cũng quật đổ cổng chào làm bằng sắt kiên cố đặt dưới chân cầu Nhật Lệ.
Đi kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tại cảng Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị), đoàn cán bộ phải cúi rạp người vì gió mạnh.
Tại cảng Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị), lực lượng chống bão phải cúi rạp người vì gió mạnh. Ảnh: Hoàng Táo. |
11h, tâm bão đi vào các huyện ven biển Hà Tĩnh - Quảng Bình, gió thôi vần vũ, mưa bớt xối xả. Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia Lê Thanh Hải giải thích trong khoảng 30 km vùng tâm bão, thời tiết hầu như bình yên nên nhiều người tưởng bão tan. Nhưng chỉ khoảng 30-60 phút nữa, khi tâm bão đi qua, mưa gió sẽ nổi lên mạnh hơn, nguy hiểm hơn.
Đúng như dự đoán, 40 phút sau, tại các huyện ven biển Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Ba Đồn và TP Đồng Hới (Quảng Bình), huyện và thị xã Kỳ Anh, Hương Khê (Hà Tĩnh) gió đổi hướng thổi ngược ra biển, gầm rít liên hồi.
Những đợt gió mạnh 133 km/h nhấc bổng nhiều thùng container ở thị xã Kỳ Anh khỏi bệ đỡ, bay xa khoảng 20 mét ra gần quốc lộ. Tháp truyền hình thị xã cao khoảng 100 m đổ sập. Một số ôtô dựng trước cửa khu kinh tế Vũng Áng sau hồi gió thổi nghiêng ngả đã bị bật tung cửa.
[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2017/09/15/b3.mp4[/presscloud]
Cột truyền hình Hà Tĩnh gãy gập trong bão.
Trú bão ở đồn biên phòng Roòn, bữa trưa nay bà Nguyễn Thị Chiêu (56 tuổi, xã Quảng Phú) cùng bảy đứa cháu ăn tạm mì tôm với lương khô. "Gió khủng khiếp thế không biết căn nhà ven biển của tôi có còn trụ được không", bà Chiêu lo lắng.
Ít nhất 6 người chết
13h-15h, bão đi sâu vào đất liền Hà Tĩnh - Quảng Bình, sức gió giảm còn cấp 10-11 (tối đa 120 km/h) nhưng vẫn rất mạnh. Các tỉnh liên tiếp ghi nhận thiệt hại, bước đầu có 6 người chết do giằng néo nhà cửa trong gió bão. Ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), 100% trường học, trạm y tế và 70-80% nhà dân bị tốc mái.
Diện mất điện gia tăng ở Quảng Bình do hàng trăm cột điện bị đổ. Riêng đoạn quốc lộ 1A qua xã Thanh Thủy (Lệ Thủy), 4 cột điện trung thế đổ kéo theo khoảng 50 m dây điện xà xuống đường. Tại âu tàu, nhiều tàu thuyền va đập bị chìm, trong đó riêng âu tàu Bắc Trạch có 6 tàu cá thiệt hại.
[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2017/09/15/B__o_c__n_qu__t_H___T__nh___Qu___ng_B__nh____t_nh___t_s__u_ng_____i_ch___t___VnExpress.mp4[/presscloud]
Cột điện đổ trên quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).
Hà Tĩnh ước tính có 23.000 nhà dân ở huyện và thị Kỳ Anh bị tốc mái, nhiều thôn bị cô lập do ngập nước. Số trường học, trụ sở, cây cối bị hư hỏng... chưa thể thống kê.
Nằm ở rìa cơn bão, nhưng Nghệ An cũng chịu thiệt hại nặng. Bão đã làm bà Đào Thị Thức (83 tuổi, trú phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò) tử vong do mảnh vữa từ trần nhà rơi trúng đầu. Toàn tỉnh có 210 nhà tốc mái, chủ yếu ở thị xã Cửa Lò và huyện Nghi Lộc.
Nhà mái tôn ở thị xã Cửa Lò, Nghệ An bị giật tung. Ảnh: Nguyễn Hải. |
Hơn 700 m đê ở các xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Long, Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) và thị xã Hoàng Mai bị sóng đánh hư hỏng. Một số điểm nước biển tràn bờ gây ngập hoa màu, hồ nuôi thủy sản.
16h, bão vượt biên giới sang phía Trung Lào, nhưng hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình vẫn còn gió mạnh cấp 7-8. Vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Trị (gồm đảo Cồn Cỏ, Hòn Ngư) chiều và tối nay còn có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 2-4 m, biển động mạnh.
Trong đêm nay và ngày mai, các tỉnh từ Quảng Trị đến Thanh Hóa, nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La có mưa to với tổng lượng 50-150 mm, có nơi trên 200 mm. Riêng Quảng Trị, Quảng Bình từ ngày mai mưa giảm nhanh.
Do mưa lớn trước và trong bão nên lũ các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị đã lên xấp xỉ báo động 1. Thủy điện Hố Hô tại Hà Tĩnh đang phải xả tràn, khoảng 900 m3/s, khiến lũ trên thượng nguồn sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ tiếp tục cao, có thể chạm báo động 3 - mức cao nhất.
[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2017/09/15/b4.mp4[/presscloud]
TP Đồng Hới (Quảng Bình) ngổn ngang sau bão.
Tình trạng ngập úng xảy ra tại các đô thị lớn của thị xã Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh); Ba Đồn, Đồng Hới (Quảng Bình), Đông Hà (Quảng Trị). Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở miền núi Hà Tĩnh đến Quảng Trị là rất lớn.
Được hình thành từ áp thấp nhiệt đới ở phía đông Philippines, Doksuri đã vượt qua quần đảo này, vào biển Đông sáng 13/9 với sức gió mạnh nhất 75 km/h (cấp 8). Là cơn bão trẻ, không gặp cản trở lớn, bão tăng cấp rất nhanh.
Sớm 14/9, bão tăng lên cấp 10 và tối cùng ngày cấp 12 (133 km/h). Đây là cơn bão mạnh nhất từ năm 2014 đến nay, cấp độ rủi ro thiên tai 4, có thể làm đổ nhà cửa, cây cối, cột điện, vỡ đê không kiên cố.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/bao-can-quet-ha-tinh-quang-binh-it-nhat-sau-nguoi-chet-a90319.html