Phiên tòa xét xử đại án Oceanbank hôm nay tiếp tục với phần bào chữa của luật sư dành cho các bị cáo nguyên là GĐ chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank. Các luật sư đều đặt vấn đề có hay không thiệt hại số tiền 1.576 tỷ đồng.
Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng: Số tiền chi lãi ngoài 1.576 tỷ của Oceanbank là trái quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về trần lãi suất huy động vốn bằng tiền đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ theo từng thời kỳ.
Số tiền chi sai nói trên đã bị hạch toán trái quy định của Nhà nước, không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ... Hậu quả của việc chi trái pháp luật là 1.576 tỷ đã không có khả năng thu hồi.
Phiên tòa xét xử đại án Oceanbank |
1.576 tỷ thất thoát cũng là một trong những thiệt hại góp phần đẩy nợ xấu của Oceanbank tại thời điểm 31/3/2014 là hơn 14.923 tỷ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ toàn hệ thống của ngân hàng này; lợi nhuận trước thuế lỗ hơn 10.188 tỷ đồng, bằng 249,63% vốn chủ sở hữu (tức âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần).
Ngày 6/5/2015, NHNN quyết định mua lại Oceanbank với giá 0 đồng, gánh toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của ngân hàng này đối với khách hàng, đồng thời chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các cổ đông góp vốn, trong đó PVN là doanh nghiệp nhà nước với 20% vốn góp vào Oceanbank là 800 tỷ đồng đã bị mất, công ty CP đầu tư và xây dựng Sông Đà với số tiền bị mất là 266 tỷ đồng cùng thiệt hại của các cổ đông khác.
Trách nhiệm chưa được đề cập
Bị cáo Lê Vũ Thủy (nguyên GĐ Chi nhánh Bình Dương) bị cáo buộc đã đồng phạm với Hà Văn Thắm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và bị VKS đề nghị xử phạt mức án từ 24-30 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.
Bào chữa cho bị cáo Lê Vũ Thủy, luật sư Phạm Trung Hiếu đưa ra quan điểm: Chưa thấy cơ quan nào đề cập đến trách nhiệm của NHNN và cơ quan kiểm toán độc lập.
Luật sư Phạm Trung Hiếu |
Luật sư nêu vấn đề: Cơ quan điều tra và VKS cho là không có chứng từ hợp lệ. Oceanbank từng được một cơ quan kiểm toán độc lập - là một trong 5 cơ quan kiểm toán hàng đầu kiểm toán, sao không phát hiện ra các khoản tiền không có hóa đơn chứng từ này?
Không có cơ quan nào đề nghị cơ quan kiểm toán đứng ra làm chứng. Nên chăng mời cơ quan kiểm toán độc lập này có mặt hoặc yêu cầu họ giải trình. Vì sao không phát hiện ra sai phạm, hay phát hiện ra sai phạm mà không cảnh báo?
Vẫn theo luật sư, trong quá trình thanh tra, không phát hiện sai phạm trong việc chi lãi ngoài, chi vượt trần, nhưng quy kết lại nói có sai phạm. Phải chăng việc thanh tra là thanh tra thiếu trách nhiệm? Hay trình độ các thanh tra còn hạn chế chưa phát hiện sai phạm, hay có sai phạm nhưng cố tình bỏ qua?
Luật sư cho rằng, nếu nói các bị cáo gây thiệt hại cho Oceanbank thì phải nói rõ Oceanbank bị thiệt hại bao nhiêu? Trong kết luận giám định không có từ ngữ nào chỉ ra thiệt hại của Oceanbank mà chỉ nói là có vi phạm về mặt kế toán thống kê, cũng không xác định được thiệt hại.
Trong khi đó, yếu tố bắt buộc cấu thành tội cố ý làm trái là phải xác định được thiệt hại. Như vậy, theo luật sư, việc quy kết các bị cáo tội cố ý làm trái là không có cơ sở.
Luật sư Nguyễn Phương Nam bào chữa cho 4 bị cáo là nguyên các GĐ chi nhánh Oceanbank cũng đặt vấn đề về giám định thiệt hại số tiền 1.576 tỷ đồng.
Ngoài ra, luật sư cho rằng, việc chi lãi ngoài là 1 giao dịch dân sự, là biện pháp của Oceanbank nhằm kích thích huy động vốn chứ không phải là vi phạm.
Theo luật sư, đối với tổ chức và cá nhân mà nhận tiền chi lãi ngoài và sử dụng tiền như thế nào mới cần phải xem xét trong giai đoạn 2 của vụ án.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/dai-an-oceanbank-luat-su-nhac-den-trach-nhiem-ngan-hang-a90518.html