Dẫn chúng tôi ra khu vực bể lọc nước bị phèn đóng từng lớp vàng ố được dựng phía sau nhà, bà Trương Thị Lương, ngụ tổ 3, thôn Nam Yên, phàn nàn: “Mỗi lần bơm nước giếng lên là mùi hôi, tanh của phèn bốc lên nồng nặc và đóng váng trên mặt nước nên không thể dùng được. Bà con trong thôn phải tốn cả ngày trời để lọc nước thủ công nhiều lần cho đỡ hôi rồi mới có thể dùng được.
Nước nhiễm phèn được người dân lọc thủ côngnhiều lần trong ngày nhưng vẫn còn mùi hôi |
Do không đủ kinh phí để khoan giếng sâu nên gia đình tôi buộc phải dùng nguồn nước nhiễm phèn. Chưa kể, do thiếu nước vào mùa khô khiến nước bơm lên bị hụt buộc người dân phải ra sông hoặc lên suối gần đó gánh nước về sinh hoạt một cách tạm bợ mặc dù biết nguồn nước trên đã bị ô nhiễm do không còn cách nào khác”.
Theo ông Lê Bá Chúc, trưởng thôn Nam Yên, cả thôn có hơn 415 hộ thì đã có hơn 150 hộ dân phải thường xuyên đi mua nước bình về xài một do không chịu nổi mùi phèn từ nước máy mỗi khi bơm lên. Các hộ dân trong thôn còn lại do thuộc diện hộ nghèo, khó khăn, không đủ tiền mua nước sạch nên đành nhắm mắt dùng nước nhiễm phèn.
“Trước đây, một số hộ dân sống gần các khe suối như khe Răm, khe Hội Yên thường lấy nguồn nước suối để sinh hoạt như nhiều năm trở lại đây, nguồn nước này bị ô nhiễm nên người dân quay lại cảnh dùng nước máy nhiễm phèn. Thấy cảnh thiếu nước sạch của người dân kéo dài hơn 20 năm nay, chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên để mong có được thống nước sạch dẫn về tận nhà cho dân sinh hoạt ổn định nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết” - ông Chúc ngậm ngùi.
Thôn Nam Yên và An Định hiện có gần 470 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng mía dọc bờ sông Cu Đê nhưng nhiều năm trở lại đây, giá mía liên tục hạ khiến cuộc sống người dân lâm vào cảnh khó khăn, bấp bênh. Ngoài tình cảnh thiếu nước sạch, theo ông Chúc, nhiều năm trở lại đây, hơn 20 hộ dân trong thôn do có nhà nằm sát chân núi Hội Yên thường xuyên bị đất đá từ trên núi đổ xuống gây thiệt hại mỗi khi có mưa lớn.
Ông Chúc cho biết cán bộ thôn thường xuyên vận động bà con nạo vét các tuyến mương dọc chân núi và nghiêm cấp việc phát hoang quanh khu vực triền núi nhằm tránh đất đá trôi xuống mỗi sạt lở xảy ra. “Cuộc sống nghèo khổ đã bủa vây người dân miền núi chúng tôi nhiều năm qua, nay người dân lại phải đối mặt với tình cảnh thiếu nước sạch, nỗi lo sạt lở núi mà không biết khi nào nới chấm dứt” - ông Chúc nói.
Hàng trăm hộ dân thuộc hai thôn Nam Yên và An Định (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) nhiều năm nay phải sống trong tình cảnh thiếu nước sạch do nguồn nước giếng, nước suối bị nhiễm phèn và ô nhiễm kéo dài. |
Theo một cán bộ xã Hòa Bắc, vào đầu năm 2017, TP đã có quyết định đầu tư, xây dựng hai công trình nước sạch tại địa bàn hai thôn Nam Yên và An Định. Riêng công trình nước sạch tại thôn Nam Yên sẽ được xây dựng tại khu vực khe Hội Yên để phục vụ cho khoảng 100 hộ dân đang thiếu nước sạch trầm trọng.
“Cách đây hơn 3 tháng, đại diện đơn vị thi công đã đến khu vực suối Hội Yên và khe Răm để khảo sát vị trí xây dựng bể chứa nước sạch. Dự khiến trong thời gian đến, hai công trình nước sạch trên sẽ được tiến hành xây dựng. Toàn bộ hệ thống ống dẫn nước sẽ được kéo đến tận nhà các hộ dân có nhu cầu. Việc cung cấp nước, thu phí sẽ được Chi cục Thủy lợi TP. Đà Nẵng quản lý nhằm tránh hư hỏng và thất thoát nguồn nước sạch” - vị này cho hay.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/hon-20-nam-xai-nuoc-nhiem-phen-a90855.html