Bên ngôi nhà khang trang xây năm 2005, bà Lê Thị Bấc (SN 1953, thôn Viên Quang) ngồi bó gối bần thần nhìn ra khu ao cá rộng cả ngàn m2 của gia đình.
Đàn lợn thảnh thơi trên hiên nhà sạch sẽ, thoáng mát |
Gần một tháng nay, vợ chồng, con cái bà Bấc nhường ngôi nhà khang trang mấy chục m2 vẫn là nơi sinh hoạt cho đàn gà hơn 100 con và đàn lợn vài chục con.
Hai căn buồng trước là phòng ngủ được trải lớp trấu dày để thả gà. Hiên nhà trông ra khoảng sân có cây nhãn xanh mướt là chỗ nuôi khoảng 20 con lợn, ước chừng vài chục kg/con.
Phòng khách rộng hơn chục m2 chất đầy bao tải chứa thức ăn chăn nuôi, phân đạm…
|
Đàn gà trong phòng ngủ |
Trước, gia đình bà ở giữa làng Viên Quan, cách khu trang trại vườn - ao - chuồng hiện nay khoảng 2km.
Năm 2004, khi huyện có chủ trương dồn điền đổi thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất chuồng trại, cùng với nhiều hộ khác trong làng, gia đình bà Bấc ra đây làm kinh tế.
“Hơn chục năm trước, khu này là ruộng xấu, chúng tôi gọi là ruộng đuôi chó, vì trồng lúa năng suất thấp, cây lúa cũn cỡn, con chó chạy trên những bờ ruộng còn nhìn rõ cái đuôi nó nhô lên. Hàng chục năm trời, biết bao mồ hôi công sức đổ xuống mới có được cơ ngơi ngày hôm nay”, bà Bấc kể.
Bà Lê Thị Bấc bần thần bên khu vườn ao chuồng được gây dựng hơn chục năm trời |
Anh Phạm Quang Tân (con trai bà Bấc) cho hay, mô hình VAC của gia đình anh có tổng diện tích gần 7.000m2, với 3 khoảnh ao, còn lại là chuồng trại, vườn cây ăn quả. Doanh thu khoảng gần 2 tỷ đồng/năm, đó là thành quả sau nhiều năm bền bỉ lao động.
Ngôi nhà 3 gian có được từ chăn nuôi, trồng trọt trong nhiều năm. Căn buồng nhỏ của vợ chồng anh, chiều theo cô con gái 5 tuổi, được quét ve màu hồng nhìn điệu đàng để giống với “ngôi nhà cổ tích” mà con gái thích, nay đang nhường để… nuôi gà.
Hai gian nhà cấp 4 ở ngay đầu cổng vào, trước là chuồng nuôi lợn. Từ khi “nhường” chỗ ở cho gà, lợn trên ngôi nhà kiên cố, anh Tân cải tạo, tráng xi măng và dọn hết đồ đạc của gia đình xuống đây làm chỗ sinh hoạt.
Cùng chung câu chuyện như gia đình bà Bấc, các hộ khác trong thôn như hộ gia đình anh Phạm Đình Biển, chị Lưu Thị Hạnh, anh Phạm Đình Thạo… cũng “nhường” nhà của người đang ở cho gà, lợn ở, còn người thì chuyển vào nhà kho rộng khoảng chục m2, kê được chiếc giường đôi, bàn uống nước…
Câu chuyện của gia đình chị Lưu Thị Hạnh lại là một bi kịch: Khu vườn - ao -chuồng của gia đình có tổng diện tích lên tới 9.000m2. Đứa con trai lớn đã có gia đình nhưng chưa tách hộ, vì nhà cấp 4 chật chội quá, đất lại đang rộng, năm 2016 vợ chồng chị xây thêm một ngôi nhà cấp 4 mới, nhường cho con nhà cũ.
Tuy nhiên, ngôi nhà mới chưa hoàn thiện, đang trát vữa dở thì chồng của chị ngã bệnh ốm mất. Từ đó đến nay, chiếc hiên đang chuẩn bị đổ cát để lát gạch phải để dở dang; bậc lên xuống không làm được, phải đổ cát thoai thoải, sau đó lấy ni-lon lót lên trên để lấy chỗ đi lại.
Vợ chồng anh Phạm Đình Biển (SN 1973) cũng đưa đồ đạc có giá trị vào căn buồng rộng 10m2, phần diện tích còn lại thì kê đồ, làm nhà kho.
Hoán đổi nhà ở thành chuồng trại
Theo các hộ dân, khu chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp ở thôn Viên Quang có tổng diện tích lên tới hơn 30ha. Tổng số các hộ dân đang thực hiện mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng khoảng 70 hộ.
Công trình dang dở của gia đình chị Lưu Thị Hạnh, thôn Viên Quang |
Phòng ở của vợ chồng anh Phạm Đình Biển được dùng làm kho chứa đồ để đúng theo hạn mức mà huyện quy định |
Mỗi hộ dân, quy mô diện tích từ 6.000-9.000m2, trong đó phân ra thành các khu chuồng trại chăn nuôi, ao nuôi cá, khu trồng cây lâu năm, kho chứa, nhà tạm để làm chỗ ở để trông coi, sản xuất.
Gia đình anh Phạm Đình Biển (SN 1973) được UBND huyện Phù Cừ chấp thuận cho chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang mô hình VAC, tổng diện tích gần 6.000m2 từ năm 2006.
Trong các quyết định cho phép chuyển đổi, chính quyền có ghi rõ quy mô, phạm vi diện tích sử dụng đất từng hạng mục của các hộ dân, trong đó diện tích nhà kho, nhà tạm được giới hạn ở mức 25m2/nhà kho, nhà tạm dành cho người ở được giới hạn ở mức từ 10-20-40m2, tùy theo từng giai đoạn.
Tuy nhiên hầu hết các hộ dân đã tự ý xây dựng các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp vượt xa mức được cho phép. Có những hộ như hộ bà Lê Thị Bấc xây nhà kiên cố 50-60m2.
Từ đầu năm nay, UBND tỉnh Hưng Yên ra chỉ thị giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép… Những công trình xây dựng vượt mức cho phép của các hộ dân tại thôn Viên Quang đều nằm trong diện phải tháo dỡ.
Các hộ dân đều mong được giữ các công trình sai phạm nên đã hoán đổi thành chuồng trại, nhà kho… Đó là lý do vì sao, gà, lợn được bà con “nhường” chỗ ở, và người thì chuyển xuống ở nhà tạm chật chội, xập xệ với diện tích vỏn vẹn khoảng 10m2.
Anh Phạm Văn Tân thừa nhận: “Chúng tôi cũng biết xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp là sai phạm. Tuy nhiên, hàng chục năm qua, nhu cầu của gia đình là phải có người quán xuyến hàng ngày hàng giờ trông coi vườn cây, ao cá. Nếu chính quyền không cho phép, chúng tôi sẽ xuống ở nhà tạm theo quy định, còn công trình thì xin được giữ lại, hoán đổi thành khu chăn nuôi”.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/kien-trung-vu-diep-a90959.html