Cuộc đời khốn khổ của chàng kỹ sư bỗng dưng hóa điên

Tưởng rằng anh chính là niềm tự hào, là ánh sáng soi rọi cuộc đời tối tăm, nghèo khổ của cha mẹ sau bao năm đèn sách. Vậy mà, vừa ra trường đi làm được 2 năm, anh bỗng dưng hóa điên, bóng tối lại phủ xuống cuộc đời cha mẹ anh- một cuộc đời đã quá đỗi khốn khó, cùng cực.

Tôi không nghĩ đứng trước mặt tôi lại là chàng cử nhân trường Đại học Thủy lợi Hà Nội của 15 năm trước, vừa ra trường anh đã được nhận vào một công ty lớn ở Đắc Lắc với mức lương đáng mơ ước của bao người.

 Từ một kỹ sư giỏi, cuộc đời của anh bất ngờ chôn vùi bởi bốn bức tường từ khi hóa điên

Còn giờ đây, người đàn ông đứng trước mặt tôi vẫn có gương mặt sáng, hiền lành, phúc hậu nhưng ánh mắt ngô nghê vô hồn như một đứa trẻ, hỏi gì cũng không biết, không nhớ. Cuộc sống của anh là 4 bức tường với xiềng xích với những lần lên cơn điên dại vật vã. Hay những ngày trốn thoát được gia đình lang thang cả tuần trời ngoài đường, nhặt được gì thì ăn nấy…

Người đàn ông khốn khổ ấy là Vũ Văn Song (SN 1978, thôn 3, xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Song lớn lên trong một gia đình nghèo khó đến cùng cực. Mẹ anh kể những ngày mà cả làng đã có cơm ăn thì nhà anh vẫn còn ăn khoai ăn sắn.

Dù nhà có mấy anh chị em nhưng Song là người học hành giỏi giang hơn cả. Thấy anh ham học, lại luôn đứng trong top đầu của trường, cha mẹ anh dù nghèo đói cũng không nỡ bắt con bỏ học. Ngày nào cũng vậy, đôi vợ chồng nghèo ấy hết lên núi hái củi, hái sim rồi mò cua bắt hến để có tiền cho con đi học.

 

Chị gái rồi em gái của anh đều phải nghỉ học để góp sức cho anh học hành. Những đồng tiền lẻ bán con tép con hến, mớ củi khô trên núi nuôi anh trưởng thành. Đôi bàn tay cha chại sạn, đôi bàn tay mẹ gầy guộc bởi những ngày trèo núi, ngâm mình dưới sông để nuôi ước mơ cho con.

Ấy thế mà cuộc đời thật trớ trêu, tưởng rằng anh chính là niềm hy vọng, là ánh sáng soi rọi vào cuộc đời quá đỗi tối tăm, cùng cực của cha mẹ anh thì bất ngờ sau 2 năm ra trường đi làm, anh đã hóa điên dại.

 

 Bệnh án tâm thần của anh Song

Người cha, người mẹ khốn khổ của anh tưởng không thể sống được vì cú sốc quá lớn đối với họ nhưng không họ vẫn phải gượng dậy vì đứa con đứt ruột đẻ ra chẳng thể bỏ mặc.

Lại vẫn những bó củi khô trên núi, những con tôm, tép dưới sông đổi lấy những đồng tiền lẻ đưa anh đi chữa bệnh.

5 năm sau anh căn bệnh thuyên giảm, anh bắt đầu nhận biết và ý thức được. Lo sợ mình già yếu sẽ chẳng ai chăm sóc con, bố mẹ anh đã hỏi một người phụ nữ “quá lứa lỡ thì” về làm vợ cho anh . Vậy là anh có vợ, hai đứa con lần lượt ra đời.

Nhưng một lần nữa, sau khi sinh đứa con thứ 2, ông trời lại bắt anh trở về với căn bệnh cũ, lần này căn bệnh càng ngày càng nặng hơn. Anh không còn nhận biết được người thân trong gia đình. Những lần lên cơn co giật đến với anh nhiều hơn, anh gào thét, mắt trợn trừng rồi bỏ chạy. Những đứa con anh vì sợ mà khóc thét, chẳng bao giờ chúng dám lại gần cha.

 Chị Hợi cầm tấm bằng đại học của chồng mà xót xa

Đáng thương nhất là người phụ nữ, vợ anh bây giờ- chị Phạm Thị Hợi. Dường như số phận đã khiến chị gắn cuộc đời với người đàn ông này. Ở chị, tôi thấy hiện lên trên khuôn mặt đầy khắc khổ ấy là sự chấp nhận, cam chịu. Ngồi nói chuyện, chốc chốc chị lại hỏi con “bố đâu rồi, để ý không bố đi mất đấy nhé”.

Rồi chị gạt nước mắt, kể trong tủi phận: “Lúc nào đi làm về thì mới mở cửa, mở xích cho anh ấy ra ngoài một lát. Nhốt chồng thì thấy tội thương mà mở ra thì cứ không để ý là anh ấy đi mất. Có lần anh ấy đi cả tuần trời, lang thang ngoài đường. Bố mẹ già rồi vợ ngày nào cũng đi tìm. Mấy lần như thế nên bây giờ chị sợ lắm”.

 Ánh mắt sợ sệt của đứa con mỗi khi nghe tiếng gào thét của cha

“Hoàn cảnh gia đình khó khăn quá nên không có tiền cho anh ấy điều trị ở viện, thuốc men thì cũng khi có khi không nên bệnh của anh ngày càng nặng. Bây giờ đến miếng cơm còn phải chạy từng bữa, mấy đứa nhỏ đi học cũng không có tiền mua sách vở thì tiền đâu mà chữa bệnh cho chồng hả em…” – người phụ nữ đưa tay quyệt vội dòng nước mắt đang lăn ra từ đôi mắt thâm quầng rồi thở dài. Tôi nghe tiếng thở dài của chị có gì đó đầy chua xót và bất lực.

Vừa trò chuyện chị lại vừa chạy đi đút cơm cho hai đứa con rồi lại ngó chỗ nọ, quay chỗ kia tìm chồng với dáng khắc khổ, lật đật. Chị bảo xong hai đứa con là đến anh, anh bây giờ cũng không khác gì một đứa trẻ, cho ăn cũng mất cả giờ đồng hồ, vừa đút vừa nịnh.

Hai đứa nhỏ con chị, đứa lớn mới 7 tuổi, đứa nhỏ vừa tròn 3 tuổi, mặt mũi lem nhem, ánh mắt sợ sệt. Tất cả đè lên đôi vai gầy guộc của người đàn bà đáng thương này. Ngoài mấy sào ruộng cấy, chị lại tranh thủ đi làm thuê làm mướn để có tiền mưu sinh cho cả gia đình. Có lẽ vì quá vất vả và bất hạnh mà dù mới ngoài 30 tuổi nhưng tóc đã bạc, khuôn mặt chị già nua đến mức chẳng ai có thể đoán được tuổi của chị.

Tôi nghĩ sao cũng không hiểu được cái duyên trời định đoạt khiến chị phải gánh vác cuộc đời đắng cay này hay là một nguyên nhân nào khác nhưng chắc chắn ở người phụ nữ này ấy là tình thương chồng, con đến mãnh liệt. Và tôi cũng không hiểu rồi đây chị và các con sẽ bước tiếp những ngày tiếp theo như thế nào khi trước mắt tất cả đều tăm tối, cùng cực....

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 2680: Chị Phạm Thị Hợi (vợ anh Song), thôn 3, xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa)

Link nội dung: https://haiphong24h.org/cuoc-doi-khon-kho-cua-chang-ky-su-bong-dung-hoa-dien-a91145.html