|
Tới xã Hòa Tân, huyện Châu Thành (Đồng Tháp), hỏi chùa Phước Kiển hay chùa Lá Sen, bạn sẽ được người dân chỉ dẫn vô cùng tận tình. Tương truyền, Phước Kiển Tự là ngôi chùa nhỏ được thành lập trước thời vua Thiệu Trị. Vào năm 1966, chùa bị dội bom làm sập hoàn toàn và để lại nhiều hố bom xung quanh.
Ảnh: h.m.a.i |
Cảnh quan chùa khá rộng rãi, thoáng đãng, các tượng Phật cũng được làm sống động và tinh xảo. Tuy kiến trúc không có gì đặc sắc nhưng trong chùa có một loài sen kỳ lạ và hiếm thấy không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các nước Đông Nam Á.
Ảnh: hanhtrangdulich |
Ao sen ở chùa Phước Kiển có hình vuông tượng trưng cho đất, lá sen có hình tròn tượng trưng cho trời. Lá sen khổng lồ, to như những cái nia, vành cong gần cả tấc tay, nom rất đẹp mắt. Nếu không tận mắt nhìn thấy, chắc chắn bạn sẽ hồ nghi rằng, đây chỉ là lá sen làm bằng nhựa hoặc bên dưới lá có sắt thép chống đỡ.
Ảnh: huynguyen1284 |
Được biết, loài sen này xuất hiện trong ao của nhà chùa từ năm 1992 và tồn tại cho đến bây giờ. Không ai biết tên gọi chính xác của chúng nên người ta thường gọi bằng nhiều tên khác nhau. Có người gọi là sen vua, có khi gọi là súng nia, cây nong tầm,…
Ảnh: Minhchauarc |
Loại sen lạ có nguồn gốc từ vùng Amazon, tên khoa học là Victoria regia. Sen lá to, dày và có nhiều gai. Chính đặc điểm này giúp cho cây thích ứng với môi trường sống, tránh sự tấn công của các loài động vật dưới nước.
Ảnh: nm.cuongfw |
Vào những ngày nước nổi, đường kính của sen có thể đạt tới 3m, có thể "cõng" và chịu được sức nặng của một người khoảng 70 - 80 cân mà chỉ làm chao nhẹ mặt nước. Còn vào mùa khô, lá sen chỉ to khoảng 1 - 1,5m. Khách thập phương nếu có nhu cầu chụp hình trên lá sen sẽ tính phí khoảng 20.000 đồng/người.
Ảnh: pho_duy |
Có người ví phiến sen khổng lồ như chiếc nón quai thao của các cô gái miền Bắc. Mặt trên của lá nhẵn bóng màu xanh nhạt, còn mặt dưới nhiều gai và có nhiều gân lớn, được chia nhỏ thành các ô vuông có màu đỏ nhạt khi còn non và thẫm dần khi lá già.
Ảnh: gios_kp |
Mùa nước nổi tháng 9 - 10 chính là lúc thích hợp nhất để bạn đi ngắm “sen vua”. Bởi lúc đó, lá sen ra nhiều, to, dày dặn, bao phủ kín mặt ao. Vì lá sen rất giòn, dễ bị rách nên nếu muốn đứng lên, trước tiên bạn phải đặt một cái mâm thiếc mỏng lên trên, sau đó bước chậm rãi vào đúng tâm.
Ảnh: FB Thành phố Sa Đéc |
Chen lẫn vô vàn lá sen khổng lồ trên mặt nước là những bông sen trắng tinh khôi hé nở, điểm xuyến đâu đó là một vài bông sen màu hồng sẫm đang dần úa tàn.
Hoa sen nở trong 3 ngày và mỗi ngày nở 2 lần, chuyển màu liên tục. Hoa nở lần đầu vào khoảng 6 giờ tối, tỏa hương thơm ngát đến 12 giờ sáng hôm sau thì bắt đầu khép lại. Tầm 3 giờ hoa lại nở, đến khoảng 4 - 5 giờ chiều thì khép cánh. Từ màu trắng hồng ban đầu, mỗi lần hoa nở sẽ sẫm hơn một chút đến khi tàn sẽ có màu tím thẫm.
Ảnh: gios_kp |
Không chỉ thu hút du khách bởi loài sen lạ, trong Phước Kiển Tự còn lưu truyền câu chuyện về rùa thần và hạc thần. Theo sư trụ trì, vào năm 1948 có người mang đến tặng cho chùa một con quy. Con quy này suốt ngày cứ quanh quẩn bên vị sư, mỗi khi nghe tiếng kinh nó đều nằm yên như tĩnh tâm. Đến năm 1966, giặc Mỹ đánh bom khiến cho chùa tan hoang, quy lạc mất rồi được một người bắt về nuôi. Sau đó, quy đã trốn thoát tự bò về chùa.
Ảnh: Huyện Châu Thành |
Đến năm 1999, trong chùa Phước Kiển lại xuất hiện một con hạc. Con vật này rất hay đậu trên lưng cụ rùa để đùa. Nhưng sau đó, chính quyền địa phương đưa ý kiến bắt chim hạc về khu bảo tồn vì đó là động vật hoang dã.
Từ đó về sau, người ta không thấy chim hạc xuất hiện nữa. Sau khi chim hạc bay đi, cụ rùa cũng qua đời. Sư trụ trì tiếc cả hai con vật, bèn ướp xác rùa và đeo vào cổ một chuỗi tràng hạt, đặt trong lồng kính thờ trong chùa.
Ảnh: cherry.pum |
Bạn có thể kết hợp tham quan một số địa danh gần chùa như: Làng hoa Sa Đéc, Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê hay chùa Kim Huệ Từ...
Link nội dung: https://haiphong24h.org/van-canh-ngoi-chua-co-loai-sen-cong-duoc-nguoi-o-dong-thap-a91385.html