1. Vài ngày trước, người hâm mộ bóng đá Việt Nam hẳn sửng sốt khi đọc được thông tin chủ tịch CLB Sài Gòn - ông Nguyễn Giang Đông lên cơn nhồi máu cơ tim, phải nhập viện sau khi đọc công văn phúc đáp của Ban tổ chức V-League về việc CLB này xin xóa thẻ cho cầu thủ Cao Văn Triền.
Trên giường bệnh, chủ tịch CLB Sài Gòn còn cố nhắn nhủ: "Không thể để trọng tài muốn triệt hạ ai cũng được. Phải có hiệp hội cầu thủ ở Việt Nam, để đấu tranh cho quyền lợi của tất cả các cầu thủ hiện đang chơi bóng ở các giải VĐQG".
Trước đó, ngay sau trận thua 2-4 trước CLB TP.HCM, từ HLV trưởng, cho đến giám đốc điều hành, rồi trưởng đoàn bóng đá CLB HAGL đều lên tiếng thống thiết về "vấn nạn trọng tài", cho rằng trọng tài đã "cướp" của họ một quả phạt đền, cùng một tình huống ghi bàn trong tư thế không việt vị.
Đau đớn thay, video trận đấu, từ những góc quay rõ ràng khiến giới chuyên môn, cũng như người hâm mộ dễ dàng khẳng định rằng trọng tài hoàn toàn đúng ở cả hai tình huống đấy, thậm chí Công Phượng còn khá may mắn tránh được chiếc thẻ vàng vì lỗi ăn vạ. Tương tự, chẳng có Ban tổ chức nào lại đồng ý xóa thẻ cho Cao Văn Triền, với pha bóng chạm tay ngay trên vạch vôi khung thành cả.
Đáng buồn, hình như những ông chủ, những quan chức CLB V-League đang tự cho mình cái quyền "ăn vạ" bất chấp đúng sai, họ cũng quên mất rằng ở thời đại công nghệ phát triển, khi tất cả các trận đấu V-League đều được truyền hình trực tiếp trên Internet, không những khán giả có thể nhanh chóng xem lại tình huống gây tranh cãi, mà họ cũng có thể xem nó chỉ vài giây sau tình huống, trước khi mở mồm chỉ trích trọng tài.
Cũng chẳng lạ, đến như Công Vinh, một cầu thủ vừa "ráo mồ hôi", ngồi trên chiếc ghế quyền chủ tịch CLB TP.HCM còn dám lớn giọng với giám sát trọng tài Đoàn Phú Tấn - người đáng tuổi cha chú mình: "Tôi nói với chú làm chi? Chú là cái chi? Tôi sẽ đưa lên công luận!". Hóa ra, công luận mới là điểm đến đáng sợ nhất của những người đang giữ trên mình trọng trách của những CLB tham gia cuộc chơi bóng đá Việt Nam.
Công luận không phải là người ép bầu Đức, HLV Hữu Thắng và những cầu thủ HAGL như công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn... bằng mọi giá đem về chiếc HCV SEA Games, nhưng cũng như ông Giang Đông, Ban lãnh đạo HAGL và cả Công Vinh, bầu Đức và Hữu Thắng biết cách lợi dụng công luận để làm được điều mình muốn: chiếc ghế HLV trưởng và một U22 Việt Nam đậm đặc chất HAGL.
2. Trận đấu đầu tiên của ĐTQG Việt Nam sau khi Hữu Thắng từ chức là trận thắng 2-1 trước Campuchia ngay trên sân khách, đem về 3 điểm quý giá. Nhưng quý giá hơn, nó vạch ra được điểm yếu cốt tử của bóng đá Việt Nam, cái điểm yếu mà chúng ta đã ngộ nhận là điểm mạnh của mình suốt gần 2 năm qua: đá đẹp.
ĐTQG Việt Nam dưới tay ông Mai Đức Chung bị chỉ trích dữ dội vì "đá không đẹp". |
Rất nhiều mũi dùi hướng về HLV tạm quyền Mai Đức Chung sau trận thắng ấy. Họ muốn Việt Nam phải thắng đẹp, bởi đối thủ chỉ là Campuchia, mà ko cần biết rằng đối thủ đang tiến bộ từng ngày, trong khi Việt Nam đang dẫm chân tại chỗ trong cái vũng bùn Đông Nam Á, và phải xung trận với những cầu thủ mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần.
Mới đây, báo Thái Lan viết rằng bóng đá Việt Nam thực sự mâu thuẫn, bởi không quá mạnh, nhưng vừa thích chơi đẹp, lại vừa thích hiệu quả. Chẳng sai. Nhưng đến như Hữu Thắng - một cầu thủ, HLV cả sự nghiệp trung thành với lối chơi thiên về sức mạnh mà vẫn buộc phải chọn lối chơi "duy mỹ" để làm vừa lòng bầu Đức, thì người hâm mộ nên bắt đầu tiếp tục lo lắng, khi biết rằng tân HLV Park Hang-seo cũng do một tay bầu Đức đưa về.
Khi nghe tân HLV trưởng ĐTQG Việt Nam chia sẻ về mục tiêu đưa bóng đá Việt Nam đến VCK Olympic 2020, những người làm và có hiểu biết về chuyên môn chẳng thể nhịn nổi tiếng cười khùng khục. Cả châu Á, trừ Nhật Bản là nước chủ nhà ra chỉ có 3 suất, Việt Nam "có tuổi" à?
Mục tiêu lọt vào VCK Olympic 2020 đặt ra để... cười với nhau à? |
Chẳng sao cả, chỉ cần làm "công luận" sướng là được. Chứ chả nhẽ lại đặt mục tiêu là "vô địch SEA Games" để người ta mắng cho à, để người ta lại nhớ đến lời hứa từ chức của bầu Đức, nhớ đến lời kêu gọi "nếu không vô địch SEA Games, thì 80% Ban chấp hành VFF nên nghỉ đi" à? Thua thảm ở SEA Games, đã có ai nghỉ đâu!
VFF đã có hẳn công văn trình bày cực kỳ kín kẽ về quy trình tuyển chọn HLV Park Hang-seo cho ĐTQG và U23 Việt Nam, nhưng có lẽ ai cũng biết bầu Đức, phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn và tổng thư ký Lê Hoài Anh bay sang Hàn Quốc trong hoàn cảnh nào.
Ngay sau khi những thông tin được tung ra về việc Hữu Thắng tố VFF là "vô lương tâm", HLV gốc Hà Tĩnh này đã lập tức lên tiếng thanh minh rằng những "tâm sự chuyên môn" của mình bị lợi dụng để "đấu đá cá nhân". Nhưng không có lửa, thì nào có khói. Hữu Thắng không nói thế, thì báo nào dám đăng?
Ngay sau "cú đòn bẩn" mang tên Hữu Thắng, là thông tin về việc ông Huỳnh Mau - giám đốc điều hành HAGL và Công Vinh được chọn vào chiếc ghế Tổng thư ký VFF. Chẳng ai rành chuyên môn mà lại tin vào thông tin này. Nhưng Công Vinh vẫn đăng đàn giải thích. Chẳng ai lạ cái tin đồn ấy là nhắm trực tiếp vào chiếc ghế Tổng thư ký của ông Lê Hoài Anh.
Cái ghế của Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn và TKK Lê Hoài Anh đang là đích nhắm của màn đấu đá nội bộ VFF. |
Và trong bộ sậu lãnh đạo VFF, người ta biết cuộc chiến đã bắt đầu, sẽ còn dai dẳng và không thiếu những "trò bẩn".
Tuyển chọn được tân HLV trưởng nhanh ngày nào, bộ sậu lãnh đạo VFF sẽ bình ổn được "công luận" nhanh ngày ấy. Park Hang-seo là HLV được Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc giới thiệu cho VFF, với thành tích 15 trận không thắng (11 thua, 4 hòa) ở giải hạng 3 Hàn Quốc và đang đứng trước nguy cơ bị sa thải.
3. Trong cái guồng quay lớn mang tên bóng đá Việt Nam, xét cho cùng xấu xí hay đẹp đẽ, thì nó cũng là tấm gương phản ánh chân thực nhu cầu của người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Dù là bầu Đức hay Hữu Thắng, bầu Giang Đông hay quyền chủ tịch Công Vinh, họ chỉ có thể làm được điều mình muốn khi biết rằng những điều ấy tìm được sự đồng tình của dư luận.
Ai đã từng tin rằng lứa U19 HAGL của bầu Đức thừa sức đem chức vô địch SEA Games 29 về cho Việt Nam, xin giơ tay lên!
Cần một góc nhỏ đẹp đẽ trong muôn vàn thứ xấu xa của bóng đá Việt ư? HLV Mai Đức Chung "mời" Anh Đức lên tuyển. Từ lâu lắm rồi, người ta quên mất rằng Việt Nam còn một tiền đạo như Anh Đức.
Trong phòng họp báo ở sân Hàng Đẫy hơn một năm trước, các phóng viên có mặt đã từng cười rộ khi HLV Hữu Thắng lúng túng giải thích lý do Anh Đức không tập trung đội tuyển. Để rồi cười buồn khi biết tiền đạo này "hết cửa", bởi Công Vinh, bởi Công Phượng.
Dưới thời Hữu Thắng, Anh Đức tiệt đường lên tuyển. |
Ngày hôm sau, trên sân tập, Công Vinh thẳng mặt công kích Anh Đức: "Tôi nghĩ việc được triệu tập lên đội tuyển quốc gia là vinh dự với bất cứ cầu thủ nào. Nhưng một khi người ta không trân trọng nó, không còn khao khát cống hiến cho đội tuyển thì đương nhiên HLV trưởng không muốn triệu tập. Bất cứ HLV nào cũng sẽ gạch tên cầu thủ không còn khao khát lên đội tuyển".
Cảm ơn ông, Mai Đức Chung, vì đã triệu tập Phí Minh Long ở trận đấu trước, để thủ thành trẻ này lấy lại tinh thần sau "cú sốc" SEA Games, và trận này triệu tập Anh Đức, để rửa cho tiền đạo này cái tiếng oan "quay lưng với nhiệm vụ quốc gia" mà Hữu Thắng và Công Vinh gieo cho anh.
Tiếc thay, trong guồng quay bóng đá khổng lồ ấy, ông chỉ là người đứng bên lề, với sự lặng lẽ cùng đội tuyển nữ, và vai "đóng thế" nhảy vào lửa bỏng khi những người khác lặng lẽ quay lưng...
Link nội dung: https://haiphong24h.org/ai-noi-bong-da-viet-nam-toi-te-gio-tay-len-a92614.html