Theo các chuyên gia, thịt lợn bế tắc đầu ra là do ngành chăn nuôi mới làm tốt khâu sản xuất, còn khâu chế biến và tổ chức thị trường vẫn bị bỏ ngỏ, như giết mổ thủ công và bán thịt tươi ngoài chợ lâu nay.
Lợn xuất sang Trung Quốc giảm 80%
Theo Bộ NN-PTNT, mỗi năm, xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam đạt kim ngạch trên 30 tỷ USD, trong đó có 10 ngành hàng chủ lực mang về trên dưới 1 tỷ USD. Nông sản Việt có mặt tại 180 quốc gia.
Song, sản phẩm của ngành chăn nuôi vẫn chưa góp mặt trong kim ngạch xuất khẩu, dù Việt Nam là quốc gia có tiềm năng chăn nuôi lớn, năng suất đạt 27,5-28 triệu con lợn, 300 triệu con gia cầm, 0,5 triệu bò sữa, 2 triệu tấn thịt, bình quân đạt 60 kg thịt/người, 100 quả trứng/người, 10 lít sữa/người, 80 kg cá/người,...
Đáng chú ý, việc xuất khẩu thịt lợn nhiều năm nay chưa có sự đột phá nào. Phần lớn người chăn nuôi xuất khẩu lợn hơi sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.
Sản xuất được 4 triệu tấn thịt lợn hơi mỗi năm nhưng lượng thịt xuất khẩu vẫn còn rất hạn chế |
Tuy nhiên, theo Hãng nghiên cứu toàn cầu (IBC), trong năm 2016, Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc gần 12 triệu con lợn (33.000 con/ngày). Dự kiến năm 2017, con số này chỉ còn khoảng 2,4 triệu con, giảm tới 80% so với năm ngoái và dự báo giảm còn 1,17 triệu con nếu tình hình không khả quan.
Trong khi đó, xuất khẩu chính ngạch quá ít ỏi. Tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn, do Bộ NN-PTNT tổ chức, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết, đến nay, chúng ta mới xuất khẩu chính ngạch được lợn sữa, lợn choai sang Hồng Kông và Malaysia, sản lượng ước đạt 20.000 tấn/năm. Ngoài ra, có thêm một lượng rất hạn chế sản phẩm ruốc, giò chả chế biến từ thịt lợn được xuất sang Mỹ, Úc, Ma Cao,...
Theo ông Đông, tiềm năng xuất khẩu thịt lợn vào các thị trường như: Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Nga, Eu và nhất là Trung Quốc, cực lớn, song thịt lợn của Việt Nam đều không đủ điều kiện. Bởi, chúng ta chưa đáp ứng được các rào cản về dịch bệnh, về quy trình giết mổ hay về điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,... do các đối tác đặt ra.
Cần học từ chăn nuôi gia cầm
Hơn 20 năm phát triển, Việt Nam đã trở thành quốc gia có sức sản xuất thịt lợn rất lớn với năng suất đạt gần 30 triệu con lợn/năm, có những đàn lợn nái có cặp gen tốt nhất.
Thế nhưng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, điều đáng buồn là một ngành tăng trưởng nhanh nhất như ngành thịt lợn lại đầy rủi ro. Bằng chứng là đầu 2017, ngành chăn nuôi lợn gặp khủng hoảng lớn khi giá thịt xuống mức thấp kỷ lục, nhiều hộ chăn nuôi thua thiệt.
Các chuyên gia cho rằng cần học ngành chăn nuôi gà trong việc sản xuất theo chuỗi phục vụ xuất khẩu |
Lý giải nguyên nhân, vị Bộ trưởng cho rằng, ngành chăn nuôi lợn mới làm được khâu đầu tiên là tổ chức sản xuất, còn chế biến và thị trường thì hoàn toàn chưa làm được. So sánh với các ngành khác thì chăn nuôi lợn yếu nhất.
“Cả nước có gần 2.000 lò mổ nhưng chủ yếu là thủ công. Giết mổ xong bán thịt tươi tại chợ như chợ ngày xưa vậy làm sao chất lượng được", Bộ trưởng nói.
Mỗi năm Việt Nam có 4 triệu tấn thịt lợn hơi, một giá trị cực lớn, thậm chí lớn hơn cả giá trị lúa gạo. Nhưng, nghịch lý là chúng ta mới xuất khẩu được khoảng 20.000 tấn lợn sữa mỗi năm. Từ đó để thấy cần tổ chức lại ngành này ngay để sớm xuất khẩu thịt lợn chính ngạch.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhận định, thịt gà bước đầu đã xuất khẩu được vào thị trường khó tính Nhật Bản. Vì thế, chăn nuôi lợn cũng nên học cách làm này.
Theo đó, sản xuất lợn phải theo mô hình chuỗi ở các cấp độ khác nhau. Đơn cử, ở cấp độ 1 là quy mô lớn của các doanh nghiệp, có sức sản xuất lớn để xuất khẩu; cấp độ vừa và nhỏ cũng cung ứng cho thị trường nội địa.
Ngoài ra, cần tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với các thị trường có nhu cầu lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc về thủ tục hành chính, quy trình cụ thể phía bạn đặt ra, từ đó hướng dẫn các doanh nghiệp làm bài bản và đúng hướng.
Ông Vũ Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Biển Đông, cũng cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu thịt lợn, đặc biệt sang thị trường Hàn Quốc, DN cần được hỗ trợ mở rộng thị trường cấp nhà nước. Đó là tập hợp thông tin quy định về quản lý kỹ thuật, thương mại với các cơ quan quản lý nước nhập khẩu. Sau đó, phổ biến thông tin rộng rãi tới các doanh nghiệp.
Đồng thời, tiến hành xúc tiến thương mại ở cấp Bộ, cấp doanh nghiệp sang các nước để quảng bá sản phẩm thịt lợn của Việt Nam. Xây dựng bộ phận hỗ trợ các doanh nghiệp về kỹ thuật và các thủ tục hành chính như Tổ công tác của Cục Thú y hỗ trợ xuất khẩu thịt gà vừa qua.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/tac-duong-sang-trung-quoc-4-trieu-tan-lon-lo-e-nang-a93997.html