CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) chính thức công bố đối tác Nhật Sekisui Chemical đã mua lại 15% vốn của doanh nghiệp sau khi đại gia Thái Lan The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co,. Ltd thoái vốn sau 5 năm đầu tư vào NTP.
Sekisui Chemical của Nhật đã mua gần 13,4 triệu cổ phần NTP, với tổng trị giá lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Mỗi cổ phiếu NTP được chuyển nhượng với giá bình quân khoảng 73.900 đồng/cp.
Trước đó, Sekisui Chemical và NTP cũng đã có nhiều hợp tác trong việc bán sản phẩm và chuyển giao công nghệ kỹ thuật.
Cũng giống như nhiều đối tác Nhật hợp tác với doanh nghiệp Việt khác như trong lĩnh vực dầu khí, Sekisui Chemical muốn tận dụng NTP với vị thế là doanh nghiệp nhựa đầu ngành tại Việt Nam để phân phối các sản phẩm của mình, bao gồm sản phẩm hố ga và hộp kiểm tra bằng nhựa PVC cho các dự án ODA của Nhật ở Việt Nam và các dự án khác.
Theo kế hoạch, Nhà nước sẽ tiếp tục thoái vốn tại NTP. Trong khi đó, ĐHĐCĐ bất thường trình việc nới room ngoại lên 100%. Đây là một bước đi giúp các tổ chức nước ngoài có thể thâm nhập sâu hơn vào doanh nghiệp.
|
Gần đây, Petrolimex (PLX) cũng trở thành cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng rất nhiều. Cổ phiếu này đã tăng mạnh từ 40 ngàn đồng lên trên 60 ngàn đồng/cp. Khối ngoại mua ròng PLX là điều dễ hiểu bởi đây là doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có thị phần lớn nhất Việt Nam với tỷ lệ xấp xỉ 50% và hệ thống 2,4 ngàn cửa hàng bán lẻ phủ kín 63 tỉnh thành, nằm tại các vị trí đắc địa.
Trước đó, năm 2016, JX Nippon Oil & Energy (JX) đã bỏ ra gần 4 ngàn tỷ đồng để sở hữu 8% vốn Petrolimex và trở thành cổ đông chiến lược của DN này. Gần đây, JX đã triển khai đẩy mạnh quảng bá và bán dầu bôi trơn thương hiệu ENEOS thông qua các đại lý của Petrolimex. Việc nắm giữ 8% thị phần của Petrolimex giúp JX đặt chân được vào thị trường cung ứng xăng dầu đầy tiềm năng của Việt Nam.
Gần đây, nhiều đại gia ngoại tiếp tục đẩy mạnh mua cổ phần các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Đây là lý do giúp hàng loạt các cổ phiếu trụ cột trên sàn chứng khoán tăng lên mức giá cao kỷ lục và giúp VN-Index lên ngưỡng 830 điểm - cao nhất thập kỷ.
Nhóm Dragon Capital cũng vừa chính thức công bố sở hữu 20% cổ phần của FPT Shop.
Nhiều cổ phiếu như VJC của CTCP Hàng không Vietjet Air hay MWG của Thế Giới Di Động đang đứng ở mức giá cao kỷ lục, một phần cũng nhờ dòng vốn ngoại.
Cổ phiếu VJC của bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện có giá khoảng 110.000 đồng/cp. Đây là một trong những DN thuộc khối tư nhân đang trên đà tăng trưởng mạnh.
Về tổng thể, thị trường chứng khoán được đánh giá có triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực. Quy mô và chất lượng sẽ còn tăng mạnh và đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Thanh khoản chung trên thị trường đang được cải thiện. Dòng tiền không chỉ đổ vào các cổ phiếu chủ chốt mà còn nhiều cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 3 tốt.
Trong tuần qua, sự giằng co đến từ áp lực chốt lời khiến thị trường chỉ tăng nhẹ. VN-Index thất bại trong việc chinh phục cột mốc 830 điểm. Tuy nhiên, theo phân tích kỹ thuật, xu hướng tăng điểm của chỉ số vẫn được duy trì với đích đến kỳ vọng nằm tại 840-850 điểm trong trung hạn. Vùng hỗ trợ mạnh là: 805-810 điểm
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/10, VN-index giảm 2,09 điểm xuống 826,84 điểm; HNX-Index giảm 0,94 điểm xuống 108,14 điểm. Upcom-Index giảm 0,16 điểm xuống 54,38 điểm. Thanh khoản đạt gần 250 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt gần 5,4 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/dai-gia-lo-dien-sau-thuong-vu-ngan-ty-bi-an-a94033.html