Trong khuôn khổ diễn đàn đầu tư Đà Nẵng mới đây, Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng đã đề nghị Bộ Tài chính sớm có ý kiến để Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án cải thiện môi trường nước TP Đà Nẵng. Do tính cấp thiết đầu tư, Đà Nẵng cũng khuyến khích các nhà đầu tư tìm kiếm nguồn vốn riêng và xây dựng đề xuất dự án.
Theo ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.500 tỉ đồng, thời gian thực hiện trong bảy năm tại quận Sơn Trà và khu vực Phú Lộc, quận Thanh Khê. Cụ thể, sau khi dự án hoàn thành, tuyến cống dọc đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp sẽ có đường kính 1,8-2 m; tuyến cống dọc đường Nguyễn Tất Thành có đường kính 0,8-1,2 m. Dự án cũng đầu tư, nâng cấp Trạm xử lý nước thải (XLNT) Sơn Trà với công nghệ tiên tiến, có khả năng xử lý 65.500 m3/ngày đêm và Trạm XLNT Phú Lộc là 83.000 m3/ngày đêm. “Việc xây dựng tuyến cống chứa với đường kính cống lớn sẽ chứa lượng nước mưa đợt đầu để bơm chuyển dần về trạm XLNT” - ông Sơn giải thích.
Nước thải đen và hôi thối xả trực tiếp ra biển Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT |
Dự án sử dụng vốn vay ODA (Nhật) 3.000 tỉ đồng (85%) và vốn đối ứng phía Việt Nam 549 tỉ đồng (15%). Nếu thuận lợi, dự án sẽ hoàn thành năm 2023.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Sơn phân tích đến năm 2022, lượng khách tới Đà Nẵng dự kiến đạt khoảng 8 triệu lượt người/năm. Như vậy sẽ có thêm nhiều nhà hàng, khách sạn được xây dựng tại khu vực ven biển bốn quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, Thanh Khê. Đi kèm sự tăng trưởng này, khối lượng nước thải cũng tăng mạnh.
Tính toán của cơ quan chức năng cho thấy đến năm 2030, lượng nước thải qua Trạm XLNT Sơn Trà sẽ đạt 55.400 m3/ngày đêm, Trạm Phú Lộc là 112.000 m3/ngày đêm, gấp nhiều lần mức xử lý hiện tại ở cả hai trạm.
Được biết hiện hệ thống cống xả của TP Đà Nẵng trở nên quá tải. Nhiều nơi nước thải xả trực tiếp ra biển Đà Nẵng khiến môi trường biển càng bị ô nhiễm. Ông Nguyễn Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT TP Đà Nẵng, cho biết trên bãi biển dọc theo tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa dài khoảng 15 km có đến chín cống xả trực tiếp ra biển. Con số này ở đường biển Nguyễn Tất Thành là 11 cống xả…
Hệ thống xả thải ở Đà Nẵng suốt hơn 10 năm qua đều gộp chung nước mưa, nước thải sinh hoạt, sau đó đưa về các trạm xử lý. “Vào mùa mưa, khi lượng nước đổ về quá lớn, giếng thu và các hệ thống cống bị quá tải khiến nước mưa cuốn theo bùn đất, một phần nước thải sinh hoạt đổ thẳng ra biển. Lượng nước này tạo màu đen ngòm cả vùng biển, bốc mùi hôi thối” - ông Vinh nói.
Những năm gần đây, số lượng khách sạn mọc lên chóng mặt gây quá tải hệ thống thoát nước lạc hậu, trong lúc các dự án nâng cấp cống xả triển khai chậm khiến tình hình ô nhiễm càng nghiêm trọng. Trước thực trạng trên, UBND TP Đà Nẵng cũng đã ra văn bản khuyến nghị hạn chế người dân, du khách tắm biển gần các cửa xả.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/dai-du-an-cuu-bien-da-nang-tren-3500-ti-dong-a94092.html