Nằm ngủ tại biệt thự triệu đô, nữ công nhân gặp cảnh bất ngờ

“Hôm đó, tại công trình phải thi công đổ bê tông nên mọi người đi làm đêm, chỉ còn vợ tôi ở lại biệt thự. Đêm đến, vợ tôi tỉnh dậy, cô ấy giật mình phát hiện một thanh niên lạ mặt nằm trong phòng. Xung quanh gã đầy những chiếc kim tiêm... ”, anh T. nhớ lại.

Tọa lạc ở các khu đất vàng, nhiều căn biệt thự có giá hàng chục tỉ đồng nhưng bỏ hoang đang trở thành nơi nghỉ ngơi sinh hoạt của công nhân lao động phổ thông, các lao công, người bán hàng rong và cả những người vô gia cư.

Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Văn Mười (công nhân xây dựng, quê Hoài Đức, Hà Nội) hiện sống tại biệt thự liền kề khu đô thị (KĐT) Lê Trọng Tấn (Hoài Đức) cho biết, cuộc sống tại đây không giống như vẻ bề ngoài to đẹp của nó.

 Tầng hầm của một căn biệt thự tại KĐT Lê Trọng Tấn ngập nước sau trận mưa lớn. 

“Phía ngoài căn biệt thự rất hoành tráng tuy nhiên mặt bên trong là những bức tường thô, chưa được trát xi măng, chưa có cửa, chưa có điện nước và thiết bị vệ sinh. Khi khởi công làm công trình nhà ở gần đây, chủ nhà đã thuê căn biệt thự này để làm nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi cho các công nhân chúng tôi”, anh Mười cho biết.

Theo anh Mười, vì căn nhà chưa hoàn thiện nên có rất nhiều điểm bất tiện. Ngày mưa gió các công nhân phải ôm theo chăn chiếu di chuyển khắp nhà để tìm chỗ khô. Đêm xuống, tiếng chim lợn kêu kèm theo đó là tiếng gió rít nên nhiều người sợ hãi.

Sau này, tất cả các công nhân có nhà ở khu vực xung quanh huyện Hoài Đức (Hà Nội) đều lựa chọn phương án là về nhà vào buổi tối, sáng hôm sau mới trở lại công trình. Họ chỉ nghỉ lại biệt thự vào giờ trưa.

 Bữa cơm trưa của công nhân trong căn biệt thự tại KĐT Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội).

Dạo một vòng quanh những những căn biệt thự có giá hàng chục tỉ nhưng đang bỏ hoang, không khó để bắt gặp những những người bán hàng rong, công nhân môi trường và cả những người vô gia cư đang nghỉ trưa tại đây.

Chị Nguyễn Thị Cúc (52 tuổi, quê Vĩnh Phúc, công nhân môi trường nghỉ trưa tại KĐT Lê Trọng Tấn) cho biết, hàng ngày đi làm, chị đều mang theo cơm nắm. Vào buổi trưa chị xin phép bảo vệ của khu đô thị chọn một căn biệt thự thoáng mát để nghỉ chân.

Theo chị Cúc, khi vào biệt thự ăn cơm và nghỉ trưa, chị luôn ý thức quét dọn sạch sẽ vì thế bảo vệ của khu đô thị không nỡ đuổi chị đi. Từ đó các căn biệt thự rộng rãi, thoáng mát ở đây trở thành địa chỉ quen thuộc cho những giấc ngủ trưa của chị.

 Một nữ công nhân nghỉ trưa tại căn biệt thự bỏ hoang ở KĐT Lê Trọng Tấn.

Anh Phạm Quang T. (công nhân đang làm việc tại công trình KĐT Lê Trọng Tấn, xin giấu tên) cũng cho biết, ở KĐT này phần lớn các căn biệt thự đều đã có chủ tuy nhiên vì chưa sử dụng nên nhiều căn đã có dấu hiệu xuống cấp, rêu phong và cỏ dại mọc lên um tùm.

Chính vì lẽ đó cho nên nhiều chủ nhà cho công nhân vào ở mà không hề lấy tiền thuê. Có gia đình xởi lởi còn cho thêm tiền để công nhân đến ở biệt thự của mình.

Tuy vậy anh T cũng chia sẻ thêm, khi đến ở, các nhóm công nhân thường phải đầu tư xây một nhà vệ sinh tạm với chi phí khoảng vài trăm nghìn. Ngoài ra vì nhà không có cửa nên các công nhân phải che chắn lối ra vào bằng các thanh gỗ hoặc tấm bạt nhặt được ở công trình xây dựng.

“Việc làm này vừa để đảm bảo sự riêng tư, vừa để che chắn mưa gió nhưng cũng là để tránh các "con nghiện" làm phiền”, anh T. nói.

Theo lời anh T, tại KĐT Lê Trọng Tấn, anh chưa từng bị các "con nghiện" làm phiền bởi ở đây thường xuyên có lực lượng bảo vệ tuần tra. Tuy nhiên ở một số KĐT có biệt thự bỏ hoang nhưng không có bảo vệ, cánh nghiện ngập và người vô gia cư thường tự ý vào nhà. Thậm chí, dù có bảo vệ nhưng những người này thường lén trèo bờ tường vào trong các biệt thự.

“Có lần, ở một khu đô thị tại Hà Đông, Hà Nội, nhóm thợ 6 người chúng tôi cũng được chủ thầu mượn cho căn biệt thự ở tạm. Hôm đó, công trình đổ bê tông nên mọi người đi làm ca đêm, chỉ còn vợ tôi ở nhà. Đêm đến vợ tôi tỉnh dậy, cô ấy giật mình phát hiện một thanh niên lạ mặt nằm trong phòng. Xung quanh gã đầy những kim tiêm. Thì ra anh ta bị nghiện, trong lúc lên cơn, thấy căn nhà không có cửa nên xông vào”, anh T. nói.

 Những tấm gỗ được đóng tạm bợ để làm cửa ở một căn biệt thự 

Vẫn lời anh T., ở biệt thự, nghe thì sang nhưng cánh công nhân như anh cũng gặp phải khá nhiều rắc rối trong đó đáng ngại nhất phải kể đến là nạn trộm cắp.

“Nhiều người mất điện thoại, một vài người mất xe máy khi để xe ở cổng. Tuy đó là những chiếc xe cũ nát không mấy giá trị nhưng mất xe là mất phương tiện đi”, anh T. nói.

Tuy vậy anh T. vẫn cho rằng, đối với lao động phổ thông làm công nhân tại các công trình xây dựng như anh, việc được sinh hoạt trong các căn biệt thự bỏ hoang là vé độc đắc vì khi đi công trình, các anh còn phải ăn ở trong các điều kiện khắc nghiệt hơn.

Có khi, cả tá thợ nằm chung trong một căn lều dựng tạm, mưa nắng cũng chỉ có tấm nilon che chắn…

Link nội dung: https://haiphong24h.org/nam-ngu-tai-biet-thu-trieu-do-nu-cong-nhan-gap-canh-bat-ngo-a94242.html