Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. |
Không sử dụng ngân sách cơ cấu lại ngân hàng
Báo cáo tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, sáng nay (26/10), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu một số góp ý liên quan tới quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD).
Cụ thể, không quy định việc sử dụng ngân sách Nhà nước trong quá trình cơ cấu lại TCTD; không quy định các nội dung liên quan đến chính sách thuế, đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét, đề xuất những nội dung về các chính sách thuế, khẩn trương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và tập trung soạn thảo để trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật thuế có liên quan tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV để đảm bảo cơ chế pháp lý đồng bộ để xử lý các TCTD yếu kém.
Bỏ quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; Bổ sung quy định về các biện pháp can thiệp sớm để xử lý các TCTD có dấu hiệu yếu kém nhưng chưa đến mức phải kiểm soát đặc biệt; Bổ sung quy định về cơ chế hoạt động của Ban kiểm soát đặc biệt; Rà soát toàn bộ các quy định về chuyển giao bắt buộc.
Đồng thời, có nhiều ý kiến đóng góp cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, giải thích cụ thể để các đại biểu quốc hội hiểu rõ hơn vấn đề về đánh giá, xếp loại các ngân hàng thương mại cổ phần và xếp hạng quỹ tín dụng nhân dân đang được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Quy định về khung thời gian tối đa để TCTD được kiểm soát đặc biệt thực hiện phương án cơ cấu lại; đề nghị làm rõ khi nào phải thực hiện chuyển giao bắt buộc; hệ lụy nếu không có quy định phương án chuyển giao bắt buộc; quy định chặt chẽ và minh bạch thủ tục lựa chọn tổ chức tín dụng, nhà đầu tư nhận chuyển giao đặc biệt để tránh tình trạng xin – cho khi có nhiều tổ chức tín dụng đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 151 của dự thảo Luật; phương án phá sản…
5 phương án cơ cấu lại ngân hàng
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, quá trình thảo luận có ý kiến đề nghị cần kết cấu lại các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt để phân tách rõ nhóm phương án phục hồi và nhóm phương án xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng phục hồi như giải thể, phá sản, chuyển giao bắt buộc cho đồng bộ và khả thi khi triển khai.
Ý kiến này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, dự thảo luật mới nhất đã được chỉnh lý theo hướng phân chia lại các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được thống nhất, rõ ràng hơn. Theo đó, phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt bao gồm: phương án phục hồi; phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; phương án giải thể; phương án chuyển giao bắt buộc và phương án phá sản.
Theo dự thảo luật, phương án phục hồi là phương án áp dụng các biện pháp để tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt tự khắc phục tình trạng dẫn đến đặt vào kiểm soát đặc biệt.
Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp là phương án áp dụng khi có tổ chức tín dụng nhận sáp nhập, hợp nhất, có nhà đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Phương án chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho tổ chức tín dụng, nhà đầu tư khác nhận chuyển giao.
Giải trình về phương án phục hồi, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến cho rằng quy định về trách nhiệm xây dựng phương án phục hồi là của cả tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và việc hoàn thiện phương án được giao cho Ban kiểm soát đặc biệt là chưa rõ để xác định đối tượng chịu trách nhiệm đối với phương án.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh sửa bổ sung quy định tại dự thảo luật. Theo đó, trách nhiệm đối với phương án của tổ chức tín dụng và ban kiểm soát đặc biệt đã được tách bạch. Tổ chức tín dụng có trách nhiệm xây dựng phương án phục hồi, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi, trình Ngân hàng Nhà nước.
Báo cáo giải trình nêu rõ, lộ trình và thời gian thực hiện phương án phục hồi đối với mỗi tổ chức tín dụng sẽ khác nhau và thuộc nội dung trong phương án phục phồi được duyệt, phụ thuộc thực trạng và hiệu quả triển khai phương án của từng tổ chức tín dụng. Do vậy không quy định cứng về thời hạn, thời gian áp dụng phương án phục hồi trong luật.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/bo-quy-dinh-mien-trach-nhiem-can-bo-co-cau-lai-ngan-hang-yeu-kem-a94447.html