“Tâm điểm” của việc “dịch chuyển” này phải kể đến việc nhiều giáo viên, quản lý tại Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.1, TPHCM chuyển sang trường tư vào đầu năm học này. Được biết, có đến 8 người, trong đó có hai hiệu phó và một số giáo viên là khối trưởng xin nghỉ việc.
Sau đó, hầu hết những giáo viên này đều đến làm việc tại những trường tư thục, hệ thống trường quốc tế có tiếng.
Lớp học tiếng Anh thông minh tại Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.1, TPHCM |
Điều này, theo ý kiến của nhiều người là vô cùng đáng quan tâm vì Trường tiểu học Lê Ngọc Hân được xem trường điểm của thành phố. Cơ sở vật chất và điều kiện dạy học tại trường cực kỳ được chú trọng.
Không rời đi đồng loạt như ở trường Lê Ngọc Hân nhưng ghi nhận ở nhiều trường khác trên địa bàn thành phố cũng có tình trạng giáo viên, quản lý “rời” trường công sang hệ thống tư thục. Giáo viên chuyển đi hầu như có điểm chung là những người rất có năng lực khi dạy học tại trường, nhiều người đạt được những kết quả dạy học đáng nể.
Mới nhất là phải kể đến trường hợp Phó hiệu trưởng một trường THCS ở quận 1 nghỉ việc để chuyển sang một trường tư. Cô từng đạt nhiều giải thưởng trong nước về quốc tế về sáng tạo trong ứng dụng công nghệ vào dạy học, được Microsoft bình chọn là chuyên gia giáo dục cấp cao.
Một giáo viên đã nghỉ việc ở trường công chuyển sang dạy học ở một trường quốc tế cho biết, việc một số giáo viên giỏi rời trường công đã âm thầm diễn ra nhiều năm gần đây. Có nhiều lý do họ rời trường không như thu nhập thấp, chế độ không khích lệ người giỏi, môi trường làm việc…. Mỗi người một lý do nhưng hầu như “người ra đi” có điểm chung, họ phải thật sự có năng lực mới có thể vào và trụ được ở các trường tư, nhất là những trường có tiếng.
Người giỏi có nhiều lựa chọn
Gần đây, tình trạng giáo viên giỏi rời trường công cũng đã trở thành nỗi lo của lãnh đạo ngành giáo dục ở TPHCM. Vấn đề này từng được Sở GD-ĐT thành phố “thở dài” trong nhiều hội nghị về giáo dục.
Trong lần làm việc với Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM gần đây nhất, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) chia sẻ thành phố không chỉ áp lực đảm bảo trường học, lớp học khi tốc độ dân số tăng nhanh mà còn có nỗi lo về thiếu giáo viên.
Trường công đang rất khó "giữ chân" giáo viên, nhất là đội ngũ giáo viên tiếng Anh. (Ảnh minh họa) |
Ông Vinh nói về thực trạng nhiều giáo viên giỏi ở các trường công lập hiện nay đang có khuynh hướng chuyển ra trường ngoài công lập hoặc sang ngành nghề khác. Đặc biệt là đội ngũ giáo viên tiếng Anh, rời trường công lập nhiều dẫn đến việc các trường đang thiếu trầm trọng. Nếu cứ tiếp tục tình trạng này, việc đảm bảo đủ giáo viên để đẩy mạnh việc nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh và nhất là chuẩn bị cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sắp tới sẽ rất khó khăn.
Để giữ chân giáo viên giỏi, TPHCM cũng từng đề xuất về việc thí điểm chế độ đãi ngộ gắn liền với năng lực, trách nhiệm của nhà giáo, không cào bằng. Tuy nhiên, đây cũng là chỉ mới là đề xuất…
Về việc giáo viên rời công sang tư, một lãnh đạo từng công tác ở Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, giáo viên dạy ở đâu họ cũng cống hiến cho giáo dục, cho học trò. Không phải ở trường công thì mới là tâm huyết, mới là yêu nghề.
Nhưng từ thực trạng này, đến lúc hệ thống các trường công lập phải tìm cách cải thiện về thu nhập, môi trường làm việc… để tăng tính cạnh tranh, nếu không rất khó ngăn việc “chảy chất xám” ra trường tư. Người có năng lực luôn có nhiều người lựa chọn. Nhất là bây giờ, các trường tư “tung” ra rất nhiều cách để lôi kéo người giỏi.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/giao-vien-gioi-roi-truong-cong-a94516.html