Chị Nguyễn Thùy Chi (SN 1990, ở Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội) có 7 năm kinh nghiệm trong nghề tân trang, làm đẹp cho túi xách hàng hiệu.
Trong quá trình làm nghề, không ít lần chị Chi chị tận mắt chứng kiến những tình huống oái oăm mà một số đồng nghiệp của mình gặp phải.
Trường hợp của một người phụ nữ tên Linh, bạn trong nghề sửa túi xách hàng hiệu của chị, là một ví dụ.
Người thợ đang phục chế chiếc túi cho khách (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Chị Chi kể, cách đây 3 năm, khi Linh đang tranh thủ trông cửa hàng vì nhân viên ra ngoài ăn trưa thì một vị khách nữ ăn mặc sang trọng mở cửa bước vào. Trên tay vị khách là chiếc túi bọc kín.
Mở chiếc túi ra, Linh khá bất ngờ. Đó là một chiếc túi hàng hiệu có giá trị rất lớn nhưng bị bong tróc và bốc mùi lạ.
Người khách nữ này cho biết, do không để ý nên con gái chị mang ra làm đồ chơi làm chiếc túi bị bong tróc. Phần mùi lạ kia là do con mèo chị nuôi vô tình cào cấu và phóng uế vào.
Nhìn tình trạng hư hỏng nặng của chiếc túi có giá trị cao, Linh đắn đo, lo lắng cửa hàng của mình không sửa được. Sau khi xem xét, thấy việc sửa chiếc túi tiền tỷ sẽ kiếm được một khoản tiền kha khá, Linh quyết định gật đầu nhận lời.
Đến lịch hẹn, vị khách quay lại nhận đồ. Khi nhận chiếc túi từ tay nhân viên của Linh, bà bực tức, không tiếc lời mắng mỏ.
Người phụ nữ này cho rằng cửa hàng Linh thiếu tay nghề, làm chiếc túi đắt tiền của bà bị đổi màu, biến dạng. Bà ta liên tục la ó và bắt cửa hàng phải đền chiếc túi.
Lúc này, nữ chủ cửa hàng phải dùng lời lẽ nhẹ nhàng giải thích, tuy nhiên vẫn không thuyết phục được khách hàng. Đỉnh điểm là người khách vứt mạnh chiếc túi xuống đất rồi quay ra yêu cầu cửa hàng phải đổi chiếc túi có giá trị tương đương. Bà ta còn dọa nếu không đáp ứng sẽ thuê luật sư để kiện cửa hàng.
Cuối cùng Linh đành thương lượng, xin thêm thời gian để phục chế lại. Nếu vẫn không ưng ý, chị chấp nhận đền bù chiếc túi mới.
“Vụ đó, Linh phải mất một khoản tiền lớn để gửi chiếc túi sang cửa hàng tôi nhờ phục chế. May mắn khi nhân lại món đồ, bà ta tỏ ra hài lòng và không gây khó dễ cho của hàng Linh nữa”, chị Chi nói.
Ngoài tình huống trên, chị Chi cũng cho biết, chị từng chứng kiến tình huống dở khóc dở cười của Nam, một người bạn cũng làm trong nghề sửa túi hàng hiệu cao cấp ở quận Đống Đa, Hà Nội. Người này chấp nhận chịu thiệt thòi để làm hài lòng khách.
Lần đó Nam nhận phục chế chiếc túi xách có giá hơn 10 triệu đồng cho một vị khách nữ trung tuổi nhưng không may làm chiếc túi đổi màu. Khi đến nhận lại chiếc túi, vị khách tức giận, bức xúc vì nhân viên thiếu tay nghề.
Trước những lời lẽ nặng nề của vị khách, Nam chấp nhận bỏ tiền để đền cho khách hàng. Tuy nhiên vì chiếc túi là quà kỷ niệm do được chồng tặng nên chị một mực không đồng ý. Lúc này không con cách nào, Nam đành phải gửi sang nước ngoài nhờ phục chế với giá cắt cổ.
Theo chị Chi, việc sử dụng hàng hiệu đòi hỏi phải biết cách bảo quản, sử dụng. Chỉ cần sai một ly, chiếc túi xách tương đương cả gia tài có thể như đồng nát chỉ sau 1, 2 tháng mua về.
“Những người dùng hàng hiệu từ giá trị rất cao cho đến bình thường đều luôn mong muốn món đồ của mình phải thật long lanh, hoàn hảo. Nhiều người tháng nào cũng đến tân trang hàng hiệu hoặc đôi khi chỉ đến nghe tư vấn cách giữ gìn làm sao cho món đồ hiệu luôn được mới đẹp”, chị Chi cho biết.
Việc phục chế những chiếc túi, chiếc giày cũ đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao (Ảnh: nhân vật cung cấp) |
Một trường hợp khiến chị Chi xúc động xảy ra vào cuối năm ngoái. Lần này một khách hàng nữ tên Nga mang đến chỗ chị một chiếc túi trị giá khoảng 7 triệu đồng nhờ phục chế.
Nhìn chiếc túi cũ, nhiều chỗ bị sứt chỉ, chị Chi khuyên người phụ nữ nên mua chiếc túi mới để sử dụng vì số tiền sửa túi sẽ cao hơn chiếc túi cũ rất nhiều. Tuy nhiên vị khách một mực nài nỉ, mong chị giúp đỡ.
“Khách hàng tâm sự đó là chiếc túi chồng chị đã tặng chị vào dịp sinh nhật. Mấy năm trước, anh bị tai nạn qua đời. Từ đó, chị coi chiếc túi như vật kỷ niệm nên mỗi lúc sử dụng đều nâng niu, gìn giữ. Mấy tháng trước chuyển nhà, chị sơ ý làm hỏng chiếc túi. Vì vậy dù mất nhiều tiền, chị cũng chấp nhận”, chị Chi nhớ lại.
Nghe câu chuyện của người phụ nữ góa chồng, chị Chi không đành lòng từ chối. Chị quyết định cử những người thợ có tay nghề cao nhất phục chế chiếc túi với giá rẻ nhất có thể.
Ít ngày sau, chị khách đến trả tiền và nhận lại món đồ. Chị vô cùng xúc động và bật khóc trước món quà kỷ niệm của chồng.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/meo-mat-vi-sua-tui-tien-ty-cho-nha-dai-gia-a94829.html