Gần 20 năm qua, nhiều hộ dân ở tổ dân phố 4, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) phải sống trong cảnh “đi không được, ở không xong” do đất đai, nhà cửa nằm trong vùng quy hoạch. Bà Trần Thị Chung (trú tại tổ dân phố 4, phường Nại Hiên Đông) than phiền: “Ngôi nhà của tôi đã xuống cấp nhiều năm, nhưng nằm trong khu quy hoạch nên không được phép sửa chữa, xây dựng lại. Mỗi khi mùa mưa bão đến, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Tôi rất mong thành phố sớm triển khai dự án để người dân bớt vất vả".
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết gia đình tại tổ dân phố 4, phường Nại Hiên Đông cũng trong tình cảnh tương tự như gia đình bà Chung. Ông Huỳnh Viết Khánh, Tổ trưởng tổ dân phố 4 cho biết: "Toàn tổ có hơn 60 hộ dân nằm trong vệt quy hoạch dự án khu tái định cư (TĐC) cuối tuyến Bạch Đằng Đông. Năm 1999 kiểm định lần 1 và năm 2012 kiểm định lần 2 nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được bảng áp giá đền bù. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng đến nay chưa nhận được câu trả lời về thời gian triển khai dự án".
Đường giao thông tại tổ dân phố 4 phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) xuống cấp, nhếch nhác không bằng đường giao thông nông thôn. |
Còn ở tổ dân phố 4, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), hơn 20 hộ dân cũng sống trong tình cảnh tương tự do dự án nhà ở cho công nhân tại Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh triển khai dở dang. Dự án này do Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Đà Nẵng làm chủ đầu tư, được triển khai từ năm 2004. Tuy nhiên, dự án triển khai được một số hạng mục thì tạm dừng. Sau nhiều lần chuyển đổi chủ đầu tư cũng như công năng (từ dự án nhà ở cho công nhân sang ký túc xá sinh viên rồi từ ký túc xá sinh viên sang nhà ở cho người lao động), đến nay dự án vẫn trong tình trạng dang dở. Tình trạng ấy khiến người dân xung quanh đều xót xa về sự lãng phí của các dãy nhà cao tầng bị bỏ hoang phế, nằm phơi mưa phơi gió, trong khi nhiều hộ gia đình nghèo lại thiếu chỗ ở. Dự án triển khai quá lâu không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân xung quanh. Trong ngôi nhà cấp 4 xập xệ, ông Nguyễn Anh Tuấn bức xúc: “Ngôi nhà này bị bão số 6 làm sập năm 2005, gia đình chỉ được sửa sang lại, hiện đã xuống cấp trầm trọng nhưng không xây dựng được. Từ năm 2004 đến nay, các cơ quan chức năng đã kiểm định 4 lần nhưng kiểm định xong rồi lại để đấy”.
Làm việc với các cơ quan chức năng, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời: Sở dĩ các dự án treo là vì thiếu vốn. Theo điều tra của chúng tôi, đấy chỉ là biện hộ cho lý do chậm trễ. Thực chất không phải dự án nào cũng thiếu vốn. Vấn đề ở đây chính là buông lỏng sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng, dẫn tới tình trạng chủ đầu tư và đơn vị thi công chây ì, thiếu trách nhiệm.
Ngôi nhà cấp 4 của gia đình ông Nguyễn Anh Tuấn (tổ dân phố 4, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã xuống cấp nhưng không thể xây dựng lại được. |
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, sở đã rà soát các dự án trên địa bàn, đề xuất với UBND thành phố đưa các dự án có tình trạng treo vào danh sách “chậm triển khai” để người dân được hưởng các quyền lợi (được chuyển quyền sử dụng đất 1 lần, tách thửa thêm 1 lần với hạn mức quy định, được sửa chữa cải tạo nhà ở theo hạn mức quy định) như: Dự án Làng Đại học Đà Nẵng, Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, Khu tái định cư (TĐC) phía bắc đường vành đai phía nam… Qua rà soát, sở sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố xử lý đối với từng dự án.
Người xưa có câu “An cư mới lạc nghiệp”, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị một cách hợp lý; kiên quyết hủy quy hoạch đối với những dự án không còn phù hợp thực tế; khẩn trương có phương án giải quyết dứt điểm công tác đền bù, giải tỏa các hộ dân nằm trong các khu dự án treo đã quá lâu để họ sớm có điều kiện xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/tp-da-nang-som-xu-ly-dut-diem-nhung-du-an-treo-a96781.html