Đề xuất dán nhãn bia cũng chính thức bị dừng triển khai. |
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Công Thương về dừng triển khai đề án “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh bia”.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý với kiến nghị của Bộ Công Thương về triển khai đề án trên. Như vậy, đồng nghĩa với việc đề xuất dán nhãn bia trong đề án này cũng chính thức bị dừng triển khai.
Như đã đưa tin trước đó, đề xuất dán nhãn đối với sản phẩm bia được đưa ra từ cách đây hơn 3 năm đã nhận được nhiều ý kiến phản đối từ phía doanh nghiệp trong ngành.
Trong một báo cáo hồi tháng 8 của Cục Công nghiệp về đề án Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước với hoạt động sản xuất, kinh doanh bia, một lần nữa phương án dán tem bia để chống tình trạng nhập lậu bia, sản xuất bia giả, cũng như "trám" kẽ hở trong quản lý mặt hàng này lại được đưa ra.
Nếu việc triển khai dán nhãn cho mặt hàng bia được triển khai, theo tính toán của Bộ Công Thương, số tiền chi phí doanh nghiệp bỏ ra để dán tem cho sản phẩm này hàng năm dự kiến khoảng 1.700 tỷ đồng.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, giá thành một sản phẩm nhãn bia giấy là 179 đồng và giá một sản phẩm nhãn bia in phun trực tiếp là 145,44 đồng. Giá trên đã bao gồm tất cả các loại phí và lệ phí (chưa bao gồm VAT), các chi phí đầu tư ban đầu, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng trong thời gian thực hiện đề án là 10 năm.
Tại bản đề án trên, trước lo ngại của doanh nghiệp ngành bia về công nghệ, cơ quan quản lý thuộc Bộ Công Thương tính toán, hiện tại Việt Nam, thiết bị chiết lon đang có công suất cao nhất là 90.000 sản phẩm/giờ. Giải pháp kỹ thuật của đề án đã cho phép dán tem giấy và in phun theo đúng tốc độ dây chuyền chiết bia chai và bia lon hiện có trên thế giới.
Về ảnh hưởng năng suất lao động, cơ quan chủ quản cũng cho biết, việc dán tem cũng giúp doanh nghiệp giảm được các chi phí về thay đổi mẫu mã để tránh bị làm giả vì chi phí bao bì trong sản phẩm bia là khá lớn. Cụ thể, như bia lon từ 52-52% giá vốn, bia chia khoảng 40%.
Câu chuyện dán tem bia đã từng bị phản đối mạnh mẽ. Hiệp hội Bia- Rượu - Nước giải khát Việt Nam vào cuối tháng 8/2017 cũng đã cho rằng, không cần thiết phải dán thêm 1 cái tem bia trên sản phẩm để quản lý các thông tin cần thiết cũng như truy xuất nguồn gốc.
Các doanh nghiệp bia cho rằng, với việc dán tem bia lên sản phẩm, ước tính gần 4 tỷ lít bia tương đương 12 tỷ sản phẩm cần dán tem hàng năm sẽ khiến gia tăng chi phí và mất thêm nhiều nhân lực, vật lực không cần thiết.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/dung-de-xuat-dan-tem-bia-doanh-nghiep-khoi-lo-moi-nam-mat-ngan-ty-dong-a97012.html