Bí quyết của mẹ Việt tại Mỹ để mang thai 7 tháng vẫn có múi bụng

Chị Hồng Ngọc giữ cơ thể săn chắc bằng chế độ dinh dưỡng giàu protein, vitamin và khoáng chất trong suốt thai kỳ.

Ở những tháng cuối thai kỳ, chị Hồng Ngọc sở hữu vóc dáng gọn gàng, quyến rũ. Vòng hai của chị lớn dần, nhô cao nhưng săn chắc và có múi bụng. Bà mẹ Việt kiểm soát cân nặng theo lộ trình bác sĩ khuyên: tăng 0,5 kg mỗi tuần từ tháng thứ ba của thai kỳ, tăng khoảng 13 kg lúc lên bàn đẻ. Bé Issac, con trai chị Ngọc, chào đời khỏe mạnh, nặng 4kg. Người mẹ Việt nhanh chóng trở về cân nặng thời con gái không lâu sau đó.

Chia sẻ về chế độ dinh dưỡng khi mang thai, chị Hồng Ngọc cho biết thường ăn 6 bữa mỗi ngày, chủ yếu là thực phẩm giàu protein, vitamin và khoáng chất. Chị thực hiện chế độ ăn uống kết hợp tập luyên để giữ cơ thể săn chắc và đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho em bé phát triển khỏe mạnh.

Chị Ngọc thon gọn và quyến rũ khi ở tháng cuối thai kỳ.

Thực đơn hàng ngày khi mang thai của chị Hồng Ngọc:

- Buổi sáng: Ăn sáng sau khi tập thể dục, dùng các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, mang đến nguồn năng lượng dồi dào. Chị ăn hai lát bánh mì nguyên cám; hai quả trứng; rau xanh hấp hoặc luộc; vài lát trái cây ít đường như táo xanh; hay các loại quả mọng, giàu chất xơ như dâu, việt quất, lê xanh để tốt cho tiêu hóa.

Khoảng vài tiếng sau, chị Ngọc ăn bữa phụ là sữa chua không đường hoặc sữa tươi, cung cấp protein, canxi cho bào thai, đồng thời giúp mẹ ổn định đường trong máu, tăng cường canxi bù lại lượng canxi hao hụt trong quá trình em bé phát triển.

- Bữa trưa và bữa tối: Bà mẹ Việt sử dụng những thực phẩm giàu protein, thịt nạc, rau xanh để chế biến những món ăn không dầu mỡ, không đường, hạn chế gia vị.

Bữa ăn giàu vitamin của chị Hồng Ngọc.

Những lưu ý khi chọn thực phẩm cho bà bầu:

- Hạn chế nạp vào cơ thể đường và tinh bột vì giá trị dinh dưỡng từ chúng không nhiều, có thể gây ra nguy cơ mẹ béo phì, tiểu đường thai kỳ tăng cao nguy hại cho sức khỏe của cả mẹ và bé.

- Tăng cường acid folic cho sự phát triển của bài thai bằng cách bổ sung ngũ cốc, rau xanh từ trước khi thụ thai và trong quá trình mang thai, sau khi sinh và khi cho con bú. Có thể sử dụng vitamin dành cho bà bầu.

Rau, trái cây ít đường chính là nguồn chất xơ tốt thúc đẩy quá trình tiêu hóa cho bà bầu, giúp họ không phải đối mặt với vấn đề táo bón thường gặp khi mang thai.

- Bổ sung vào bữa ăn cá hồi, các loại hạt như hạnh nhân, hướng dương, hạt dẻ, bơ để mang đến nguồn chất béo cần thiết cho phụ nữ mang thai. Thay thế các món quà vặt nhiều ngọt như chè, kem, bánh bằng sinh tố trái cây, sữa chua...

- Ăn nhiều thức ăn giàu đạm như thịt nạc, trứng, hải sản, đậu phụ để cung cấp chất đạm cho việc phát triển tế bào của thai nhi.

Theo chị Hồng Ngọc, thực hiện chế độ ăn uống như trên giúp bà bầu kiểm soát cân nặng, tăng cân vừa phải, đúng chuẩn và dễ dàng lấy lại vóc dáng sau sinh.

Hình thể cân đối của chị Ngọc khi con trai 4 tháng tuổi. 

"Thực đơn ăn uống phù hợp sẽ 'vào con mà không vào mẹ', khiến khoảng thời gian mang thai nhẹ nhàng hơn, không tạo áp lực về thể xác và tinh thần cho phụ nữ", chị Hồng Ngọc chia sẻ.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/bi-quyet-cua-me-viet-tai-my-de-mang-thai-7-thang-van-co-mui-bung-a97460.html