Biệt phủ hàng tỉ đồng của gia đình ông Khải ngang nhiên mọc trên đất nông nghiệp. Ảnh: M.Lý |
Biệt phủ mọc trên đất nông nghiệp
Theo báo cáo của UBND xã An Lư gửi UBND huyện Thủy Nguyên, tại địa phương có 26 hộ lấn chiếm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, tập trung chủ yếu tại thôn Cây Đa. Trong số 26 trường hợp xây trên đất nông nghiệp, đáng chú ý là biệt phủ gần 500m2 đất, xây 3 tầng hoành tráng, tỉ mỉ của gia đình ông Vũ Mạnh Khải.
Báo cáo từ UBND xã An Lư thể hiện, từ nhiều năm trước, ông Vũ Văn Xuân (bố đẻ ông Khải) đứng ra san lấp mặt bằng và xây dựng công trình nhà ở (diện tích gần 40m2) trên khu đất nông nghiệp - thửa đất số 2375, diện tích 432m2. Năm 2010, ông Bùi Văn Dự chuyển nhượng một phần thửa đất số 2374 (đất nông nghiệp giao theo quyết định 03) diện tích 137m2 cho ông Vũ Mạnh Khải.
Khoảng giữa năm 2014, ông Khải bắt đầu tiến hành xây biệt thự mới bên cạnh công trình nhà cũ trên diện tích đất nông nghiệp. Biệt thự nguy nga đồ sộ của ông Khải được xây dựng và hoàn thiện trong gần 3 năm.
Sau khi biệt thự của ông Khải mọc lên và cơ quan chức năng không xử lý dứt điểm đã khiến cho trào lưu xây nhà trên đất nông nghiệp nở rộ tại thôn Cây Đa. Nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn về chỗ ở, hộ nghèo, gia đình chính sách đã “tranh thủ thời cơ”, bất chấp các quy định của pháp luật để xây nhà trên đất nông nghiệp.
Trong năm 2015, tại thôn Cây Đa, một số hộ tự ý xây nhà trên đất nông nghiệp. Ví dụ hộ ông Nguyễn Văn Cảng, tổng diện tích đất vi phạm là 111,6m2, đã xây dựng công trình nhà ở diện tích 42m2 và các công trình phụ trợ phục vụ ăn ở, sinh hoạt. Hộ bà Trần Thị, tổng diện tích đất vi phạm là 168m2. Hộ ông Bùi Mạnh Giỏi, tổng diện tích vi phạm là 90m2, trên đất đã xây dựng công trình nhà ở, công trình phụ trợ diện tích 57m2…
Từ năm 2016 đến nay, thôn Cây Đa vẫn phát sinh một số hộ xây nhà trên đất nông nghiệp như: Ông Bùi Văn Dũng, ông Lương Văn Tin, ông Phạm Văn Riêu, ông Nguyễn Văn Lộn, ông Nguyễn Văn Xuyên… Một người dân sống trong thôn Cây Đa cho biết, trước đây, toàn bộ thửa đất trên là đất canh tác 2 vụ của mấy chục hộ trong thôn. Tuy nhiên, khoảng gần chục năm về đây, khu vực đất này bỗng biến sang đất ở, thậm chí có cả biệt thư to nhất xã cũng được mọc lên.
Chính quyền xử lý chưa quyết liệt
Điều đáng chú ý là nhiều hộ dân đã tự ý mua bán, sang nhượng đất nông nghiệp được giao cho người khác để xây dựng các công trình trái phép.
Tại buổi làm việc với PV, ông Nguyễn Minh Thuận - Chủ tịch UBND xã An Lư cho rằng, để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, trách nhiệm thuộc chính quyền địa phương đã chưa quyết liệt trong quá trình xử lý. Để khắc phục tình trạng này, UBND xã kiên quyết không để phát sinh thêm bất kỳ trường hợp nào, từng bước giải quyết triệt để những vi phạm, tồn tại cũ. Đối với những trường hợp thực sự khó khăn về đất ở, đã xây nhà trên đất nông nghiệp mà đất đó nằm trong quy hoạch đất ở của địa phương thì UBND xã sẽ báo cáo cấp trên xem xét tiến hành giao đất có thu tiền sử dụng đất. Đối với những trường hợp đã xây dựng nhưng không nằm trong quy hoạch đất ở sẽ tiến hành vận động tháo dỡ. Nếu các hộ vẫn cố tình không chấp hành sẽ tiến hành cưỡng chế.
Ông Nguyễn Minh Thuận cho biết, sau khi nhận được đơn thư kiến nghị của người dân, UBND xã đã tiến hành rà soát và có báo cáo cụ thể về UBND huyện. Ông Thuận nói: “Hiện có 26 trường hợp chúng tôi đã lập biên bản xử, xử phạt, yêu cầu các hộ hoàn trả mặt bằng… Tuy nhiên có trường hợp lập biên bản nhiều lần nhưng vẫn cố tình vi phạm, không chấp hành… UBND xã đã báo cáo các trường hợp này về UBND huyện để xin ý kiến chỉ đạo. Nhiều trường hợp, sau khi đoàn kiểm tra của xã đi khỏi đã lén lút xây dựng vào đêm tối, các ngày nghỉ”.
Để xảy ra tình trạng xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp là lỗi của chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý đất đai, thiếu biện pháp ngăn chặn kịp thời để dân xây nhà tràn lan trên đất nông nghiệp, tạo tiền lệ xấu cho xã hội. Thiết nghĩ, UBND huyện Thủy Nguyên cần sớm vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng đất nông nghiệp đang ngày càng bị “gặm nhấm”.
Xã An Lư có 3.500 hộ dân trong đó có 100 hộ nghèo, 180 hộ cận nghèo và gần 400 hộ khó khăn về đất ở. Trong 26 trường hợp vi phạm thì đa số là hộ nghèo, hộ khó khăn về đất ở. Cá biệt có hộ bà Trần Thị Phí là vợ liệt sỹ, hộ anh Phạm Văn Riêu (23 tuổi) mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi còn nhỏ. |
Link nội dung: https://haiphong24h.org/huyen-thuy-nguyen-hai-phong-dat-nong-nghiep-bi-xay-dung-trai-phep-a97509.html