Trái với không khí tĩnh mịch ngày thường, những ngày cuối năm nay trại phong Phú Bình (Thái Nguyên) sôi động hẳn. Một số đoàn từ thiện tới thăm, không chỉ trao quà, họ còn dọn dẹp vệ sinh, trò chuyện với các cụ.
"Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay", cụ Yến, 87 tuổi, ưng cái bụng với đôi giày, chiếc áo mới, nghêu ngao hát suốt con đường trở về phòng. Cụ kể, dạo trước, một đoàn từ thiện lên tặng cho đôi giày không vừa chân, cụ phải xin thêm cái dây buộc lại cho khít.
Đợt này, chương trình "Chung tay chở Tết về gần" của Quỹ Hy Vọng đến, ngoài những phần quà Tết chung, cụ còn được đoàn tặng cho một đôi giày màu tím, mềm và ôm trọn đôi chân cùi cụt. "Em bé chưa mọc răng" - biệt danh cụ tự đặt cho mình - đi khoe khắp các phòng. Nhưng hễ có bạn già nào muốn chạm vào là cụ quay ngoắt vì sợ "mất phấn".
Mới phút trước đang cười, phút sau cụ Yến đã mếu máo khi nghĩ đến cảnh có con, có cháu, nhưng phải cô đơn một đời ở đây vì căn bệnh. Ảnh: Phan Dương. |
Một ngày trong này dài đằng đẵng, thế mà cụ đã ở đây gần nửa thế kỷ. Cụ mong những ngày Tết sẽ có nhiều người tới thăm trò chuyện cùng.
Trong khu bệnh nhân nặng, cụ Lụa ngồi lủi thủi. Cụ bị mù, hai bàn chân đã bị bệnh hủi ăn mòn. Mấy năm rồi cụ chưa từng bước xuống được bậc thềm trước cửa phòng mình.
Nỗi áy náy duy nhất của cụ là không có sức khỏe để hương khói cho chồng mỗi ngày rằm, lễ Tết. Sáng 3/2, chương trình "Chung tay chở Tết về gần" đã làm giúp cụ một chiếc bàn thờ mới, giúp cụ đặt sẵn một bình hoa, một đĩa quả bằng nhựa để cụ Lụa luôn có cảm giác bàn thờ chồng được chăm sóc.
Tại trại phong Bến Sắn (Bình Dương), dù thời tiết sáng 6/2 đột ngột chuyển lạnh, gần 200 bệnh nhân vẫn tập trung từ rất sớm để tham dự chương trình "Chung tay chở Tết về gần", do Quỹ Hy vọng tổ chức.
Bà Mót tươi cười khi đón khách. Ảnh: Đăng Tuấn. |
Bà Bùi Văn Mót, 75 tuổi, mắc phong từ thời trẻ và đã khỏi bệnh. Bà về sống hòa nhập với con cháu một thời gian, tuy nhiên di chứng bệnh khiến bà khó khăn trong sinh hoạt, không hòa nhập được cuộc sống đời thường. Một năm trước, con cháu lại đưa bà Mót vào Bến Sắn.
"Nhiều khi tôi cũng tủi, cũng khóc. Nhưng nhờ có sự động viên của các cụ xung quanh, sự chăm sóc của các xơ và sự đóng góp của các nhà hảo tâm mà tôi đỡ buồn, đáng sống hơn", bà chia sẻ.
Ông Mai Văn Duyệt, 85 tuổi đã lưu trú tại đây 30 năm. Ông không thể đi đứng, mọi nhu cầu sinh hoạt gần như thực hiện trên chiếc giường bệnh vỏn vẹn 2m2. Tuy nhiên, ông vẫn rất minh mẫn, vui tươi. Mỗi lần có người tới thăm, ông cụ lại kể về một thời hào hùng của mình khi tham gia kháng chiến những năm 1960-1970.
Quỹ Hy Vọng trao quà cho những người gia neo đơn. Ảnh: Đỗ Mạnh Cường. |
Gắn bó với các trại phong ở Phú Bình, Bến Sắn còn có các xơ. Trong đó, xơ Yên (56 tuổi) là người đã gắn trọn một đời với các bệnh nhân trại phong Quả Cảm (17 năm) và trại Phú Bình (6 năm). Nhờ có xơ mà nhiều nhà hảo tâm cũng biết tới đây, cùng lúc đó mức hỗ trợ nhà nước tăng lên, cuộc sống của những bệnh nhân phong bớt khổ. "Từ khi chọn cuộc đời dâng hiến, tôi thấy vui với công việc của mình, dù chỉ là những công việc thầm lặng", sơ Yên nói.
Tại các trại phong, những căn phòng bỏ hoang, những chiếc giường lạnh ngắt ngày một nhiều hơn. Như ở trại Phú Bình, năm 2016 còn hơn 100 cụ. Qua hai năm, giờ còn 83 cụ. Chỉ 5-10 năm nữa thôi, nơi này sẽ vắng tanh. Trại phong rồi chỉ còn trong ký ức.
Những người như xơ Yên hay các nhà hảo tâm từng ghé qua trại Phú Bình, Bến Sắn và các trại phong trên khắp cả nước... đều biết rằng đây là thế hệ phong cuối cùng ở Việt Nam. Các cụ mong những chương trình Tết, hơn cả chiếc quần, chiếc áo mới, là một dịp được tụ họp, trò chuyện với những người ở thế giới ngoài kia...
Trong bốn ngày từ 3 đến 6/2, Chương trình "Chung tay chở Tết về gần" của Quỹ Hy Vọng - VnExpress đã làm cầu nối trao 1.346 phần quà Tết từ số tiền đóng góp của độc giả tới các bệnh nhân phong, trẻ cô côi và người già neo đơn. Trong đó, 431 phần quà được trao cho người già ở trại phong Phú Bình (Thái Nguyên) và Bến Sắn (Bình Dương). 915 phần quà còn lại dành tặng các em ở trại trẻ mồ côi, trung tâm bảo trợ trẻ em và người khuyết tật. Các phần quà gồm bỉm, sữa, nhu yếu phẩm, bảo hiểm y tế... đáp ứng theo nguyện vọng của những người được nhận. |
Link nội dung: https://haiphong24h.org/niem-vui-tet-som-voi-cac-cu-gia-trai-phong-a97854.html