Indonesia phản ứng trước quy định siết nhập khẩu ô tô Việt Nam

Hoạ vô đơn chí, giữa lúc nhu cầu của thị trường trong nước sụt giảm, các nhà sản xuất ô tô Indonesia còn phải đối diện với tương lai xuất khẩu không có gì sáng sủa khi Việt Nam có quy định mới siết chặt hoạt động nhập khẩu ô tô để khuyến khích lắp ráp trong nước.

 

Quy định mới của Việt Nam đang khiến các nhà sản xuất ô tô lo lắng chính là Nghị định 116/2017/NĐ-CP được ban hành hồi tháng 11 năm ngoái quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô. Theo đó, hoạt động nhập khẩu ô tô sẽ bị siết chặt từ ngày 1/1/2018.

Các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam giờ đây phải có Giấy chứng nhận kiểu loại xe (VTA) của nước sản xuất. Ngoài ra, cần phải làm thủ tục kiểm định chất lượng từng lô xe nhập khẩu và kết quả sẽ không được áp dụng cho lô hàng sau, dù cùng một mẫu xe (như quy định trước đó).

Các quy định mới này khiến chi phí nhập khẩu xe đội lên. Thêm vào đó, việc kiểm định một chiếc xe có thể mất từ một đến hai tháng, trong khi các lô xe nhập khẩu khác sẽ phải nằm chờ tại cảng và phải chịu phí lưu kho bãi từng ngày.

Nghị định 116 của Việt Nam đã khiến Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Indonesia (Gaikindo) gửi công văn lên Bộ Công nghiệp nước này vào ngày 27/1, cho biết 4 nhà sản xuất ô tô - Toyota, Suzuki, Daihatsu và Hino đã phải dừng kế hoạch xuất khẩu 9.337 chiếc xe sang Việt Nam. Số xe này lẽ ra được sản xuất trong thời gian từ tháng 12/2017 đến tháng 3/2018.

Indonesia xuất khẩu khoảng 30.000 xe sang Việt Nam mỗi năm, với 4 cái tên trên là các nhà xuất khẩu lớn nhất.

Công văn trên được gửi vào đúng ngày Tổng thống Indonesia Joko "Jokowi" Widodo có cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ diễn ra ở New Dehli.

Ông Jokowi đã thể hiện sự lo ngại rằng chính sách mới sẽ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương giữa hai nước - quan hệ đã phát triển tốt đẹp trong suốt 3 năm qua.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia Airlangga Hartarto cho biết văn phòng Bộ cũng đã gửi thư phản đối chính sách này tới Bộ Giao Thông Vận tải Việt Nam.

Đồng chủ tịch Gaikindo - ông Jongkie Sugiarto cho biết các nhà sản xuất ô tô Indonesia hoàn toàn có thể đáp ứng các yêu cầu chất lượng của Việt Nam, như tiêu chuẩn khí thải Euro 4, các quy định về túi khí và hệ thống chống bó cứng phanh. Tuy nhiên, quy định về việc kiểm định xe theo từng lô là quá rắc rối.

"Việc kiểm tra từng lô xe nhập khẩu cùng một mẫu gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu không đạt, lô xe sẽ bị trả lại," ông Sagiarto nói.

Theo Tổng cục thống kê Trung ương (BPS), xuất khẩu xe du lịch của Indonesia sang Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 11 năm ngoái đạt kim ngạch 241,2 triệu USD, tăng mạnh so với mức 17,78 triệu USD năm 2016. Indonesia cũng là một trong ba nước xuất khẩu xe du lịch lớn nhất sang Việt Nam, sau Thái Lan và Trung Quốc, với thị phần đạt 13,12%.

Giám đốc thương mại quốc tế của Bộ Thương mại Indonesia - ông Oke Nurwan cho biết, nếu các nhà sản xuất ô tô phải dừng xuất khẩu xe sang Việt Nam, thì Indonesia có thể thiệt hại khoảng 85 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 12/2017 đến tháng 3/2018.

Ông cho biết chính phủ nước này đã quyết định giải quyết vấn đề này bằng giải pháp mềm dẻo, đó là cử một phái đoàn sang đàm phán với các cơ quan chức năng Việt Nam vào ngày 26/2.

Ông Oke cũng cho biết Nghị định 116 của Việt Nam đã được áp dụng quá sớm và theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam nên thông báo trước kế hoạch hạn chế các hoạt động thương mại.

"Nếu Việt Nam không có thông báo với WTO, chúng tôi có thể sẽ khiếu kiện sự việc lên tổ chức này," ông Oke nói.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/indonesia-phan-ung-truoc-quy-dinh-siet-nhap-khau-o-to-viet-nam-a98228.html