Trước đó, ngày 8/2, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS năm 2017, bảo đảm chất lượng theo quy định.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có công văn yêu cầu Thường trực Hội đồng CDGS ngành, liên ngành tổ chức rà soát lại kỹ lưỡng hồ sơ các ứng viên. Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện trường hợp ứng viên nào không đáp ứng đủ tiêu chuẩn GS, PGS theo quy định hiện hành, thường trực HĐ CDGSNN phải có báo cáo về HĐCDGSNN.
Với những trường hợp này, Hội đồng CDGSNN sẽ kiên quyết không công nhận. Chủ tịch Hội đồng CDGS ngành phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng CDGSNN về kết quả rà soát ứng viên.
Theo thông tin, hiện nay 28 hội đồng chức danh giáo sư ngành đã hoàn thiện báo cáo gửi Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước. Các trường hợp bị nghi về thống kê giờ giảng dạy, bị khiếu kiện sẽ được "quan tâm" kỹ trong đợt rà soát này.
Được biết, trong đợt rà soát, Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng tham gia giám sát rà soát hồ sơ của các hội đồng ngành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không tin vào kết quả rà soát, sẽ khó thay đổi kết quả vì quy trình rà soát.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc rà soát chức danh GS,PGS đợt này khó thay đổi kết quả |
Trao đổi với PV Dân trí, một chuyên gia nhiều năm công tác trong ngành giáo dục cho rằng, ông không tin vào sự minh bạch của cuộc rà soát GS,PGS khi vẫn thực hiện với quy trình cũ. Với quy trình này, tôi khẳng định kết quả số lượng kết quả GS,PGS sẽ không thay đổi bởi đến nay đã có hội đồng ngành nào công bố phát hiện ai không đủ tiêu chuẩn đâu vì họ phải tự bảo vệ kết quả của mình.
Vị chuyên gia giáo dục khẳng định: “Với cách thức rà soát GS,PGS hiện nay sẽ không có người bị loại vì theo quy định có bao nhiêu bài báo là được công nhận, nhưng bài báo đó ai đánh giá?. Tôi biết, nhiều giáo sư có công trình đăng báo nhưng bài báo luôn có người đứng tên cùng và giáo sư đó luôn là người đứng tên đầu nên luôn được điểm cao nhất thì sao loại họ được".
“Theo tôi những người đang làm quản lý, không làm trong trường đại học, không tham gia giảng dạy thì nên rút lui trong đợt rà soát là biện pháp tốt nhất vì đến giờ không thể nói người này năng lực kém, công trình kém chất lượng… chả ai tự nhận mình như thế khi làm đơn xin công nhận chức danh GS,PGS và cũng chả có hội đồng nào lại nói kết quả của mình công nhận trước đó sai" - vị chuyên gia nói.
"Giáo sư nên trả về cho các trường đại học để các trường quyết định. Nếu đã làm GS trường đại học này mà sang làm việc nơi khác thì không nên công nhận giáo sư” – vị chuyên gia kiến nghị.
Đồng quan điểm, GS.TSKH Phạm Tất Dong nói: “Tôi không tin kết quả rà soát GS,PGS cho lắm vì tự rà soát kết quả mình đã làm thì làm sao chính xác được. Phải có hội đồng độc lập khác rà soát, chặt chẽ và chỉ giữ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước làm chủ tịch thì mới khách quan, như thế kết quả chắc chắn sẽ thay đổi.
Nếu trong trường hợp kết quả rà soát mà nhiều GS,PGS bị loại chứng tỏ hội đồng đó làm không nghiêm thế nên kết quả sẽ không thay đổi”.
GS Dong cũng tỏ ra ngạc nhiên vì đánh giá giáo sư hiện nay đơn giản quá. Đã là GS phải đánh giá nhiều mặt, không chỉ chuyên môn mà còn đòi hỏi cả về đức độ, uy tín xã hội thì mới trao chức danh cho người đó để họ còn cống hiến, còn làm việc. Nhiều người phong giáo sư xong chả làm gì cả vì họ làm quản lý thì thời gian đâu mà nghiên cứu, giảng dạy.
“Những người không tham gia giảng dạy thì nên tự giác trả chức danh để đỡ mang tiếng. Đồng thời, Hội đồng chức danh GSNN cũng không nên phong GS cho những người đang làm quản lý” – GS Dong nói.
GS Dong đề nghị, trong việc rà soát này, nên rà soát lại 3 năm trở lại đây người được phong GS,PGS có hoạt động, có công trình nghiên cứu không. Rà soát xong thì phải nâng tiêu chí xét lên. Đặc biệt phải có Hội đồng khác rà soát để công tâm hơn.
PGS.TS Phan Quang Thế, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên thẳng thắn nói: Tôi nghĩ đợt rà soát GS,PGS này sẽ không có ai bị loại. Mọi thứ bằng bỏ phiếu nên khó thay đổi bởi cái gốc là con người. Gốc của vấn đề là nằm ở chấm điểm và phản biện độc lập. Kết quả này không khách quan, không minh bạch vì vừa đánh trống vừa thổi còi. Tại sao không mời người khác vào đánh giá, phản biện.
“Quan trọng nhất là người chấm có công tâm không khi chấm điểm công trình, họ có dám đánh giá đúng không? Có đủ trình độ để đánh giá đúng không? vì chất lượng giáo sư, giáo sư hiện nay của VN quá thấp” – ông Thế nhận định.
Ông Thế cho hay, dù năm tới tiêu chuẩn chức danh GS,PGS có cao hơn thì vẫn đông đảo người đăng ký tham gia chức danh GS,PGS vì đi kèm chức danh này là nhiều quyền lợi.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/ra-soat-giao-su-pho-giao-su-ket-qua-se-kho-thay-doi-a98238.html