Sự kiện Gạc Ma được đưa vào SGK Lịch sử ra sao?
Trao đổi với PV Dân trí, GS Phạm Hồng Tung cho hay, sự kiện lịch sử Gạc Ma sẽ được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới qua các cấp học.
Cụ thể, ở cấp THCS, sự kiện Gạc Ma 1988 sẽ là một nội dung thông sử Việt Nam và lịch sử khu vực Đông Nam Á, lịch sử thế giới từ 1986 đến nay. Đồng thời, đó cũng là một nội dung năm trong chủ đề tích hợp Lịch sử và Địa lý mang tên “Biển đảo Việt Nam”.
“Mục địch của chúng tôi là: hướng dẫn học sinh tìm hiểu, nhận thức sâu sắc về sự kiện này trong bối cảnh của lịch sử Việt Nam và lịch sử khu vực và lịch sử thế giới. Có như thế mới sâu sắc và toàn diện được. Đồng thời, phải đặt sự kiện này trong toàn bộ cuộc đấu tranh lâu dài của dân tộc ta nhằm khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông, dựa trên những căn cứ chắc chắn về lịch sử và pháp lý quốc tế”, GS Tung cho biết.
Ở cấp THPT, theo Chủ biên Phạm Hồng Tung, sự kiện này tiếp tục được đưa vào nội dung của chủ đề “Các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và giải phóng dân tộc”, nhờ thế mà học sinh có thể tìm hiểu sâu sắc hơn về sự kiện này đặt trong cái nhìn xuyên suốt của lịch sử quân sự Việt Nam. Trên cơ sở đó, học sinh rút ra được những bài học lịch sử có giá trị thiết thực.
Học sinh sẽ tìm hiểu về sự kiện Gạc Ma 1988 trong cái nhìn xuyên suốt của truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc để giữ từng tấc đất của Tổ quốc |
Theo tìm hiểu của PV, cụ thể ở cấp học này, học sinh sẽ tìm hiểu về sự kiện Gạc Ma 1988 trong cái nhìn xuyên suốt của truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc để giữ từng tấc đất của Tổ quốc, rút ra bài học xuyên suốt lịch sử.
Đất nước ta là một quốc gia đất không rộng, người không đông, kinh tế chưa phải là mạnh, nhưng thường xuyên phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm hung hãn. Vì vậy phải bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh đoàn kết của toàn dân, của sự kết hợp với sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại.
Vì sao đưa sự kiện Gạc Ma vào SGK Lịch sử?
Chia sẻ về câu hỏi, sau bao nhiêu năm tháng, tại sao lần này sự kiện Gạc Ma được đưa vào chương trình SGK Lịch sử trong chương trình phổ thông mới? GS Tung cho biết, có nhiều lý do khiến cho từ trước tới nay trận chiến Gạc Ma chưa được đưa vào chương trình giáo dục lịch sử với tính cách là một sự kiện lịch sử.
Về chuyên môn, các sự kiện lịch sử bình thường cũng cần có thời gian mới nghiên cứu thấu đáo được. Hơn nữa, cũng cần cân nhắc cách thức đưa các sự kiện lịch sử vào chương trình giáo dục trong nhà trường. Ở đó, ngoài vấn đề kiến thức chuyên môn, còn có yêu cầu mang tính giáo dục đối với thế hệ trẻ.
“Vì vậy, chúng tôi quyết định đưa sự kiện trận chiến Gạc Ma 1988 và toàn bộ các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc vào chương trình môn Lịch sử mới theo các nguyên tắc: khoa học (khách quan, trung thực), nhân văn, tiến bộ.
Trong đó, ở nguyên tắc nhân văn tiến bộ, nêu cao chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, tri ân các anh hùng liệt sĩ và đồng bào đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, đồng thời phải hướng cho thế hệ trẻ Việt Nam đến tinh thần yêu hòa bình, đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước láng giềng và với toàn nhân loại, chung tay xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển bền vững”, GS Tung nói.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Chương trình môn Lịch sử là một trong số những chương trình môn có nhiều thay đổi. |
Được biết, trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Chương trình môn Lịch sử là một trong số những chương trình môn có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, sự thay đổi này có kế thừa một số ưu điểm của chương trình cũ.
Theo một thành viên Ban soạn thảo trước đó, chương trình cũ đã phát huy được sứ mệnh giáo dục lịch sử cho nhiều thế hệ. Cho đến hôm nay, nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và đã đến lúc phải thay đổi chương trình cho phù hợp với bối cảnh mới.
Cụ thể, ở cấp Tiểu học (lớp 4, 5), những kiến thức sơ giản về Lịch sử là một hợp phần căn bản của môn Lịch sử và Địa lý. Ở cấp Trung học cơ sở, học sinh được học thông sử để nắm được dòng chảy của lịch sử Việt Nam qua các thời đại trong sự tương tác với lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử thế giới.
Toàn bộ chương trình lịch sử ở cấp THCS được thiết kế theo mô hình tích hợp lịch sử thế giới lịch sử khu vực Đông Nam Á lịch sử Việt Nam. Trong đó, lịch sử Việt Nam là trọng tâm, chiếm khoảng 60% thời lượng của chương trình. Thí dụ: ở lớp 9, với bài Chiến tranh thế giới thứ hai, học sinh sẽ được học các nội dung sau đây: Chiến tranh thế giới thứ hai, Đông Nam Á trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Việt Nam trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ở cấp Trung học phổ thông, chương trình được thiết kế theo các chủ đề về lịch sử thế giới, khu vực và Việt Nam trên các lĩnh vực: lịch sử chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng và những chủ đề có tính định hướng, giúp học sinh hiểu rõ hơn về giá trị nền tảng và ý nghĩa thực tiễn của khoa học lịch sử trong việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/dua-su-kien-gac-ma-vao-sgk-lich-su-sau-30-nam-vi-sao-a98582.html