Việc bỗng dưng có thêm một nguồn thu nhập khi khai thuế khiến người dân phải viết giải trình với cơ quan thuế, thậm chí có trường hợp bị ngưng giải quyết hồ sơ hoàn thuế. Tất cả rắc rối bắt nguồn từ việc bị đánh cắp thông tin cá nhân như chứng minh nhân dân (CMND), mã số thuế…
Mất CMND, bị khai khống thu nhập
Chị PTNC, là giáo viên tại một trường trung học ở TP.HCM, cho biết mới đây chị đến cơ quan thuế làm thủ tục quyết toán thuế năm. Mấy ngày sau, chị nhận được thông báo từ cơ quan thuế là chị kê khai không đúng với thực tế trên hệ thống dữ liệu ngành.
Cụ thể, chị C. có thêm nguồn thu nhập nữa là tiền hoa hồng từ một công ty du lịch. Do đó cơ quan thuế thông báo tạm dừng giải quyết hồ sơ hoàn thuế của chị. Chị C. không đồng ý về nguồn thu nhập này bởi chị chưa từng làm công việc nào như vậy.
“Trên biên nhận hoa hồng của khách sạn X. mà cơ quan thuế đưa ra ghi thông tin là số CMND đã mất của tôi, chữ ký nhận tiền cũng không phải của tôi. Có thể ai đó đã nhặt được giấy tờ và cung cấp cho khách sạn kê khai khống để trốn thuế” - chị C. đặt giả thiết.
Tương tự, ông NVN (Gò Vấp) cũng bỗng nhiên phát hiện mã số thuế của mình bị sử dụng để kê khai thu nhập tại một công ty vận tải ở quận 5 mà ông chẳng liên quan. Một số giáo viên tại một trường ở quận 3 cũng dở khóc dở cười khi bị đưa vào danh sách nhận thu nhập tại công ty du lịch. Tìm tới công ty mới biết đó là địa chỉ ma.
Chị PTNC bức xúc vì bị đánh cắp thông tin cá nhân. Ảnh: N.HIỀN |
Điều chỉnh “nhầm lẫn” mới được hoàn thuế
Trao đổi với PV, một đội trưởng đội tuyên truyền của một chi cục thuế ở TP.HCM cho biết về nguyên tắc, khi giải quyết hồ sơ hoàn thuế, chi cục đều dựa theo cơ sở dữ liệu của ngành nên không thể tự điều chỉnh được mà phải liên hệ với đơn vị thuế đã kê khai để điều chỉnh. Ngành thuế muốn điều chỉnh việc kê khai lại thì buộc doanh nghiệp phải làm lại hồ sơ quyết toán thuế. Người bị khai thuế khống sẽ tự liên hệ với doanh nghiệp chi thu nhập để yêu cầu điều chỉnh. Nếu doanh nghiệp không thực hiện thì người dân chỉ còn cách kiện dân sự doanh nghiệp này vì làm ảnh hưởng đến họ.
Lý giải về những trường hợp “khai nhầm” mã số thuế của người khác, đại diện một công ty du lịch cho rằng: “Khi chi hoa hồng, chỉ cần người giới thiệu khách cho công ty xuất trình CMND, mã số thuế là chúng tôi xuất hóa đơn thôi. Đây cũng là bài học để công ty cẩn trọng hơn khi tiếp nhận thông tin. Trên hết là phải chủ động khắc phục hậu quả, lập hồ sơ khai thuế lại để bảo vệ quyền lợi cho người bị khai không đúng”.
Theo luật sư Trương Xuân Tám, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Luật Quản lý thuế năm 2006 quy định nghĩa vụ của người nộp thuế là khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ... Như vậy, đơn vị chi trả thu nhập sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của hồ sơ thuế. Do vậy, khi xảy ra sai sót, gian dối về thông tin thì doanh nghiệp là chủ thể chịu trách nhiệm đầu tiên.
Trong trường hợp người lao động cố ý khai gian hay cá nhân nào đó phụ trách công tác kê khai, khấu trừ thuế cố ý kê khai sai thông tin sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định pháp luật. Cụ thể, Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định về tội trốn thuế: Thực hiện một trong các hành vi quy trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế; hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tiền hoặc tù giam với mức cao nhất là bảy năm tù.
Khi bị đánh cắp thông tin, bị mất các giấy tờ tùy thân, người mất nên chủ động đến trình báo với cơ quan công an. Việc đầu tiên là làm lại giấy tờ, sau đó đến cơ quan thuế hỗ trợ điều chỉnh lại thông tin cá nhân.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/phuc-tap-khi-ma-so-thue-lot-tay-ke-gian-a98734.html