Từ bao giờ chị em phụ nữ phải ngầm chấp nhận rằng sau khi kết hôn mọi điều lãng mạn thuở mới yêu nhau sẽ cạn sạch? Và cũng từ bao giờ các đức ông chồng quên hôn lên gò má vợ, hôn trán, hôn tay hoặc cúi người buộc lại dây giày cho vợ của mình?
Trong một buổi café trò chuyện với hội bạn thân, tôi được nghe cô bạn mình kể về câu chuyện tình yêu của cô ấy. Điều khiến tôi lưu tâm chính là thái độ ngưỡng mộ của cô ấy khi chứng kiến những hành động ngọt ngào lãng mạn mà bố người yêu dành cho mẹ người yêu. Nghe trái khoáy nhỉ, không rung cảm trước bạn trai mình mà lại dễ xiêu lòng trước tình yêu của bố mẹ anh ta.
Có thể không xiêu lòng sao được, khi mà hai người đã sống tới nửa đời người, gắn bó với nhau hơn hai mươi năm. Tóc có thể đã điểm bạc, mắt có thể đã mờ, chân tay có thể đã chậm, và trong cơ thể còn xuất hiện những dấu hiệu rệu rã.
Nhưng cũng vẫn là hai con người ấy, vào ngày mùng 8/3 ông vẫn ra vườn hái cho bà một bó hoa hồng, tặng kèm theo một "bông hoa đồng tiền" trị giá 500 nghìn đồng. Mệnh giá nhỏ thôi, nhưng cứ có quà là người phụ nữ ấy xứng đáng trở thành người phụ nữ hạnh phúc nhất trên đời.
Có thể không xiêu lòng sao được, khi mà người đàn ông ấy còn tất bật và lam lũ giữa cuộc đời, nhưng khi vợ đổ bệnh vẫn không ngừng thức đêm thức hôm trông cho vợ được giấc ngủ ngon. Thấy vợ đau ốm liền nghĩ cách đỡ đần để vợ được tĩnh dưỡng. Và trong những tiếng gọi thân thường hằng ngày, người ta vẫn gọi nhau là anh, là em, ngọt ngào, tình tứ như tình yêu vẫn còn ở ngưỡng tuổi đôi mươi.
Suy cho cùng, sự lãng mạn và yêu chiều mà chúng ta dành cho nhau không phụ thuộc vào độ tuổi, cũng không nên bị phụ thuộc vào độ tuổi. Vì chỉ cần là yêu nhau, bất cứ độ tuổi nào cũng đều có thể ngọt ngào, lãng mạn.
Có khó gì đâu, cho dù thời gian có trôi đi thì chỉ cần trong mắt nhau chúng ta vẫn là những người tình thân thương nhất. Nếu như bố mẹ có một thứ triết lý: dù con bao nhiêu tuổi, con vẫn là con của mẹ. Thì giữa những người yêu nhau cũng nên tồn tại thứ triết lý ấy: dù cho em bao nhiêu tuổi, em còn xanh hay em đã già, chỉ cần em còn anh em vẫn là cô bé.
Không riêng gì cặp đôi bố mẹ của người yêu tôi, mà tôi cũng từng chứng kiến nhiều hơn một trường hợp như thế. Là chú và dì tôi, những người đã yêu nhau thắm thiết hơn hai mươi năm trời, đã về chung một nhà và có tới hai mặt con. Nhưng vào ngày lễ tình nhân, chú vẫn mua socola và hoa hồng về đặt nơi tủ phấn, nhủ rằng dì không ăn thì chú giận.
Người đời cứ nói tình yêu sẽ bay màu, sẽ bạc phếch theo thời gian, và cánh cửa hôn nhân dễ dàng đóng sập lại niềm hạnh phúc trong tình yêu của những cặp đôi trẻ. Từ đó làm không ít người trở nên sợ hãi tiến tới hôn nhân, cũng khiến không ít người dần trở nên thờ ơ hoặc cam chịu với sự hời hợt của người bạn đời chỉ vì người ta đã nói thế.
Không cần biết chúng ta bây giờ bao nhiêu tuổi, nhưng trong tình yêu và đối với người mà chúng ta yêu – chúng ta vẫn là những cô cậu bé thuở mới lớn lên thôi. Chúng ta vẫn được phép hờn dỗi, nũng nịu. Chúng ta vẫn được quyền tận hưởng sự chăm sóc và thương yêu lẫn nhau. Chúng ta vẫn có thể cãi nhau chí chóe để rồi lại òa vào nhau nức nở.
Trong tình yêu, chúng ta luôn trẻ mãi. Và nhân lúc còn trẻ bởi siêu năng lựa của tình yêu ấy, chúng ta cứ đối xử dịu dàng với nhau đi. Lãng mạn một chút, ngọt ngào một chút không làm chúng ta thua thiệt điều gì, chỉ khiến chúng ta cảm nhận được hạnh phúc nhiều hơn mà thôi.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/anh-dung-quen-yeu-vo-nhan-luc-minh-con-tre-hay-diu-dang-voi-nhau-di-a98844.html