Ì ạch như metro: Ai phải chịu trách nhiệm?

Nguyên nhân đội vốn, chậm tiến độ của các dự án metro đều có mẫu số chung là năng lực chủ đầu tư còn hạn chế, tư vấn nước ngoài không hiểu quy định VN, giải phóng mặt bằng chậm…

 Metro tuyến số 1 ở TP.HCM vẫn đang dang dở
ẢNH: ĐỘC LẬP

Đặc biệt, do đều sử dụng vốn vay của chính phủ các nước nên bị ràng buộc điều kiện vay trong quá trình đàm phán, ký kết hiệp định từ công nghệ, thiết bị, tư vấn thiết kế…
Theo TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, việc lỡ hẹn rất nhiều lần của các dự án metro không chỉ gây lãng phí vốn và đội vốn, chậm sử dụng công trình mà ảnh hưởng đến giao thông chung khi không đạt được mục tiêu.

“Thực tế những lần hứa hẹn trước đó của Bộ GTVT và tổng thầu EPC với dự án Cát Linh - Hà Đông cho thấy hứa xong đều thất hứa, khiến người dân khó lòng tin tưởng. Lý do chậm được đổ lỗi loanh quanh nhưng rất chung chung mà không có đối tượng đích danh, cụ thể. Cần có cơ quan tư vấn độc lập hoặc thanh tra toàn bộ dự án, đánh giá thực tế lỗi thuộc về khâu nào, ai phải chịu trách nhiệm. Theo tôi, ở đây Bộ GTVT, đại diện là ban quản lý dự án, phải chịu trách nhiệm”, ông Long nói.

Cũng theo chuyên gia này, dự án Cát Linh - Hà Đông là bài học điển hình cần tránh khi bị ràng buộc bởi các hiệp định vốn vay ưu đãi thành “vốn vay ngược đãi”. Một phần lỗi do yếu kém, thiếu chuyên nghiệp từ khâu lập dự án, thẩm định dự án đến ký kết hiệp định vay vốn với các điều khoản “nắm dao đằng lưỡi”, dẫn tới khi dự án gặp trục trặc, lỡ tiến độ… không đủ căn cứ để xử phạt nhà thầu.

Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội), trong trường hợp dự án liên tục bị lùi, hoãn tiến độ và đội vốn, trách nhiệm chính của chủ đầu tư là Bộ GTVT, ban quản lý dự án và tổng thầu EPC. "Nhưng như dự án Cát Linh - Hà Đông, vốn phát sinh quá nhiều càng cần thanh tra, kiểm tra. Với những nhà thầu yếu kém cần loại bỏ, không cho tham gia các dự án về sau", ông Cường nhìn nhận.

Cũng theo ông Cường, với các dự án sử dụng vốn vay ưu đãi ràng buộc, cần xem xét lại toàn bộ các khâu từ đàm phán, ký kết hợp đồng, nếu không chặt chẽ sẽ để lại rất nhiều hệ lụy. "Cần thận trọng trong các dự án vốn vay khi có quá nhiều điều khoản ràng buộc từ việc bắt buộc chọn nhà thầu, thiết bị của nước vay vốn trong khi lại thiếu chế tài chặt chẽ, khiến khi phát sinh hệ lụy chúng ta không xử lý được. Việc thanh tra, chỉ rõ những sai lầm và trách nhiệm đích danh trong dự án Cát Linh - Hà Đông sẽ giúp tránh được những sơ suất trong đàm phán hợp đồng vay vốn sau này, đặc biệt trong bối cảnh VN đang cần nguồn vốn vay cho các dự án giao thông", ông Cường chia sẻ.

Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cũng thừa nhận nếu giãn tiến độ thi công hoặc tạm ngưng thi công, các chuyên gia ra đi và thiết bị máy móc cũng sẽ bị trả lại (chi phí thuê chuyên gia rất đắt và họ không thể chờ). Sau đó, muốn thi công trở lại ngay cũng không thể được. Chưa kể, căn cứ hợp đồng đã ký, nếu TP.HCM thanh toán chậm phải trả lãi và bồi thường thiệt hại liên quan.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/i-ach-nhu-metro-ai-phai-chiu-trach-nhiem-a99373.html