Ai "phù phép" cho người tâm thần 3 lần đi XKLĐ?

Mặc dù đã 55 tuổi, được hưởng chế độ người khuyết tật vì tâm thần nhưng bà Trần Thị B. vẫn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tới 3 lần. Chỉ đến khi sức khỏe không đảm bảo, bà B. chẳng may tử vong nơi xứ người thì các cơ quan chức năng mới ngỡ ngàng.

Người tâm thần vẫn đi xuất khẩu

Cho đến thời điểm này, khi đưa được thi thể của mẹ trở về quê nhà thành công thì anh Đinh Văn Chính (SN 1991, con bà B.) trú tại xã Hưng Lộc, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An mới thở dài nhẹ nhõm.

Mặc dù để làm được việc này, anh Chính cũng phải mất gần một năm trời kêu cứu khắp nơi. Bởi lý do bà Trần Thị B. trong hồ sơ lại… không phải mẹ của anh.

 Anh Chính kể lại sự việc.

"Nguyên nhân là do bố mẹ tôi ly hôn đã lâu, một mình mẹ ở TP.Vinh, còn tôi và bố về tỉnh Hà Tĩnh sinh sống nên có khoảng thời gian dài chúng tôi không liên lạc. Đến khi xem thông báo của cơ quan Đại sứ Quán Việt Nam, tôi mới biết mẹ đã mất ở Ả-rập Xê út ngày 3/4/2017”, anh Chính nói.

Lúc này anh Chính mới tìm lại hồ sơ, rồi gọi điện ra cho công ty Cổ phần Xây dựng nhân lực Gia Vy, địa chỉ tại quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội, đơn vị đã đưa bà Trần Thị B. đi xuất khẩu, với mong muốn được đưa thi hài của mẹ về quê an táng.

“Tại nhà mẹ, tôi phát hiện hiện cuốn hộ chiếu mang tên Vương Thị Hoài Thu có hộ khẩu tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Nhưng ảnh lại là của mẹ tôi. Liên hệ với công ty Gia Vy, họ nói đúng có người tên Thu đã tử vong và đại diện công ty đã làm xong thủ tục. Tuy nhiên, công ty không xác minh được địa chỉ cụ thể, không liên lạc được với người nhà nên chưa đưa thi thể lao động về nước được”, anh Chính nhớ lại.

Nhiều lần trực tiếp ra Hà Nội để làm việc với công ty XKLĐ này, mặc dù anh Chính cho biết người phụ nữ mang tên giấy tờ là Vương Thị Hoài Thu là mẹ mình, nhưng vẫn không thể đưa thi thể mẹ về quê.

Sau đó, anh Chính phải viết đơn vượt cấp lên cục Quản lý lao động ngoài nước, bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH). Vào ngày 6/3, Phó Cục trưởng Đặng Sĩ Dũng đã trực tiếp về tại tỉnh Nghệ An chủ trì cuộc làm việc với gia đình, công ty Gia Vy và các đơn vị liên quan để tìm biện pháp giải quyết.

 Bà B. được hưởng trợ cấp khuyết tật.

“Ngày 18/3, tức là sau gần một năm mẹ mất, tôi mới có thể hỏa táng và đưa tro cốt về quê thờ phụng. Điều tôi không thể hiểu, mẹ tôi là người khuyết tật, được hưởng chế độ thần kinh tâm thần, mức độ nặng, vậy mà vẫn có thể đi ra nước ngoài lao động. Ai đã làm giả cho mẹ tôi hồ sơ để đi XKLĐ? Làm sao một người đang mang bệnh lại có thể đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe của lao động đi xuất khẩu nước ngoài?”, anh Chính bức xúc.

Bởi khi cơ quan chức năng vào cuộc thì mới hay đây không phải lần đầu tiên bà Trần Thị B. đi lao động nước ngoài dưới tên Vương Thị Hoài Thu. Theo thông tin trong cuốn hộ chiếu, vào tháng 5/2013, bà B. đi XKLĐ ở Malaysia; tháng 8/2015, bà đi XKLĐ tại Ả-rập Xê út; đến tháng 4/2016, bà B. tiếp tục sang Ả-rập Xê út lao động và xảy ra chuyện đau lòng trên.

Cơ quan chức năng vẫn đang làm rõ

Trao đổi với ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An xác nhận bà Trần Thị B. (SN 1963), trú xã Hưng Lộc, TP.Vinh được hưởng chế độ trợ cấp xã hội do mất khả năng lao động (người tàn tật không có khả năng lao động) vào tháng 12/2010.

Đến tháng 9/2013, theo luật Người khuyết tật, sau khi được cấp giấy xác nhận khuyết tật (mức độ nặng, dạng khuyết tật thần kinh tâm thần) thì bà B. được hưởng trợ cấp khuyết tật với mức 270.000 đồng/tháng.

“Vụ việc này gia đình nạn nhân không gửi đơn lên sở LĐ-TB&XH mà gửi thẳng lên cho Cục nên chúng tôi cũng rất ngỡ ngàng. Tuy nhiên, qua xác minh, công ty Gia Vy hiện chưa có văn phòng ở Nghệ An, họ tuyển dụng lao động lúc nào chúng tôi cũng không nắm rõ. Còn nếu đi con đường chính thức thì với tình trạng bệnh như vậy, bà B. sẽ không bao giờ được chấp nhận”, ông Hùng nói.

Đại diện sở LĐ-TB&XH cũng thừa nhận, qua sự việc đã cho thấy có những lỗ hổng trong công tác XKLĐ; đồng thời khuyến cáo người dân khi đi XKLĐ cần tìm hiểu thông tin kỹ càng và chỉ nên đi những doanh nghiệp mà Sở đã thẩm tra, gửi xuống địa phương.

Tuy nhiên, do sự việc phức tạp nên cục Quản lý lao động ngoài nước, bộ LĐ-TB&XH đã có công văn yêu cầu các đơn vị làm việc với Đại sứ quán Ả-rập Xê út tại Hà Nội; đơn vị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe cho lao động đi xuất khẩu (bệnh viện Giao thông Vận tải Nghệ An) làm rõ các nội dung liên quan. Bên cạnh đó, Cục cũng đề nghị các cơ quan chức năng của Nghệ An làm rõ việc cấp CMND, hộ chiếu cho lao động Trần Thị B. với tên Vương Thị Hoài Thu.

 3 hộ chiếu ảnh bà B. nhưng tên người khác

Liên quan đến sự việc, Thượng tá Tô Hữu Trí, Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an Nghệ An khẳng định, bà Trần Thị B. đã trực tiếp đến phòng trình CMND có thông tin Vương Thị Hoài Thu để làm hộ chiếu.

“Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu không cần đóng dấu giáp lai ở ảnh, cán bộ căn cứ vào ảnh CMND và người trực tiếp đến nộp hồ sơ để làm thủ tục. Vì vậy, việc tiếp nhận hồ sơ cấp hộ chiếu mang tên Vương Thị Hoài Thu là đúng quy trình”, Thượng tá Trí cho biết.

Tuy nhiên hiện nay, bà B. đã tử vong nên cơ quan chức năng chưa xác định được cá nhân, tổ chức liên quan đến việc giúp đỡ người này làm CMND mang tên Vương Thị Hoài Thu.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/ai-phu-phep-cho-nguoi-tam-than-3-lan-di-xkld-a99396.html