Bí mật đám cưới giả: Được, mất khôn lường

Nhiều người trong cuộc khi tham gia đám cưới giả đều cho rằng mình làm vì mục đích nhân đạo. Trong khi đó, các chuyên gia khẳng định việc cưới giả là phi pháp, ẩn chứa những hậu quả khôn lường.

 Đám cưới giả sẽ để lại những hậu quả lâu dài

“Hy sinh để giúp người”

Tự nhận mình đã góp phần cùng một người bạn ở Hà Nội khai sinh dịch vụ “đám cưới danh nghĩa” cách đây chục năm, ông H.T (ngụ tại TP.HCM) kể: “Lần đầu tiên có người nhờ đóng vai chú rể, tôi rất sợ bị phát hiện, không rõ hậu quả sẽ như thế nào vì có tiền lệ đâu mà biết. Nhưng tôi cảm thấy đang làm việc thiện, giúp cho bà bầu đơn thân vượt qua hoạn nạn, hoàn toàn không phải là chuyện suy đồi đạo đức”.

Trong những ngày đi thực tế tại một số đám cưới giả, hầu hết những người đóng thế các vai, từ bưng quả cho đến chú rể, đại diện họ, phụ huynh, bà con... đều cho rằng họ làm việc này không chỉ vì thù lao, được ăn cưới miễn phí mà còn bởi “tính nhân văn” của nó.

Thường xuyên đóng vai cô, dì của chú rể, bà D. (một diễn viên quần chúng, ngụ ở Q.8, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi nghĩ mình đang giúp những đứa bé vô tội và mẹ của bé. Nếu không có đám cưới như vậy, những đứa trẻ đó có thể sẽ không được chào đời hoặc ra đời bị bao nhiêu người dị nghị...”.

Một cô dâu tên C. tiết lộ sau đám cưới, chị đã phải tốn thêm 30 triệu đồng cho phía dịch vụ đứng ra lo liệu để “vợ chồng” chị được đăng ký kết hôn.

“Tại sao cưới giả mà lại đăng ký kết hôn thật, để sau này phải ly hôn thêm phức tạp?”, tôi thắc mắc. Chị C. giải thích: “Mình muốn giấy khai sinh của con có cả tên cha. Khi mình đi làm ăn xa phải gửi con ở nhà, ông bà cần giấy khai sinh có đầy đủ tên cha, mẹ để làm thủ tục nhập học cho cháu”.

Theo hợp đồng, ba tháng sau khi đăng ký kết hôn, “vợ chồng” chị C. sẽ ly hôn (nộp đơn ở quê của “chồng”). Tuy nhiên, mãi một năm sau thủ tục này mới hoàn tất.

Đại diện một công ty chuyên tổ chức cưới giả thừa nhận những người đóng thế vai, nhất là các vai chú rể, cô dâu phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Chẳng hạn, khi họ giấu gia đình, người yêu về chuyện tham gia đám cưới giả, nếu lỡ hai bên “chạm mặt” nhau, họ rất dễ bị hiểu lầm, trách móc kiểu như: “Tao là cha, mẹ của mày, mày đi cưới vợ/lấy chồng mà cũng không nói cho tao biết là sao?”, “Anh/cô là đồ phản bội!”...

 Nhiều năm làm chú rể giả, anh N.H “vô tư” không nghĩ đến hệ lụy có thể xảy đến với mình
ẢNH: NHƯ LỊCH


Đặc biệt, có những chú rể (giả) chấp nhận “hy sinh đời trai” khi đồng ý đăng ký kết hôn (thật), để cô dâu và đứa trẻ “có danh phận”. Sau một thời gian, họ tiến hành ly hôn. Dù ngoài đời chưa từng kết hôn nhưng trên giấy tờ, họ “mang tiếng” đã có một đời vợ và đã có con.

Cưới giả có khi mất thật

Về tính pháp lý của việc tổ chức đám cưới giả, luật sư Trần Quang Thắng (Giám đốc Công ty Luật quốc tế và cộng sự), nhấn mạnh: “Tôi có thể khẳng định không có cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào cấp phép cho dịch vụ đám cưới giả. Các công ty tổ chức sự kiện khi tổ chức đám cưới giả, kết hôn giả là vi phạm pháp luật và trái thuần phong mỹ tục”.

Các công ty tổ chức sự kiện khi tổ chức đám cưới giả, kết hôn giả là vi phạm pháp luật và trái thuần phong mỹ tục

Theo luật sư Thắng, những đối tượng xấu có thể lợi dụng niềm tin, bí mật đời tư khách hàng, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của những người sử dụng dịch vụ này. Đặc biệt, trường hợp nếu chú rể giả có đăng ký kết hôn và sau đó đăng ký khai sinh cho những đứa con thì về mặt pháp lý đã phát sinh quan hệ vợ chồng, quan hệ cha con. Cho nên, ngay cả khi anh ta đã làm thủ tục ly dị thì hậu quả của việc này cũng khôn lường vì nó liên quan nhiều vấn đề về nhân thân, như quan hệ về thừa kế, về tài sản.

“Chỉ khi nào anh hủy việc đăng ký kết hôn bằng một bản án của tòa hay hủy giấy khai sinh bằng một quyết định tố tụng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì lúc đó anh mới tránh được những hệ lụy. Còn không thì nó đi theo anh suốt cả đời”, ông cảnh báo.

Thạc sĩ tâm lý học xã hội Vũ Thiện Toàn kể, ông đã gặp rất nhiều trường hợp (cả nam lẫn nữ) xin ý kiến có nên sử dụng dịch vụ đám cưới giả hay không. Trong đó, có khoảng 6 - 7 người đồng tính nam bị áp lực gia đình về chuyện kết hôn và nhiều cô gái có thai nhưng bạn trai không thừa nhận. Cũng có một số trường hợp vì mục đích vụ lợi (tình cảm, kinh tế)...

“Cần tỉnh táo và suy nghĩ thật kỹ khi tiếp cận dịch vụ này. Theo tôi, những người lựa chọn hình thức đám cưới giả không nghĩ đến hậu quả lâu dài. Trong đó, ảnh hưởng lớn nhất là về các mối quan hệ gia đình và ngoài xã hội. Khi sự việc bị lộ, chẳng có bố mẹ, họ hàng nào có thể chấp nhận người con, người cháu lừa dối mình cả. Vì thế, nên sống đúng, sống thật với những gì mình đang có. Mọi thứ diễn ra đều do mình lựa chọn, nên phải chấp nhận và giải quyết nó nhưng không được lừa dối bất kỳ ai”, ông Toàn chia sẻ.

Trong khi đó, chuyên viên tư vấn Nguyễn Thu Hiên (Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình thuộc T.Ư Hội LHTN VN) cho rằng phần lớn các cô gái trót có thai tìm lối thoát bằng dịch vụ cưới giả là muốn giữ lại đứa con, muốn bảo vệ danh dự, uy tín cho gia đình và bản thân. Những cô dâu này phải đối mặt ít nhất với ba mối lo lớn. Thứ nhất là phải bỏ ra khoản tiền lớn để lo đám cưới, cộng với những gánh nặng kinh tế về sau. Thứ hai là bị ảnh hưởng tinh thần vì sau đám cưới giả, họ phải tiếp tục đối phó với gia đình và với dư luận về mối quan hệ “vợ chồng” của mình. Thứ ba, đứa bé ra đời cũng vẫn hoàn toàn không có cha...

“Tôi không cổ súy việc cưới giả. Tuy vậy, tôi nghĩ gia đình và xã hội nên có cái nhìn thoáng hơn, hãy thông cảm với những cô gái rơi vào tình cảnh bất đắc dĩ như trên. Nếu họ muốn tranh cướp chồng người ta hoặc muốn có bầu trước để buộc bạn trai phải cưới thì chắc chắn họ không tìm đến dịch vụ này”, bà Hiên nêu quan điểm.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/bi-mat-dam-cuoi-gia-duoc-mat-khon-luong-a99486.html