"Trường sư phạm có trách nhiệm không nhỏ với sản phẩm lỗi của mình"

Thời gian gần đâyliên tiếp xảy ra các sự việc liên quan đến ứng xử giữa giáo viên với học sinh, phụ huynh gây rúng động xã hội, dư luận đặt câu hỏi phải chăng việc đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm đang có vấn đề?

Để tìm hiểu gốc rễ của vấn đề, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Ngọc Ân, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - đơn vị sâu sát và đại diện cho tiếng nói về quyền lợi của cộng đồng giáo viên:

- Ngành giáo dục gần đây xảy ra nhiều sự việc liên quan đến ứng xử giữa giáo viên – học sinh – phụ huynh như: cô giáo bắt học sinh quỳ gối, cô giáo không giảng bài khi lên lớp, thầy giáo nói lời thô tục với học sinh, mới đây là cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng… Theo ông, nguyên nhân của những sự việc này do đâu và phải chăng việc đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm đang có vấn đề?

TS Nguyễn Ngọc Ân: Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến những hành vi ứng xử không chuẩn mực, thậm chí vi phạm pháp luật giữa phụ huynh, giáo viên và học sinh. Có những nguyên nhân từ xã hội với lối sống thiếu kỷ cương, không mẫu mực trong việc chấp hành luật pháp, nhận thức pháp luật còn hạn chế của khá nhiều người.

Hãy nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và và toàn diện hơn thay cho việc quy chụp: những gì xảy ra ở nhà trường, với giáo viên và học sinh thì đều đổ lỗi cho ngành giáo dục, điều đó thật sự thiếu công bằng. Tuy nhiên, nhiều hiện tượng xảy ra được báo chí thông tin những ngày qua cũng cho thấy sự thiếu hụt về năng lực sư phạm của một số giáo viên. Tôi cũng không loại trừ yếu tố đạo đức trong một số trường hợp. Ví dụ việc giáo viên bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng chẳng hạn. Cách hành xử đó không phải là của một người bình thường chứ chưa nói đến một nhà giáo.

Nhà giáo – sản phẩm của các cơ sở đào tạo giáo viên và chắc chắn các trường sư phạm có phần trách nhiệm không nhỏ đối với sản phẩm bị lỗi của mình.

 TS Nguyễn Ngọc Ân, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam

- Từ trước tới nay, chúng ta vẫn có ‘truyền thống’, tư duy rằng nhà trường, giáo viên là nơi nắm giữ quyền lực, là ‘bề trên’. Làm thế nào để thay đổi được tư duy này?

Nhà trường có quyền, giáo viên có quyền, nhưng không phải là bề trên ban phát hay quyền đi hành người khác.

Điều này được quy định rất rõ trong các văn bản quy định đối với nhà trường, với giáo viên như: Điều lệ trường học, chuẩn nghề nghiệp giáo viên, quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp… Có thể khi một số hiện tượng tiêu cực gần đây được phát hiện, chúng ta thấy giáo viên nhận thức chưa đúng đắn về “quyền” của mình dẫn đến việc: quyền được làm thì làm chưa tốt nhưng lại đi làm cái việc không được quyền làm.

Để thay đổi thực tế này, tự mỗi giáo viên nên tìm hiểu, đọc kỹ, hiểu rõ các văn bản quy định nhiệm vụ, nghĩa vụ của giáo viên, học hỏi từ rất nhiều những đồng nghiệp giỏi nghề, có tư cách đạo đức chuẩn mực, có thâm niên nghề nghiệp cao… rồi mới có thể làm được nghề dạy học một cách tử tế, để không trở thanh một “thợ dạy” đơn thuần.

Qua theo dõi, các hiện tượng giáo viên yếu năng lực và vi phạm đạo đức phần nhiều là giáo viên trẻ, mới ra trường, kinh nghiệm và tuổi nghề còn hạn chế. Các kỹ năng hành xử trong cuộc sống chắc chắn còn thiếu và hiển nhiên khi đối mặt với những áp lực trước công việc, trước các tình huống sư phạm phức tạp, bất ngờ sẽ dễ dẫn đến ngợp và bột phát những hành vi thiếu kiểm soát.

Nói vậy cũng có nghĩa là nghề dạy học rất khó và để trở thành nhà giáo đúng nghĩa thì không hề dễ dàng.

- Giáo viên có hành xử không đúng mực với học sinh, nhưng học sinh, phụ huynh cũng có cách ứng xử không phù hợp: bắt cô giáo quỳ, đánh cô giáo suýt sảy thai… Dân chủ trong trường học nên được thực thi như thế nào để không làm tổn thương giáo viên, thưa ông?

Trường học phải là nơi giáo viên được tạo mọi điều kiện, mọi cơ hội để chia sẻ những kinh nghiệm với nhau, được trải lòng mỗi khi gặp khó khăn, được giải tỏa khi có ấm ức, được hỗ trợ khi bế tắc, khó khăn… với cán bộ quản lý và với tất cả các đồng nghiệp.

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện bắt đầu cho giáo viên, từ giáo viên mới mong có được môi trường giáo dục an toàn với học sinh, có được sự yên lòng, đồng cảm, hợp tác từ phụ huynh học sinh.

Dân chủ trong nhà trường tạo môi trường giáo dục an toàn. Môi trường giáo dục an toàn tạo cho giáo viên tâm thế tự tin, tự trọng. Khi tự tin giáo viên có cách hành xử chuẩn mực. Khi có những hành xử chuẩn mực giáo viên nhận được sự hợp tác. Khi có sự hợp tác, sẽ hạn chế xảy ra mâu thuẫn và tránh được những tổn thương không đáng có.

- Các cơ quan quản lý trường học, lãnh đạo nhà trường cần phải làm gì cụ thể hơn để cải thiện cách giao tiếp giữa giáo viên – học sinh ngoài việc đến khi sự việc xảy ra mới kỷ luật, phê bình?

Theo tôi, việc đi giải quyết từng trường hợp là cần thiết, nhưng đã đến lúc cần có cách giải quyết căn cơ hơn, đi vào bản chất hơn.

Theo đó, tất cả các nhà trường, các đoàn thể trong trường và mỗi giáo viên ngay lập tức phải tự nhìn nhận lại mình, nhìn nhận lại tổ mình, trường mình.

Rất có thể một ngày nào đó, lại xảy ra việc với chính chúng ta. Nó không loại trừ ai vì sự vận động phát triển phức tạp của xã hội dẫn đến những diễn biến tâm lý khó lường của học sinh, những phản ứng bất ngờ của phụ huynh…

Ngay lúc này, biện pháp phòng ngừa là cần thiết. Đó là trách nhiệm của Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu, các tổ trưởng, Ban chấp hành công đoàn của mỗi nhà trường… tất cả không thể đứng ngoài, trông đợi vào sự chỉ đạo của cấp trên mà phải bắt tay vào xây dựng ngay “Chương trình hành động phòng chống bạo lực học đường”. Việc tạo dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện là trách nhiệm không phải của riêng ai từ nhà trường, cộng đồng, phụ huynh đến các em học sinh…

Cần tổ chức ngay các khóa tập huấn, các buổi sinh hoạt chuyên đề, lồng ghép các buổi sinh hoạt chuyên môn nội dung nâng cao nhận thức đúng đắn, sâu sắc về nghề dạy học, trang bị những kỹ năng ứng xử sư phạm trong các tình huống với đồng nghiệp, với phụ huynh và đặc biệt là với học sinh. Các nhà trường cần thiết phải tập huấn lại cho giáo viên hiểu và biết cách sử dụng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực – một nội dung mà Bộ GD-ĐT đã triển khai từ lâu nhưng hình như thời gian gần đây đang bị lãng quên trong các nhà trường.

- Chương trình hiện nay ở các trường sư phạm có vẻ chưa được coi trọng và thiếu đi những giờ học về nghiệp vụ liên quan đến tâm lý giáo dục, khả năng xử lý tình huống sư phạm?

Hiện nay, trong các cơ sở đào tạo giáo viên, việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm đã được coi trọng đúng chưa và hiệu quả của các học phần tâm lý giáo dục như thế nào, vẫn là một câu hỏi lớn.

Phần lớn sinh viên trong quá trình học tập tại trường đều chú trọng nhiều đến kiến thức chuyên ngành mà chưa nhận thức được tầm quan trọng của các yếu tố hành nghề dạy học.

Vì thế, bản thân họ không dành nhiều sự quan tâm và đương nhiên sẽ bị lỏng lẻo về mặt kỹ năng khi đảm nhiệm những công việc của một giáo viên thực sự.

Thời lượng giành cho rèn luyện tay nghề trong trường sư phạm cũng chưa đảm bảo. Chúng ta cũng nên nhớ: Dạy học là một nghề tương đối đặc biệt, nó đòi hỏi năng khiếu, tố chất rất riêng.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, với gần 1,5 triệu giáo viên trên khắp cả nước, những hiện tượng tiêu cực đang diễn ra cũng không phải phổ biến. Còn rất nhiều tấm gương thầy cô tâm huyết, giỏi nghề, vững nghiệp… còn rất nhiều vị phụ huynh hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, kính trọng, giúp đỡ thầy cô. Đa số các em học sinh là những trò giỏi, con ngoan. Vì thế, các thầy cô giáo cũng không nên hoang mang, dao động, không khái quát từ các hiện tượng cá biệt để rồi mất phương hướng. Đây là thời điểm cần thiết để các thầy cô thể hiện bản lĩnh, ý chí quyết tâm, lòng tự tin và trách nhiệm với nghề nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Link nội dung: https://haiphong24h.org/truong-su-pham-co-trach-nhiem-khong-nho-voi-san-pham-loi-cua-minh-a99491.html