Rối bời xe buýt

Khủng hoảng đang diễn ra ở HTX Xe buýt Đông Nam, nhiều xã viên nói nếu không được cứu, họ phải ngưng hoạt động hoặc phải bán tháo xe do lỗ kéo dài

Ông Hai, một chủ xe buýt thuộc tuyến số 88 (xã viên HTX Vận tải và Dịch vụ Đông Nam - gọi tắt là HTX Đông Nam, TP HCM) nói tình trạng nhà xe phải chịu lỗ để duy trì hoạt động kéo dài suốt 2 năm nay. Lý do là doanh thu hoạt động không có, trong khi các khoản tiền phải đóng và những chi phí phát sinh quá nhiều nhưng tiền trợ giá lại liên tục bị cắt giảm, nhân viên điều hành không lương, doanh thu "về mo".

Nợ ngập đầu còn bị cấn trừ tiền trợ giá

Ông Hai dẫn chứng vào khoảng năm 2012-2013, tiền trợ giá của tuyến số 88 là 150.000 đồng rồi giảm còn 120.000 đồng/chuyến vào khoảng năm 2014-2015. Sau đó, tiền trợ giá của tuyến này lại tiếp tục giảm, chỉ còn 94.000 đồng/chuyến, chưa kể tiền trợ giá còn bị cấn trừ một khoản do HTX nợ thuế.

Với mức trợ giá như trên, ông Hai cho biết mỗi tháng một xe chỉ nhận được 21 triệu đồng nhưng trong đó phải đóng thêm nhiều khoản khác như tiền thuế cho HTX, tiền bảo hiểm cho tài xế, tiếp viên... Thống kê mỗi ngày, theo ông Hai, mỗi xe chỉ thu được khoảng 1 triệu đồng tiền vé nhưng chi phí bỏ ra khoảng 1,4 triệu đồng nên bản thân nhiều chủ xe buýt phải lấy tiền nhà hoặc vay nợ để bù chi phí này.

 Việc HTX Xe buýt Đông Nam rơi vào khủng hoảng sẽ ảnh hưởng đến hệ thống vận tải hành khách công cộng của TP HCM

Chưa kể, nhiều xã viên cùng các nhân viên điều hành, nhân viên văn phòng tại HTX Đông Nam cho hay đang lao đao trước việc bị chậm tiền trợ giá, chậm trả lương. "Mua xe giá 1,2 tỉ đồng nhưng do thua lỗ dẫn đến bị phạt nợ và mỗi tháng phải đóng 22 triệu đồng. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2018, mỗi xe chỉ nhận được 11 triệu đồng nên chúng tôi rất khổ sở. Có người đã phải bỏ chuyến, bán xe" - bà L.V, một xã viên, kể.

Theo nhiều chủ xe buýt thuộc HTX Đông Nam, ban quản trị của đơn vị này yếu kém, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ dẫn đến những khó khăn trở nên chồng chất, dồn hết vào các thành viên. Đồng thời, các xã viên còn cho rằng một số phương tiện thuộc Đề án thay mới 1.680 xe hiện không sử dụng đúng mục đích nhưng các thành viên lại đang phải "gánh" để trả lãi càng khiến tình hình trở nên khủng hoảng.

Ông Trần Trọng Thảo, Giám đốc HTX Đông Nam, lại cho rằng việc khủng hoảng ở đơn vị ông là do chương trình đầu tư xe mới tại đơn vị hoạt động kém hiệu quả, phương án đầu tư chưa đánh giá đúng thực tế. Áp lực vốn vay và lãi suất khi việc trợ giá không kịp thời đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính của HTX này.

"Cụ thể là tuyến số 40 hoạt động không hiệu quả, đã ngưng hoạt động từ tháng 8-2017. Trong khi đã không có doanh thu nhưng mỗi tháng lại phải thanh toán vốn và lãi của tuyến này cho ngân hàng càng khiến doanh thu không đủ để cấp phát trợ giá cho các tuyến không vay trong HTX" - ông Thảo nói và thông tin thêm hiện HTX Đông Nam có 9 tuyến xe buýt có trợ giá với 143 xe. Trong đó, hiện tuyến số 40 với 10 phương tiện đã tạm ngưng hoạt động.

Sở và Trung tâm không liên can!

Lý giải về việc các xã viên bị cấn trừ thuế từ tiền trợ giá xe buýt, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho hay trong năm 2016, Chi cục Thuế quận 2 đã có quyết định về việc kiểm tra thuế tại HTX Đông Nam và xử lý vi phạm về thuế với tổng số tiền truy thu, chậm nộp và tiền phạt hơn 2,4 tỉ đồng. Do HTX Đông Nam không bảo đảm về tài chính nên Chi cục Thuế quận 2 đã cấn trừ tiền trợ giá xe buýt do Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (nay là Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, viết tắt là Trung tâm) thanh toán cho HTX này trong tháng 9-2016. Việc này dẫn tới HTX Đông Nam vẫn đang nợ các thành viên về khoản trợ giá xe buýt.

Với tình hình trên, Sở GTVT TP HCM cho biết trước đó, trung tâm đã nhiều lần làm việc với HTX Đông Nam nhằm tháo gỡ các vướng mắc và hỗ trợ đơn vị nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Cụ thể, HTX Đông Nam không bảo đảm về năng lực quản lý, điều hành, tiếp tục để xảy ra tình trạng mất chuyến, bỏ chuyến hàng loạt và kéo dài đã ảnh hưởng đến mạng lưới hoạt động của hệ thống xe buýt tại TP.

Vì vậy, Sở GTVT đã có văn bản yêu cầu HTX này phải có phương án khắc phục các tồn tại cùng những khoản nợ chưa xử lý, nếu không sẽ giao đơn vị khác có năng lực thay thế.

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm, đánh giá việc phát sinh hàng loạt khó khăn và kéo dài suốt nhiều năm tại HTX Đông Nam là bởi công tác quản lý và điều hành tại đơn vị này quá yếu kém. Dù trước đó, phía Sở GTVT TP HCM đã giãn nợ rất nhiều khoản như tiền xử phạt, bến bãi... cho đơn vị này nhưng do không có nguồn lực, cộng thêm nhiều khoản nợ càng dẫn tới việc phát sinh các vấn đề gây bức xúc. Vì vậy, theo ông Trung, HTX Đông Nam cần tái cấu trúc và trong thực hiện, ông khẳng định sẽ ưu tiên việc không làm ảnh hưởng đến hệ thống vận tải hành khách công cộng của TP cũng như bảo đảm quyền lợi của xã viên.

Còn trước tình trạng có phương tiện được đầu tư mới theo Đề án 1.680 xe nhưng hoạt động sai mục đích, ông Trung yêu cầu HTX Đông Nam trong tháng 4-2018 phải có báo cáo, giải quyết dứt điểm, không để tình trạng xe không hoạt động nhưng các tuyến khác phải gánh tiền trả lãi ngân hàng khi mua xe.

Trong các phương án đưa ra nhằm ổn định hoạt động của HTX Đông Nam nói riêng và hệ thống xe buýt tại TP HCM nói chung, theo ông Trung, sẽ điều phối lại việc trợ giá, nâng giá vé xe buýt phổ thông hoặc điều chỉnh lại hoạt động của xe buýt vào giờ thấp điểm. Còn trước mắt, phía Trung tâm đang tiếp tục tạm ứng tiền trợ giá năm 2018 cho HTX Đông Nam để trả nợ cho các xã viên.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/roi-boi-xe-buyt-a99504.html