Trong việc xét tuyển vào ĐH,CĐ bằng học bạ, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải công khai đề án tuyển sinh riêng. Các trường có thể lựa chọn các phương thức tuyển sinh: Sơ tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh hoặc sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường khác để xét tuyển; Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT; Sử dụng đồng thời các phương thức tuyển sinh trên và phải công bố công khai chỉ tiêu đối với từng phương thức.
Theo đó, phương án xét tuyển vào ĐH, CĐ bằng học bạ THPT được coi là phương án “dễ thở” và an toàn hơn đối với nhiều thí sinh. Tuy nhiên, hầu hết các trường đại học tốp trên hầu như không thực hiện phương án này bởi không khách quan, không công bằng.
Một số trường đại học tốp trên chỉ xét thí sinh trường chuyên nhưng kèm theo nhiều điều kiện |
Trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho rằng, chất lượng học bạ của bậc THPT không khách quan, chưa đủ độ tin cậy cần thiết, thậm chí là tiêu cực… để đánh giá một học sinh thi tốt nghiệp THPT. Do đó, tuyển sinh đại học mà căn cứ vào kết quả hồ sơ học bạ để tuyển sẽ không ổn.
“Chúng ta cần phân biệt, điểm tốt nghiệp THPT hiện nay không phải là điểm thi đại học theo cơ chế “3 chung” trước kia vì đề thi hiện nay thấp hơn đề thi “3 chung” rất nhiều. Đề thi “3 chung” để xét tuyển đại học chọn nhân tài nhưng bây giờ đề thi mục tiêu đầu tiên là xét tốt nghiệp (kiến thức dành cho tốt nghiệp chiếm 60% và còn 40% kiến thức để xét tuyển vào đại học). Do đó, không đồng nhất kết quả tuyển sinh vì thí sinh trúng tuyển bằng học bạ có thể có điểm thi thấp hơn thí sinh xét tuyển vào trường bằng kết quả bài thi THPTnhưng bị trượt. Thậm chí có thí sinh trúng tuyển đại học bằng xét tuyển học bạ nhưng lại trượt tốt nghiệp… tạo ra không công bằng trong xã hội” – ông Sơn nói.
Ngoài ra, theo ông Sơn, đối với trường đại học sử dụng cả 2 phương thức xét tuyển là sử dụng kết quả THPT quốc gia và học bạ thì rất bất hợp lý vì cùng một mục tiêu, cùng một đối tượng mà sử dụng 2 thang đo sẽ khập khễnh, không đồng nhất về chất lượng đầu vào.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Đình Đức, trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, tuyển sinh học bạ là không ổn bởi vì mỗi trường THPT có chất lượng khác nhau, uy tín từng trường khác nhau, có trường chất lượng cao, trường chất lượng thấp. Có thể học sinh giỏi trường này nhưng so với trường kia lại thấp hơn. Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh khá, giỏi theo học bạ hiện nay lên tới 90%. Như vậy, học bạ không còn là thước đo chuẩn xác đánh giá năng lực học sinh.
Được biết, một số trường đại học tốp trên như ĐH QGHN, Học viện Ngân hàng, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, ĐH QG TP.HCM … xét tuyển học bạ nhưng đó là với các học sinh trường chuyên và kèm theo đó là các điều kiện thí sinh đó phải đoạt giải thưởng ở nhiều cuộc thi và điểm thi theo tổ hợp môn thi phải cao...
Việc các trường đại học không tin tưởng vào chất lượng học bạ của học sinh THPT cũng còn nhiều lý do, theo một chuyên gia tuyển sinh thì tình trạng sửa điểm, nâng điểm cho học trò để có được bảng điểm đẹp hơn ở nơi này nơi kia là có thật, nhất là khi thầy cô giáo vì thương học trò, vì nể nang phụ huynh nhờ…và vì thành tích của trường.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/truong-dai-hoc-top-tren-so-tuyen-sinh-bang-hoc-ba-a99805.html