ại buổi tọa đàm, PGS. Nguyễn Nguyên Khôi, nguyên Trưởng khoa Thận nhân tạo, bệnh viện Bạch Mai cho hay, sự cố chạy thận nghiêm trọng khiến 8 người tử vong thực sự đau xót. Đây là sự cố chưa từng có trong lịch sự lọc máu ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Trước câu hỏi được đặt ra "việc truy tố bác sĩ Lương với tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liệu có thuyết phục, có đúng pháp luật?" PGS. Nguyễn Nguyên Khôi cho biết: “Bác sĩ Lương được đào tạo là để cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh. Việc mua sắm, bảo dưỡng, bảo trì thiết bị là thuộc bộ phận quản lý trang thiết bị của bệnh viện. Do đó, bác sĩ Lương không phải là người chịu trách nhiệm về trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế… và không phải đồng phạm với bị can khác”.
BS. Hoàng Công Lương. |
Cũng theo PGS. Nguyễn Nguyên Khôi, ở góc độ khách quan, nếu bác sĩ Lương có kiểm tra hệ thống lọc nước RO cũng không thể kiểm tra vì không được đào tạo, không có kiến thức cũng như không có trang thiết bị chuyên ngành.
Bên cạnh đó, trong cáo trạng có nhắc tới vấn đề bác sĩ Lương không báo với trưởng khoa mà vẫn y lệnh điều trị, theo phân tích của PGS. Nguyễn Nguyên Khôi, trong trường hợp này bác sĩ có báo cáo thì trưởng khoa cũng không biết chất lượng nước RO sau sửa chữa, bảo dưỡng có đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nước hay chưa nên hậu quả chết người vẫn xảy ra. Sau sự cố chạy thận, bác sĩ Lương vẫn hết lòng cứu chữa bệnh nhân.
“Tôi làm nghề lọc máu, đào tạo rất nhiều thế hệ bác sĩ. Xảy ra sự cố trên tôi cảm thấy tổn thương vì đã không ngăn chặn được. Người làm trong ngành lọc máu là công việc hết sức vất vả và phải luôn cẩn trọng bởi vì bất cứ chất gì đi vào đường máu sẽ đi ngay vào tế bào gây nguy hiểm cho bệnh nhân”, PGS. Nguyễn Nguyên Khôi nói.
Cũng theo PGS. Nguyễn Nguyên Khôi, trong trường hợp xảy ra sự cố, bác sĩ Lương đã tham gia tích cực cấp cứu cho bệnh nhân. Vì vậy khó có thể kết luận bác sĩ Lương thiếu trách nhiệm.
Cũng tại buổi tọa đàm, luật sư Trần Hồng Phúc, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, hiện chưa chứng minh được thể hiện có quy trình bổ nhiệm bác sĩ Hoàng Công Lương ở vị trí quản lý ở đơn nguyên chạy thận nhân tạo, bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Vì vậy bác sĩ Lương không thể bị áp cho tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bác sĩ Lương cũng không được đào tạo kiến thức, trang thiết bị chuyên ngành để kiểm tra.
TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng vụ Pháp chế phát biểu tại buổi tọa đàm. |
TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng vụ Pháp chế, bộ Y tế cho rằng: "Theo quy định tại điều 285, bộ luật Hình sự năm 1999 và điều 360, bộ luật Hình sự năm 2015 thì, tội danh mà viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình áp dụng với bác sĩ Hoàng Công Lương với hậu quả 8 người bệnh tử vong thuộc dạng gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng sẽ phải áp dụng hình thức tù giam, không áp dụng biện pháp cải tạo không giam giữ (án treo)".
Đối chiếu với cáo trạng về tội danh của bác sĩ Lương, TS. Quang cho rằng, có một số yếu tố cấu thành tội phạm cần được xem xét lại.
TS. Quang cũng đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành điều tra, xét xử nghiêm minh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật cho các bị can còn lại, không để lọt tội phạm để tạo niềm tin trong nhân dân và sự yên tâm công tác cho các thầy thuốc, nhân viên y tế trên toàn quốc.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/cac-chuyen-gia-trong-nganh-van-ban-khoan-ve-viec-truy-to-bac-si-hoang-cong-luong-a99970.html