Xã hội

'Luật ngầm' ở Việt Nam: Bác sĩ có quyền im?

Lợi Trần

Bác sĩ tự cho mình quyền im lặng trước câu hỏi của bệnh nhân? Bác sĩ cũng có quyền bắt bệnh nhân phải im? Kết quả là những bức xúc như vụ nữ sinh phải cưa chân, cha mẹ mang xác con đến bệnh viện ở Nghệ An như vừa xảy ra.

Làm rõ trách nhiệm cá nhân vụ nữ sinh tử vong ở Nghệ An
Sở Y tế vào cuộc vụ người nhà nữ sinh “vây” bệnh viện
Bé gái 14 tuổi tử vong tại bệnh viện đã được người nhà đưa về mai táng
Mang thi thể vây bệnh viện sau cái chết của nữ sinh 14 tuổi



Ai cũng biết quá tải thường xuyên xảy ra ở bệnh viện, nhưng văn hóa ứng xử của bác sĩ là điều cần được chấn chỉnh - Ảnh: Diệp Đức Minh.


Chuyện ta

Đọc bài viết Cháu gái 14 tuổi tử vong, người nhà bao vây bệnh viện của đồng nghiệp, tôi thấy mọi tình tiết đều… rất quen. “Xui” cho Bệnh viện đa khoa Quỳnh Lưu (Nghệ An) là bệnh nhân tử vong quá nhanh và người nhà quyết định không im lặng.

Còn chuyện bệnh nhân lo lắng hỏi thông tin của bác sĩ mà nhận được sự im lặng từ lâu đã là chuyện thường ngày ở bệnh viện Việt Nam. Thử hỏi trong môi trường khám chữa bệnh như hiện nay, nếu bạn hỏi mà bác sĩ không trả lời, bạn sẽ làm gì?

Bạn có dám “vặn” ông ta cho ra nhẽ không, hay chỉ đành cam chịu rút lui, dẫu có sốt ruột tới đâu? Bác sĩ có quyền không trả lời câu hỏi của bệnh nhân (dẫu thực ra bệnh nhân là khách hàng, là “thượng đế” xét ở khía cạnh thị trường) dường như đã là điều tất nhiên ở Việt Nam.

Và bác sĩ cũng có quyền bắt bệnh nhân phải im. “Bà nói nhiều quá, tôi hỏi gì thì bà chỉ được khai nấy!” là lời quát của một bác sĩ trẻ măng vào mặt bà cụ chắc đã hơn 70 tuổi mà có dịp tôi chứng kiến trong phòng khám của một bệnh viện công ở TP.HCM.

Bà cụ sợ hãi im bặt, hết dám “khai bệnh lan man”. Cậu con trai đi cùng ráng nuốt “cục nghẹn” trào lên tới họng, chìa tay lấy đơn thuốc ông bác sĩ đẩy ra trên bàn. Ông ấy nắm sinh mệnh, quyết định cho bà cụ uống thuốc gì nên có lẽ không ai dám chống đối!

Chuyện người



Người nhà cháu Lý Thị Thu bức xúc đưa thi thể cháu đến bệnh viện sau khi nhận được "rất nhiều sự im lặng" của bác sĩ  - Ảnh: Phạm Đức


Một lần đưa mẹ đi khám bệnh ở Singapore, tôi cũng chứng kiến cảnh mẹ tôi làm bác sĩ nổi giận. Bà cụ khám mắt nhưng bác sĩ yêu cầu phải khai hết các bệnh từ trước đến nay. Nhưng chỉ tiền sử bệnh án ở mắt đã mất cả nửa giờ đồng hồ vì bác sĩ hỏi quá nhiều. Rồi là một loạt xét nghiệm.

Quay lại bác sĩ ban đầu, bà cụ vô tình khai thêm có khối u trong trán. Bà bác sĩ trước đó rất dịu dàng lần này muốn “nhảy dựng” lên, đỏ mặt tía tai bảo mẹ tôi rằng: “Sao ngay từ đầu bác không khai điều đó, vì khối u có thể liên quan đến tình trạng mắt mờ của bác”. Lại rất nhiều câu hỏi, rất nhiều giải thích sau một loạt xét nghiệm mới.

Ở một bệnh viện công khác, cũng ở Singapore, bà cụ khám khớp. Ông bác sĩ với tay lấy mô hình khớp gối trên kệ sát bàn, giải thích khớp hoạt động ra sao, bà cụ đau là vì sao, loại thuốc ông sắp kê sẽ làm được gì, có thể có những phản ứng phụ ra sao…

Trước khi đưa mẹ sang Singapore, tôi được một anh bạn bác sĩ rất thân can ngăn hết cỡ, bảo rằng qua Singapore chỉ mua được nụ cười của bác sĩ thôi chứ chuyên môn chẳng hơn gì Việt Nam, tình trạng của mẹ tôi chả thay đổi được gì. Đúng là không thay đổi được gì thật!

Còn so sánh chuyên môn, tôi không dám bàn. Có điều sau khi tốn hơn 5.000 USD mua nụ cười kèm theo rất nhiều sự giải thích của bác sĩ, bà cụ vui vẻ quay về. 5.000 USD mua lấy sự an tâm cho một bà già dường như vẫn cứ hời!

Khập khễnh?

Hẳn nhiều người, nhất là những “người trong cuộc” sẽ thấy ngay sự khập khễnh khi so sánh quy trình khám bệnh ở nhưng nơi “có điều kiện” như Mỹ hay Singapore với ở Việt Nam.

Bệnh viện Việt Nam thường xuyên quá tải thì giờ đâu để giải với thích? Nhưng thật ra bác sĩ Việt Nam cũng có rất nhiều lúc “thưa khách”, hoặc khi điều trị nội trú, lắm lúc có dư thời gian, nhiều bác sĩ vẫn thích duy trì “quyền được im”. Và tình trạng bác sĩ cắt giờ công để làm việc riêng, chẳng hạn phòng mạch tư cũng đâu có ít!

Có lần, tôi vô tình đọc một đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ về lợi ích của máy in 3D trong y học. Các nhà khoa học nhấn mạnh việc máy in 3D có thể in ra những mô hình giống hệt như ở cơ thể từng bệnh nhân giúp bác sĩ có thể dựa vào mô hình này mà giải thích cho bệnh nhân hiểu rõ bệnh tình và cách chữa trị cho họ, thay vì nói chay như trước đây, bệnh nhân khó hiểu. Tất nhiên còn nhiều lợi ích khác, nhưng bao nhiêu đó cho thấy ở “xứ người ta”, việc giải thích cho bệnh nhân hiểu bệnh tình quan trọng tới đâu.

Xu thế thời đại



Một cái đồng hồ thông minh như thế này, với giá chừng 200 USD có thể giúp cập nhật 24/24 nhịp tim của người đeo và rất nhiều chỉ số y học khác của cơ thể - Ảnh: Popsugar


Đã qua lâu rồi cái thời chỉ có bác sĩ mới nắm các chỉ số y khoa của bệnh nhân. Thời nay, với sự ra đời của hàng loạt các thiết bị công nghệ kiêm y tế có thể mang theo người như đồng hồ thông minh, thiết bị đo nhịp tim, huyết áp, lượng calo tiêu thụ, lượng calo đốt cháy, đo đường huyết, các thiết bị xét nghiệm mini…, bệnh nhân sở hữu một khối lượng thông tin y khoa khổng lồ của cơ thể, có thể ghi nhận 24/24.

Một lần đo huyết áp vào một thời điểm ngẫu nhiên ở bệnh viện làm sao chính xác bằng số liệu thống kê 24/24 với các chỉ số trung bình, chỉ số cao nhất, thấp nhất… mà các thiết bị công nghệ thời nay có thể thống kê ra dễ dàng?
Không chỉ là giải thích để bệnh nhân hiểu, việc phối hợp thông tin với bệnh nhân giúp bác sĩ tìm ra phương cách chữa trị hiệu quả nhất.

Và những lời giải thích, sự phối hợp sẽ giúp giảm thiểu tình trạng bức xúc như vừa xảy ra ở Nghệ An, hay những hậu quả đau lòng mà chúng ta đang gặp phải hằng ngày, hằng tuần.

Tác giả bài viết: Kiều Oanh