Giới trẻ

10X đau đầu vì vẽ tranh đẹp nhưng 'chữ như gà bới'

Admin

Vẽ tranh đẹp, song viết chữ xấu đến mức khó đọc hiện là nỗi trăn trở không chỉ của Đức Huy mà còn của nhiều bạn trẻ Việt khác.

Nguyễn Đức Huy (15 tuổi, quê Bến Tre) mới đây thu hút nhiều sự quan tâm khi tiết lộ khả năng vẽ tranh tỷ lệ nghịch với viết chữ của mình trên mạng. Theo đó, Huy có thể tạo ra các bức chân dung đẹp mắt, có hồn, song lại luôn bị bạn bè chê cười, thầy cô phàn nàn vì "chữ như gà bới".

Nét vẽ và nét chữ 'không chung đường'

Đức Huy cho biết từ nhỏ, cậu đã thích vẽ tranh. Năm lên lớp 6, 10X tự tìm tòi và học vẽ trên mạng, do không có tiền mua dụng cụ chuyên nghiệp, tài liệu liên quan đến hội họa.

Mặc dù vậy, các tác phẩm của Huy vẫn được nhiều người đón nhận và yêu thích bởi sự sống động, tinh tế trong từng đường nét.

 Đức Huy có năng khiếu vẽ tranh, song không thể sửa được nét chữ khó đọc của mình. Ảnh: Huy Nguyễn.

Trái ngược với tài hội họa, Đức Huy chia sẻ với Zing.vn từ trước đến nay, cậu luôn bị cô giáo và cha mẹ phàn nàn vì chữ viết quá xấu. Hồi cấp một, cậu học Toán khá tốt, nhưng các môn liên quan đến viết lách như chính tả, tập làm văn... thường bị điểm kém do trình bày xấu.

10X ý thức được nét chữ của mình không đẹp, từng ngồi luyện viết cẩn thận để dễ nhìn, dễ đọc hơn. Tuy vậy, mọi thứ vẫn "không ăn thua". Chàng trai "chứng nào tật nấy", chữ viết càng lớn càng khó đọc. Với Đức Huy, đây là nỗi khổ tâm muốn khắc phục nhiều năm qua nhưng không được.

Trước đây, cậu cứ rảnh rỗi lại vẽ tranh, không mấy chú ý đến việc luyện chữ, kết quả là "bên trọng, bên khinh". Giờ Huy cảm thấy khá hối hận vì đã không chú tâm cho từng nét chữ.

Cùng tâm sự với Đức Huy, Nguyễn Tuấn Anh (19 tuổi, sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội) khá trăn trở bởi cậu vẽ đẹp, nhưng bài kiểm tra nào cũng bị điểm thấp vì thầy cô không đọc được chữ cậu viết. 9X thường xuyên bị cha mẹ ý kiến về điều này.

Tuấn Anh bảo cậu ngồi vẽ cả 4 tiếng đồng hồ không thấy mỏi tay, song ngồi gò nét 2-3 dòng là chán và bắt đầu viết nguệch ngoạc.

Minh Tú (21 tuổi, Hải Dương) quan niệm thường những người vẽ đẹp thì chữ viết rất xấu, trừ trường hợp chữ hoa, chữ cỡ lớn và cần trang trí kiểu cách. Bên cạnh đó, Tú không quên đưa ra lời khuyên những người chữ xấu nên tập viết cho dễ nhìn hơn bởi nó rất quan trọng.

Không đồng ý với nhận định của Minh Tú, Vân Anh cho hay những người vẽ đẹp chưa chắc viết chữ đã xấu. Theo cô, hội họa là tài năng, nhưng muốn chữ đẹp phải kiên trì, rèn giũa. Cô tin rằng nếu cố gắng, chúng ta có thể làm được.

"Dù không viết đẹp như giấy khen thì chí ít cũng phải để người khác đọc được chữ của mình, biết thông điệp mình muốn truyền tải là gì. Chứ cứ nguệch ngoạc, chữ nào cũng như chữ ký thì làm sao người khác hiểu được mình muốn nói gì", Vân Anh bày tỏ.

 Cô học trò viết chữ đẹp, đồng thời có năng khiếu vẽ tranh. Ảnh: Nguyễn Linh. Chữ xấu - câu chuyện muôn thủa của học sinh

Trước đây, không ít câu chuyện học sinh viết xấu đến mức không thể đọc được từng gây tranh cãi xung quanh vấn đề giới trẻ ngày nay không mặn mà với việc luyện chữ.

Đầu năm nay, một bài kiểm tra văn được lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội không phải vì nội dung kém mà bởi "chữ như gà bới".

Bài kiểm tra được cho là của học sinh lớp 8, do tài khoản D Ta Ki đăng lên Facebook. Theo đó, bài viết này được chấm 4 điểm cùng lời phê: "Chữ viết cẩu thả".

Hay những phàn nàn của một số giảng viên (đặc biệt là giảng viên môn xã hội) về việc chấm bài thi như cuộc đánh đố, bởi không thể nào nhìn ra chữ gì.

"Sinh viên thời nay nhiều em viết chữ xấu đến mức hơn cả khái niệm 'chữ bác sĩ' mà người ta hay dùng. Một số bài thi nhìn vào như rừng chữ ký thay cho chữ viết", một nữ giảng viên kể.

 Bức ảnh chụp bài văn viết chữ xấu gây tranh cãi trên mạng. Ảnh: D Ta Ki.

Thời đại công nghệ thông tin phát triển, việc soạn thảo văn bản trở nên phổ biến, do đó chuyện tự tay viết ngày càng ít hơn. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến chữ của học sinh không đẹp.

Nhiều người cho rằng học sinh viết chữ quá xấu trách nhiệm thuộc về thầy cô, phụ huynh và phần lớn do tính cẩu thả của một bộ phận học trò hiện nay.

Cô Lại Thị Bích Loan - giáo viên một trường tiểu học ở TP.HCM - cho rằng viết chữ xấu trước hết ảnh hưởng đến kết quả của học sinh trong các kỳ thi cuối cấp, thi tốt nghiệp. Các thầy cô khi chấm bài sẵn sàng cho điểm thấp cũng chỉ vì "chữ không ra chữ", rất khó đọc.

Theo nữ giáo viên, chuyện vẽ đẹp chữ sẽ xấu hoàn toàn không có cơ sở. Rất nhiều học trò của cô sở hữu khả năng hội họa mà chữ viết vẫn khá ổn. Bởi vậy, học trò không thể viện cớ này để lý giải cho nét chữ khó nhìn của mình.

Cô Bích Loan chỉ ra rằng rèn chữ không chỉ là rèn sự kiên trì, cẩn thận mà trên hết còn rèn tính kỷ luật và văn hóa viết ở mỗi học sinh. Hậu quả của việc chữ viết xấu là rất lớn.

Đối với giáo viên, chấm bài sẽ là "cực hình" vì những bài không thể đọc nổi, đành cho điểm kiểu xong trách nhiệm. Đã đến lúc ngành giáo dục phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về hiện tượng chữ xấu và viết sai chính tả hiện nay của học sinh.