Kinh tế

12 dự án 'đắp chiếu': Nặng nợ 58 ngàn tỷ, ôm lỗ 18 ngàn tỷ

Admin

Sau hơn một năm triển khai thực hiện xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, Bộ Công Thương cho hay đến nay, hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp đã có chuyển biến. Tuy nhiên, tổng nợ và tổng lỗ vẫn đang tăng lên từng ngày do nhiều dự án đắp chiếu không trả được nợ.

Có chuyển biến, nhưng nợ và lỗ vẫn tăng

Cập nhật tình hình tài chính của 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, Bộ Công Thương cho biết: Tính đến hết năm 2017, tổng số vốn chủ sở hữu của 12 dự án còn lại là âm 33,41 tỷ đồng (giảm hơn 4.000 tỷ đồng so với cùng kỳ 2016). Tổng tài sản của 12 nhà máy là hơn 58 nghìn tỷ đồng (tăng 366 tỷ đồng so với cùng kỳ 2016).

Đáng chú ý, tổng nợ phải trả đã lên đến hơn là 58,5 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 3,4 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ 2016).

Tổng số lỗ luỹ kế của 10 dự án đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất là 18,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2016.

 Dự án ethanol Dung Quất - Quảng Ngãi đắp chiếu nhiều năm. Ảnh: L.Bằng

Một điều được Bộ Công Thương ghi nhận là Dự án Gang thép Việt Trung (VTM) ở Lào Cai và Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng đã cắt giảm được lỗ lũy kế từ kết quả của việc tăng cường công tác quản trị, tiết giảm chi phí và giải quyết cơ bản các tồn tại, vướng mắc để ổn định sản xuất kinh doanh, với mức giảm lỗ lũy kế tương ứng đối với hai dự án là 312 tỷ đồng và 5,31 tỷ đồng so với năm 2016.

Liên quan đến dư nợ tín dụng tại các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, Bộ Công Thương cho hay: Với những chuyển biến tốt trong tình hình sản xuất kinh doanh, dư nợ cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư có xu hướng giảm đối với dư nợ tín dụng trung, dài hạn và dư nợ tín dụng ngắn hạn. Tính đến hết tháng 1/2018, tổng số dư cấp tín dụng là 20,8 nghìn tỷ đồng, giảm 193 tỷ đồng so với thời điểm tháng 2/2017.

Đáng lưu ý, một số dự án có dư nợ cấp tín dụng giảm như Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai (-466 tỷ đồng); Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình (-139 tỷ đồng) và Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai (-117 tỷ đồng).

Mặc dù vậy, Bộ Công Thương thừa nhận, dư nợ cấp tín dụng như trên vẫn là ở mức cao. Dư nợ tín dụng lớn nhất tại Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ là 4.541 tỷ đồng (tăng 41 tỷ đồng so với thời điểm tháng 2/2017); tiếp đến là Dự án nhà máy gang thép Lào Cai và khai thác mỏ sắt Quý Xa hơn 4.200 tỷ đồng; Dự án nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc là 3.785 tỷ đồng (tăng 22 tỷ đồng so với tháng 2/2017 do các ngân hàng cho vay vốn ngắn hạn tăng thêm 13 tỷ đồng và vốn trung, dài hạn tăng 9 tỷ đồng).

Đối với các khoản nợ tại Ngân hàng phát triển Việt Nam, nợ phải trả đối với VDB chỉ giảm được 6,73 tỷ đồng so với năm 2016, vẫn còn lại hơn 10,6 nghìn tỷ đồng.

 Các dự án kém hiệu quả làm tăng gánh nặng nợ công. Ảnh: L.Bằng

Nhiều dự án bị liệt vào nhóm nợ có khả năng mất vốn

Theo Bộ Công Thương, đến nay, tất cả các dự án, doanh nghiệp đều đã được các ngân hàng và tổ chức tín dụng tái cơ cấu thời gian trả nợ, điều chỉnh số tiền trả nợ mỗi kỳ và điều chỉnh lãi suất cấp tín dụng đối với các khoản vay, cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Đối với các khoản vay tại các ngân hàng thương mại của các dự án, doanh nghiệp đều được phân vào nhóm 1, ngoại trừ Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 - Lào Cai thuộc nhóm 4.

Riêng đối với 6 dự án có vay vốn của VDB thì có 4 dự án bị phân vào nhóm 5 là nợ xấu có khả năng mất vốn, bao gồm: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất. Còn Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình được xếp vào nhóm 1 là nợ đủ tiêu chuẩn và Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng được xếp vào nhóm 2 là nợ cần chú ý.

Đánh giá chung, Bộ Công Thương cho biết: Sau hơn 1 năm triển khai xử lý, tình hình tài chính tại các dự án, doanh nghiệp bước đầu đã có cải thiện, trong đó nổi bật là 2 dự án đã có lãi và giảm được lỗ lũy kế là Dự án VTM và Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP 1- Hải Phòng.

Mặc dù vậy, Bộ Công Thương cảnh báo, các dự án, doanh nghiệp còn lại vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để trả nợ và dự kiến sẽ tiếp tục phát sinh nợ quá hạn (gốc và lãi) đối với các khoản vay của Ngân hàng Phát triển, các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng.