Tin địa phương

12 dự án thua lỗ ngành Công thương: Có dự án thứ 3 thoát khỏi danh sách “đen”?

Admin

Sau 2 dự án 2 năm liền có lãi và đủ điều kiện để thoát khỏi danh sách “đen” các dự án thua lỗ, đã có một số chỉ dấu cho thấy tiếp tục có thêm những dự án có thể thoát thế “ngõ cụt” nhờ sự can thiệp kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước và nhà băng.

 18 ngân hàng thương mại và công ty tài chính đồng ý “rót” vốn cho 12 dự án thua lỗ, trong đó có Dự án xơ sợi Đình Vũ

Cơ cấu, điều chỉnh lãi suất cho vay

Báo cáo mới nhất về tiến độ giải quyết 12 dự án thua lỗ ngành Công thương cho thấy, năm 2018, Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 Hải Phòng đã có lãi năm thứ 2 với 195,55 tỷ đồng (tăng 180 tỷ đồng so với năm 2017). Trong 2 tháng đầu năm nay, nhà máy này tiếp tục đạt lợi nhuận khoảng 12 tỷ đồng. Nhà máy Thép Việt Trung lãi 469 tỷ đồng (tăng 159 tỷ đồng so với năm 2017). Đây là 2 dự án được đề xuất đưa ra khỏi danh mục 12 dự án thua lỗ của ngành này do đã đáp ứng đủ các tiêu chí mà Bộ Công Thương đã đặt ra.

Ngoài ra, 3 dự án khác đều giảm lỗ so với năm 2017 như Nhà máy đạm Hà Bắc, Nhà máy DAP số 1 Lào Cai, Nhà máy đạm Ninh Bình - giảm lỗ lần lượt là 266,2 tỷ đồng; 288,48 tỷ đồng và 10 tỷ đồng. Số liệu 2 tháng đầu năm 2019, các nhà máy trên tiếp tục giảm lỗ khoảng 30,68 tỷ đồng; 10,135 tỷ đồng và 44,568 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số 3 dự án bị dừng sản xuất kinh doanh, đã có 2 dự án vận hành sản xuất trở lại. Cụ thể, Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã tăng vận hành từ 3 dây chuyền (vào tháng 4/2018) lên 10 dây chuyền (vào tháng 1/2019) và bước đầu đã có lợi nhuận. Hiện, nhà máy này đã hợp tác cùng Tập đoàn An Phát xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm và thương thảo hợp đồng hợp tác với mục tiêu sẽ khởi động lại toàn bộ nhà máy trong năm 2019. Liệu đây có phải tín hiệu cho thấy xơ sợi Đình Vũ có thể là dự án thứ 3 thoát khỏi danh mục thua lỗ?

Được biết, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng xem xét các biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các dự án; đồng thời xem xét cho vay theo đúng quy định pháp luật và nguyên tắc thị trường để đảm bảo đủ vốn phục vụ sản xuất kinh doanh trên phương án khả thi.

Tính đến nay, 4 dự án phân bón của Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã được giãn khấu hao từ năm 2017 - 2019, ước tính mỗi năm tùy theo công suất thực hiện, các công ty có thể giảm áp lực về tài chính từ 180 - 310 tỷ đồng/năm. Các dự án này cùng với Dự án Nhà máy sơ sợi polyeste Đình Vũ đều đã được cơ cấu lại và điều chỉnh lãi suất cho vay. Theo thống kê, đến 31/10/2018, đã có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng thực hiện 12 dự án với tổng số dư khoảng 20.499 tỷ đồng, trong đó 84% số vốn vay trung hạn.

Đường đi thoát thể “ngõ cụt”

Trong số 12 dự án thua lỗ, có những dự án không thể khởi động trở lại. Có thể kể đến Dự án Nhà máy NLSH Phú Thọ. Hiện, dự án này đã được chuyển cơ quan công an điều tra sai phạm trong quá trình thực hiện đầu tư dự án. Đại diện phần vốn nhà nước tại dự án này cũng đề nghị tiến hành thủ tục phá sản.

 

Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam (Tổng công ty Giấy Việt Nam) cũng đã được xác định ngay từ đầu phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho. Tuy nhiên, dự án này đã 2 lần tổ chức bán đấu giá nhưng không thành công do giá thẩm định cao và hiện chưa có cơ sở pháp lý trong việc điều chỉnh giá khởi điểm để tiếp tục triển khai đấu giá phù hợp với quy định hiện hành.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, hiện Tổng công ty Giấy Việt Nam đã phối hợp cùng với đơn vị tư vấn để định giá lại dự án và đang hoàn thiện các thủ tục để Bộ Công Thương phê duyệt kết quả và có thể tiếp tục tiến hành các thủ tục bán đấu giá thứ 3 (dự kiến quý II/2019).

7 dự án khác không thể chủ động giải quyết do có vướng mắc tranh chấp với hợp đồng tổng thầu EPC, một số dự án phải đưa ra trọng tài quốc tế giải quyết. Trong đó, 3 dự án sản xuất phân bón của Vinachem (ở Lào Cai, Hà Bắc, Ninh Bình) đã sẵn sàng phương án giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài quốc tế; 4 dự án còn lại (Nhà máy NLSH Quảng Ngãi, Nhà máy NLSH Phú Thọ, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất và Dự án mở rộng giai đoạn 2 Công ty Giang thép Thái Nguyên) vẫn chưa thống nhất được với nhà thầu phương án giải quyết tranh chấp.

Cụ thể, Dự án mở rộng giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết với tổng thầu EPC nên dự án vẫn đang xây dựng dở dang và tạm dừng thi công. Thứ trưởng Khánh cũng cho biết thêm, Bộ Công Thương đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ phương án thoái vốn nhà nước ra khỏi Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), thay cho phương án thoái vốn của VNSteel khỏi Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Ông Khánh giải thích, phương án này vừa đảm bảo mục tiêu của đề án (giảm tối đa sự liên quan của nhà nước tại TISCO), vừa đảm bảo mục tiêu lộ trình thoái vốn của nhà nước ra khỏi dự án. Theo vị này, với phương án trên, TISCO sẽ có cơ sở pháp lý để toàn quyền quyết định tái khởi động dự án, đưa vào vận hành sản xuất để tạo nguồn trả nợ ngân hàng.