Tin địa phương

17 cán bộ bị “đẩy ra đường”, Sở Nội vụ Hải Phòng có vô can?

Admin

Làm việc tại BQL Dự án nâng cấp đô thị Hải Phòng hơn 10 năm, được ký hợp đồng và hưởng quyền lợi quy định nhưng cán bộ vẫn không được Sở Nội vụ công nhận là viên chức. Sự việc bị vỡ lở khi BQL Dự án này hoàn thiện thủ tục giải thể, người lao động không được chi trả quyền lợi theo đúng pháp lệnh cán bộ, công chức đã ký.

 Người lao động trình bày sự việc với PV. Ảnh: M.Lý

Giải thể, mất việc

Theo đơn phản ánh của tập thể cán bộ, nhân viên BQL dự án nâng cấp đô thị Hải Phòng, ngày 1/5/2019, BQL dự án này giải thể; cùng với đó, mọi lao động tại đây bị chấm dứt, không được hưởng bồi thường theo chế độ tinh giản biên chế khi bị mất việc làm. Điều đáng nói, sau rất nhiều năm cống hiến cho BQL dự án, hầu hết nhóm cán bộ này đều ở độ tuổi ngoài 40 nên việc chuyển đổi ngành nghề hay tìm kiếm việc làm thích hợp không dễ dàng. Trong khi đó, vì tinh giản và mất việc, nhà nước không chút hỗ trợ gì cho họ đã đẩy người lao động phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt đối với các cán bộ viên chức là chị em phụ nữ.

Chị Vũ Thị Thúy - cán bộ phòng hành chính BQL dự án chia sẻ: “Sở Nội vụ Hải Phòng cho rằng chúng tôi chưa đủ cơ sở xác định là viên chức, không được hưởng bồi thường theo chế độ tinh giản biên chế khi bị mất việc làm là không đúng. Về lý, cán bộ BQL dự án trực thuộc UBND thành phố thì chúng tôi đều hiểu rằng mình đã là viên chức. Việc chúng tôi “chưa đủ cơ sở” để được xác định là viên chức, bây giờ chúng tôi mới biết”.

Chị Đào Mai Trang - nhân viên BQL dự án bày tỏ: “Chúng tôi sẵn sàng tuân thủ chủ trương chính sách của nhà nước về việc tinh giản biên chế. Nhưng ngược lại, thành phố cũng cần có phương án giải quyết thấu tình đạt lý, đảm bảo tính công bằng và tính nhân văn để những người lao động như chúng tôi không bị thiệt thòi. Chúng tôi rất cần có chế độ hỗ trợ thỏa đáng cho các lao động bị mất việc làm để người lao động có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm phù hợp trong tình hình khó khăn hiện nay”.

Đơn phản ánh của tập thể cán bộ, nhân viên BQL dự án nâng cấp đô thị Hải Phòng viết: “Chúng tôi được tuyển dụng vào BQL dự án, ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, được Sở nội vụ công nhận là viên chức và xếp lương cho chúng tôi. Bây giờ thành phố giải thể BQL dự án, chúng tôi mất việc làm, Sở Nội vụ không công nhận chúng tôi là viên chức. Hơn 10 năm công tác vất vả với mức lương thấp, bây giờ BQL dự án giải thể, chúng tôi phải ra đi tay trắng, không được hưởng bất cứ quyền lợi gì. Đề nghị UBND TP Hải Phòng bồi thường cho chúng tôi theo chế độ tinh giản biên chế, hoặc sắp xếp chỗ làm mới để chúng tôi sớm ổn định cuộc sống và đỡ thiệt thòi”.

“Chết oan” dù lỗi không thuộc về mình

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Lương Cao Huấn - Giám đốc BQL dự án nâng cấp đô thị Hải Phòng cho biết: “BQL dự án được thành lập từ năm 2003 để phục vụ cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu dân cư thu nhập thấp trong thành phố. Thời điểm đó, thành phố giao cho BQL dự án 30 biên chế, do ông Phạm Vũ Câu làm Giám đốc. Năm 2006, tôi làm Giám đốc BQL dự án và có ký tiếp, ký lại hợp đồng lao động không xác định thời hạn với 17 lao động trên. Đến năm 2014, BQL dự án đã hoàn thành đúng kế hoạch và nhiệm vụ mà thành phố giao. Cũng từ đây, BQL dự án bị xếp vào diện xem xét sát nhập hay giải thể”.

Việc 17 lao động của BQL dự án không được Sở Nội vụ xác định là viên chức và không được hưởng quyền lợi như viên chức, ông Huấn giãi bày: “Để có quyết định công nhận là viên chức, người lao động phải được tuyển dụng theo đúng quy trình mà nhà nước quy định. Tuy nhiên, trong sự việc này, để số lao động trên chưa hoàn tất thủ tục thành viên chức, Sở Nội vụ cũng phải chịu một phần trách nhiệm do không có văn bản nào hướng dẫn BQL dự án trong việc tuyển dụng viên chức. Sở Nội vụ chỉ có hướng dẫn miệng với cô Hà (Phòng Tổ chức hành chính) nhưng cô Hà không làm đúng như vậy. Thiết nghĩ, vì quyền lợi của người lao động, thành phố nên cân nhắc xem xét xử lý sao cho hài hòa, hợp lý”.

Trao đổi với Báo Gia đình & Xã hội, ông Đào Văn Phụng - Trưởng phòng Công chức, viên chức (Sở Nội vụ Hải Phòng) cho rằng, theo quy định của Bộ Nội vụ, từ năm 2004, tất cả các trường hợp nếu xác định là viên chức phải thông qua tuyển dụng, trừ các trường hợp đang công tác tại doanh nghiệp nhà nước trước năm 1993. Kiểm tra hồ sơ 17 trường hợp lao động tại BQL dự án nâng cấp đô thị Hải Phòng thì đều không được thi tuyển, xét tuyển. Nếu được tuyển dụng là viên chức, người lao động sẽ được ký hợp đồng làm việc.

Khi PV đặt câu hỏi đối với các trường hợp làm việc tại cơ quan nhà nước (cụ thể là lao động tại BQL dự án nâng cấp đô thị Hải Phòng) từ trước năm 2004 như trường hợp chị Vũ Thị Thúy - Phòng Hành chính BQL dự án vì sao không được công nhận là viên chức, ông Phụng trả lời: “Những người làm trong doanh nghiệp nhà nước từ năm 1993 đến năm 2003 vẫn phải có hồ sơ xét tuyển vào viên chức”.

Về việc vì sao khi thành phố giao biên chế cho BQL dự án và Giám đốc BQL dự án quyền tuyển dụng lao động mà Sở Nội vụ không có văn bản hướng dẫn đôn đốc đơn vị hoàn tất thủ tục tuyển dụng viên chức đúng quy định, ông Ngô Xuân Thủy - Phó Trưởng phòng Tổ chức biên chế và tổ chức phi chính phủ (Sở Nội vụ Hải Phòng) khẳng định, Sở có gửi văn bản hướng dẫn BQL dự án. Tuy nhiên, khi PV đề nghị cung cấp văn bản này thì Sở lại không có (?).

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thu – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hải Phòng cam kết: “Sẽ họp bàn với ban lãnh đạo Sở và bộ phận tham mưu, yêu cầu rà soát lại 17 trường hợp lao động tại BQL dự án trên nhằm tối ưu quyền lợi của người lao động theo quy định pháp luật”.