Xã hội

28.000 tấn mía mắc kẹt chờ “giải cứu”

Admin

Nông dân vùng mía ở huyện Tây Sơn (Bình Định) thấp thỏm “ngồi trên đống lửa” vì 28.000 tấn mía đang đến độ thu hoạch nhưng vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định.

 Mía ứ đọng trước nhà máy Công ty CP Đường Bình Định - Ảnh: Dân Việt

Ngay khi Công ty CP Đường Bình Định (BISUCO) bị chính quyền tỉnh Bình Định yêu cầu tạm dừng hoạt động để khắc phục sự cố môi trường, người trồng mía nơi đây cũng lâm cảnh lao đao, mía mắc kẹt trên đồng của nông dân không tìm được nơi tiêu thụ.

Mấy năm trước, BISUCO có chính sách hỗ trợ đầu tư, thu mua mía đến các hộ dân nhưng những ngày gần đây, người nông dân lại đang lâm vào cảnh, một bên thì lo tìm nơi tiêu thụ, một bên thì lo mía dần chết khô trên cánh đồng.

Trước bối cảnh này, ông Đỗ Văn Sỹ - Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn (Bình Định) đã ký văn bản gửi Nhà máy Đường An Khê - Gia Lai (thuộc công ty đường Quảng Ngãi), kêu gọi doanh nghiệp này thu mua 28.000 tấn mía còn mắc kẹt trên đồng của nông dân.


Thời gian "giải cứu" mía được đề nghị từ ngày 4/4 đến ngày 30/4.

Ngay sau khi nhận được văn bản, Nhà máy đường An Khê cho biết sẽ cam kết nhà máy sẽ mua hết sản lượng mía vụ ép 2017-2018, đảm bảo tái sinh gốc kịp thời vụ. Lượng mía thu mua, dự kiến khoảng 500 tấn/ ngày. So với đề nghị của Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, “chiến dịch 'giải cứu" mía kéo dài đến ngày 20/5 mới có thể kết thúc.

Theo đó, nhà máy đang mua và hỗ trợ tiền vận chuyển 200.000 đồng/tấn với giá 800.000 đồng/tấn (10 chữ đường), 720.000 đồng/tấn (9 chữ đường) và 640.000 đồng/tấn (8 chữ đường).
Hiện tại, nhà máy đã thu mua 6.000 tấn mía của người dân và trả tiền ngay trên cánh đồng.

Song song với việc thu mua, nhà máy cũng đề nghị tỉnh Bình Định chỉ đạo các địa phương vùng mía tuyên truyền đến người trồng mía phối hợp với nhà máy để biết chính sách đầu tư, mua mía.Đảm bảo mía thu về nhà máy đạt chất lượng chín, tươi, sạch.

Trước đó, như Lao Động đã đưa tin, Nhà máy Đường Bình Định bị buộc tạm dừng sản xuất từ ngày 22/3 do không chấp hành triệt để việc khắc phục sai phạm gây ô nhiễm môi trường theo yêu cầu của Sở Tài nguyên – Môi trường Bình Định. Gần đây nhất, bất chấp chỉ đạo cứng rắn của tỉnh, BISUCO vẫn lặng lẽ thu mua mía đồng thời gửi văn bản xin kéo dài hoạt động đến hết niên vụ 2017 – 2018. Ngày 4/4, UBND tỉnh Bình Định ra công văn 1652/UBND-KT, tạm đình chỉ cơ sở sản xuất cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ khắc phục các lỗ hổng về môi trường.