Giáo dục

29,5 điểm vẫn trượt đại học: Nên đổi mới tuyển sinh

Admin

Việc có tới 165 thí sinh đạt 27 điểm thực (tổng cộng 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên) trở lên, trong đó 3 em trên 28 điểm nhưng không trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển nào đã khiến dư luận băn khoăn.

Sau khi Bộ Công an lên tiếng về 58 trường hợp thí sinh đạt đến 29,5 điểm vẫn trượt đại học (ĐH), nhiều người ngỡ ngàng vì do điểm thi quá cao mà điểm học bạ thì không đạt.

Nghịch lý này đã khiến nhiều chuyên gia tuyển sinh đặt vấn đề: Có phải đề thi quá dễ đến nỗi không phân loại được thí sinh trung bình, khá, giỏi hay vẫn còn có tình trạng ở một số nơi coi thi chưa thực chất? Theo các chuyên gia, muốn khắc phục tình trạng này, các trường phải đổi mới tuyển sinh để tuyển được thí sinh thực chất nhất, phù hợp nhất.

 29,5 điểm vẫn trượt đại học: Nên đổi mới tuyển sinh (ảnh minh họa). Ảnh: NLĐO

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho rằng trước mắt, trong kỳ tuyển sinh tới, nếu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, các trường nên có "bộ lọc", tức là xét cả điểm học bạ lớp 10, 11, 12 của thí sinh. Ông Vinh cũng nêu một phương án khác để các trường chọn sinh viên phù hợp là tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực như của 2 ĐHQG hay bài kiểm tra tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Với kỳ thi này, có thể xét tuyển chung theo nhóm trường nhiều, đồng nghĩa với việc nhiều trường ĐH có thể dùng chung kết quả để xét tuyển; không nên để các trường tuyển sinh kiểu "trăm hoa đua nở", trường nào cũng tổ chức thi tuyển sinh.

TS Lê Viết Khuyến - Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam - cho rằng đã đến lúc các trường ĐH giảm dần sự phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xây dựng phương án tuyển sinh ĐH phù hợp mục đích và chuẩn chất lượng của mình. Các trường ĐH có thể liên kết thành từng nhóm tổ chức kỳ thi phù hợp với yêu cầu ngành nghề đào tạo.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay giai đoạn 2022-2025, phương thức tuyển sinh cơ bản giữ ổn định như năm 2021 nhưng có một số cải tiến về mặt kỹ thuật. Các trường thi riêng, thi đánh giá năng lực sẽ tổ chức gọn nhẹ 1-2 môn hoặc thi năng khiếu hay kết hợp với kết quả thi THPT… Bộ GD-ĐT khuyến khích thi theo nhóm trường, gọn nhẹ trong một buổi, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Đồng thời, tiến tới hình thành các tổ chức, trung tâm khảo thí độc lập với ngân hàng đề thi chuẩn hóa, thi trên máy tính, bảo đảm minh bạch, công bằng giữa các lần thi… và có thể thi nhiều lần trong năm.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khuyến khích 2 ĐHQG và các ĐH vùng bắt tay ngay vào việc xây dựng, củng cố hệ thống các trung tâm khảo thí, tạo tiền đề cơ sở vật chất cho các chủ trương đổi mới thi trong thời gian sắp tới.

Tác giả: Yến Anh

Nguồn tin: Báo Người Lao động