Kinh tế

5 năm sau thời Trịnh Xuân Thanh: Cổ phiếu xuống đáy, PVC “ôm” lỗ hơn 3.200 tỷ đồng

Admin

5 năm, khoảng thời gian bằng 1 nhiệm kỳ lãnh đạo, PVC vẫn loay hoay với những hệ luỵ để lại từ thời kỳ trước. Lỗ luỹ kế đến cuối năm 2017 đã là 3.253,4 tỷ đồng, cổ phiếu về mức đáy lịch sử, chỉ còn 1.500 đồng.

Sau khi thua lỗ nặng nề, lãnh đạo "lờ" kế hoạch lợi nhuận năm 2018

Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC – mã chứng khoán PVX) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2018. Theo đó, dự kiến trong phiên họp tới, lãnh đạo PVC sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018.

 PVC đã báo lãi trong quý I/2018 song lại nhờ vào tiết giảm chi phí trong khi doanh thu vẫn thụt lùi

Cụ thể, PVC lên kế hoạch đạt 3.800 tỷ đồng tổng doanh thu, giảm gần 100 tỷ đồng so với thực hiện năm 2017, song lại hoàn toàn để ngỏ kế hoạch lợi nhuận. Trong năm 2017, PVC đã lỗ tới 416,3 tỷ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ 365,9 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế của công ty mẹ đến 31/12/2017 là 3.253,4 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo PVC, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án hiện nay đem lại sản lượng- doanh thu chủ yếu của tổng công ty này. Tuy nhiên, việc thời gian ký kết phụ lục điều chỉnh hợp đồng EPC kéo dài trong nửa đầu năm 2017 đã dẫn đến cơ cấu giá và mốc thanh toán trong hợp đồng đã ký chưa phù hợp với thực tế triển khai thi công.

Trong khi đó, các hạng mục lắp đặt thiết bị đã hoàn thành không có nguồn để nghiệm thu, thanh toán. Khó khăn về nguồn vốn và giá trị sản lượng dở dang lớn dẫn đến thiếu nguồn lực, việc triển khai thi công trên công trường chỉ duy trì hoạt động ở mức độ cầm chừng, không đủ nguồn lực để triển khai thi công.

Bên cạnh đó, tiến độ thi công tại một số các công trình, dự án còn chậm so với kế hoạch do: công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng, công tác phê duyệt thay đổi thiết kế của chủ đầu tư còn chậm; khó khăn trong công tác thu xếp vốn. Công tác hoàn thành hồ sơ nghiệm thu, hồ sơ quyết toán tại các ban điều hành, đơn vị thi công còn chưa quyết liệt.

Một số dự án đã hoàn thành thi công, tuy nhiên công tác quyết toán kéo dài làm ảnh hưởng tới kế hoạch doanh thu, đồng thời phát sinh chi phí quản lý của PVC như dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Văn phòng Viện Dầu khí phía Nam- giai đoạn 1…

Cổ phiếu xuống đáy lịch sử

Lãnh đạo tổng công ty này thừa nhận, công tác tìm kiếm nguồn việc mới gặp rất nhiều khó khăn. Các hợp đồng ký mới được rất ít, giá trị nhỏ.

Trong khi công ty mẹ và các đơn vị chủ yếu thực hiện các công trình, dự án chuyển tiếp từ các năm trước, giá trị còn lại rất thấp thì khả năng tự tìm kiếm nguồn việc mới của các đơn vị lại yếu, chưa chủ động.

Trong năm 2017, hầu hết các công ty con của PVC có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ, chỉ có 3/9 đơn vị hoạt động có lãi.

Công tác thoái vốn góp đầu tư tài chính gặp nhiều vướng mắc. Nguyên nhân là bởi phần lớn các đơn vị nằm trong kế hoạch thoái vốn của PVC đều thua lỗ nên việc tìm kiếm các đối tác nhận chuyển nhượng có nhiều khó khăn hoặc các đối tác đưa ra mức giá nhận chuyển nhượng quá thấp. Ngoài ra những vướng mắc thủ tục pháp lý trong quá trình triển khai thực hiện cũng dẫn đến quá trình thoái vốn kéo dài…

Quý I vừa qua, PVC đã có lãi ròng 18,6 tỷ đồng, gấp hơn 18 lần so với cùng kỳ năm trước bất chấp tổng doanh thu chỉ đạt 615,6 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ. Kết quả này có được nhờ chi phí giá vốn giảm cũng như các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm.

Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu PVX hiện chỉ còn 1.500 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 11/6/2018) – mức thấp nhất kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết. Khối lượng giao dịch đạt 1,67 triệu cổ phiếu trong phiên.

PVX bị đưa vào diện kiểm soát từ tháng 4/2018 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2016, năm 2017 (có tính đến ảnh hưởng của ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán) tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017 của tổng công ty này là số âm.