Thu phí ôtô sử dụng sân, đường khi ra vào cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị tiếp tục thực hiện cơ chế không thu tiền sử dụng đất đối với đất để xây dựng đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không, đồng thời cho phép ACV thu phí dịch vụ đường dẫn ra vào cảng hàng không để bù đắp chi phí quản lý, duy tu, bảo dưỡng...
Thay đổi mức thu, không giảm phí
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lại Xuân Thanh - chủ tịch HĐQT ACV - cho biết doanh nghiệp đã xây dựng các phương án thu phí đường dẫn vào nhà ga nhưng vẫn đang chờ kết luận cuối cùng của Chính phủ.
Theo đó, sẽ tổ chức thu phí không dừng với 2 phương án được đưa ra, gồm phương án block time, miễn phí 10-15 phút đầu tiên và phương án giảm 30-50% phí ra vào các cảng, số tiền giảm này sẽ được tính vào phí phục vụ hành khách ở nhà ga mới.
Tuy nhiên, phương án block time yêu cầu phải gắn thêm barie để tính thời gian, vừa phát sinh chi phí vừa có nguy cơ gây ùn tắc, chưa kể một số xe sẽ lợi dụng thời gian miễn phí này để chạy lòng vòng càng khiến cho tình trạng ùn tắc trở nên nghiêm trọng hơn.
Do đó, theo ông Thanh, phương án giảm phí ra vào cảng và thu bù từ phí phục vụ hành khách ở nhà ga mới đang được cân nhắc.
Theo nhiều hành khách và đặc biệt là các công ty vận tải tại khu vực sân bay, việc giảm phí ra vào cảng nhưng lại nâng phí phục vụ chẳng khác nào "chiêu" hoán đổi thu để tìm cách lấy tiền của khách hàng.
Theo ông N.M.T. - giám đốc doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong sân bay, các phương án thu phí ôtô ra vào trong sân bay là bất hợp lý, dù có thay đổi phương thức thu nào đi nữa bởi đất trong sân bay được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, người dân đóng thuế đều có quyền được sử dụng.
"Ra vào sân bay đưa đón khách chỉ mất 3-5 phút nhưng bị thu phí trong khi đoạn đường chỉ 300-400m. Chưa kể, doanh nghiệp hoạt động trong sân bay thuê sân đỗ tùy theo loại xe nhưng mức phí thấp nhất cho loại xe 40.000 đồng/giờ, cộng thêm thu phí 15.000 đồng lượt là không hợp lý" - ông T. nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - cũng cho rằng rất khó chấp nhận phương án giảm phí vào đường dẫn sân bay và tăng phí phục vụ hành khách ở nhà ga, bởi cuối cùng hành khách cũng phải móc hầu bao.
"Phải công khai và tách bạch mức đầu tư đường dẫn và nhà ga để tính toán mức thu phí phù hợp, không để tù mù rồi muốn thu bao nhiêu cũng được" - ông Nguyễn Văn Thanh nói.
Ôtô trả phí khi ra vào cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Doanh nghiệp "hưởng thành quả lao động"?
Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc thu phí sử dụng dịch vụ đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không, Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng theo Luật đất đai 2014 và nghị định 46/CP năm 2014, đất xây dựng các hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng cảng hàng không, trong đó có đất đầu tư xây dựng đường giao thông nội cảng không thuộc đối tượng phải nộp tiền thuê đất.
Cũng theo Bộ Giao thông - Vận tải, Luật đất đai và các hướng dẫn thi hành cho phép người sử dụng đất (kể cả đất giao không thu tiền sử dụng đất) được phép "hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất".
Trong khi đó, ACV đang quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng và duy trì tiêu chuẩn khai thác... bằng chi phí của doanh nghiệp này đối với đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không, sân bay. Do đó, theo Bộ Giao thông - Vận tải, việc ACV tổ chức thu phí dịch vụ đường dẫn vào nhà ga nhằm bù đắp chi phí nêu trên là phù hợp, không phụ thuộc vào việc đất đó có thuộc loại có mục đích kinh doanh hay không.
Trên cơ sở này, Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị tiếp tục cho phép thực hiện cơ chế không thu tiền sử dụng đất để xây dựng đường dẫn vào cảng hàng không, đồng thời cho phép doanh nghiệp cảng hàng không tổ chức thu phí dịch vụ đường dẫn để bù đắp chi phí.
Ngoài ra, Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng dịch vụ đường dẫn vào nhà ga là dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không, không nằm trong danh mục dịch vụ phi hàng không thiết yếu nên doanh nghiệp cảng hàng không được quyền quyết định mức phí phù hợp.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu ACV nghiên cứu phương án không thu phí với những xe ra vào khu vực đón khách với thời gian nhất định tùy theo từng cảng hàng không.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông - Vận tải TP.HCM - cho rằng phương án không thu phí đối với xe ra vào cảng trong thời gian ngắn là hợp lý, chỉ thu phí với những xe đậu lâu.
"Nếu cho rằng việc miễn phí 10-15 phút đầu sẽ xảy ra tình trạng xe chạy ra vào liên tục với thời gian miễn phí sẽ gây ùn tắc, tôi cho rằng không có cơ sở bởi chẳng ai làm việc này vì chi phí xăng dầu" - ông Thư nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC, cũng cho rằng phương án thu phí theo block time rất thuận lợi và phù hợp với xu hướng.
Việc tính thời gian xe hoạt động trong sân bay cũng không khó khi cài đặt hệ thống và chỉ cần một tháng có thể cài đặt xong chương trình và triển khai thu phí.
"Việc thu phí theo phương án này về lâu dài sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông trong sân bay rất nhiều" - ông Hà khẳng định.
Gây thiệt hại cho hành khách Theo tìm hiểu của chúng tôi, tổng mức đầu tư đường dẫn vào nhà ga 21 cảng là 2.500 tỉ đồng. Để bù đắp chi phí đầu tư, ACV đã phân bổ khoảng 90% chi phí đầu tư vào phí phục vụ hành khách, khoảng 10% vào chi phí đầu tư còn lại được ACV thực hiện hoàn vốn từ nguồn thu phí đường dẫn vào nhà ga tại 21 cảng hàng không. Trong kết luận thanh tra đối với hoạt động của ACV, Thanh tra Chính phủ xác định doanh nghiệp này đã có nhiều vi phạm trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất cũng như thu dịch vụ phi hàng không. |