Ông Kim Yong-chol, Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: Reuters. |
Đội ngũ phóng viên Hàn Quốc tới Triều Tiên để đưa tin về buổi biểu diễn của các nghệ sĩ nước này ở Bình Nhưỡng hôm 2/4 bất ngờ nhận được lời xin lỗi từ một quan chức cấp cao Triều Tiên.
Ông Kim Yong-chol, Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên, đã đích thân tới khách sạn nơi các phóng viên Hàn Quốc lưu trú để xin lỗi về việc họ bị ngăn cản tiếp cận Đại Nhà hát Đông Bình Nhưỡng tối 1/4. Đây là địa điểm tổ chức buổi hòa nhạc do các nghệ sĩ Hàn Quốc biểu diễn mà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và vợ cũng tham dự.
"Chúng tôi đã mời quý vị và chúng tôi có nghĩa vụ đảm bảo việc đưa tin tự do", ông Kim Yong-chol nói. "Thay mặt chính quyền Triều Tiên, tôi xin lỗi và mong quý vị cảm thông với sai sót mắc phải".
Việc Triều Tiên công khai xin lỗi Hàn Quốc là điều vô cùng hiếm gặp, nhất là khi nó được đưa ra bởi Kim Yong-chol, một tướng quân đội có quan điểm cứng rắn, ngay cả với tiêu chuẩn của Triều Tiên.
Ông Kim Yong-chol bị Seoul cáo buộc là người phụ trách hoạt động gián điệp và chủ mưu trong các cuộc tấn công mạng nhằm vào Hàn Quốc. Ông cũng bị quy trách nhiệm trong vụ đánh chìm tàu chiến Hàn Quốc ở vùng biển Hoàng Hải năm 2010 khiến 46 thủy thủ thiệt mạng, dù Triều Tiên bác bỏ cáo buộc.
Thiện chí
Theo New York Times, lời xin lỗi cho thấy phần nào thiện chí của Triều Tiên nhằm xuống thang căng thẳng trên bán đảo, một nỗ lực mà ông Kim Jong-un bắt đầu khởi xướng từ hồi tháng hai khi đồng ý gửi vận động viên tới thi đấu tại Olympic Mùa đông ở Hàn Quốc.
Ông Kim Jong-un và vợ cùng theo dõi buổi hòa nhạc ở Bình Nhưỡng hôm 1/4. Ảnh: Reuters. |
"Ánh nắng có thể xuyên qua vết nứt nhỏ nhất. Đây có lẽ là cách giải thích tốt nhất cho lời xin lỗi rất hiếm hoi từ một quan chức cấp cao Triều Tiên ngay trước thời điểm diễn ra các cuộc đàm phán với Hàn Quốc và Mỹ về chương trình hạt nhân Triều Tiên", một bài bình luận trên tạp chí CSMornitor viết.
Theo tác giả, ở những quốc gia khác, việc làm này không phải điều quá bất thường. Tuy nhiên, Triều Tiên là đất nước mà giới lãnh đạo luôn được tôn sùng và ca ngợi như những người không bao giờ phạm sai lầm. Vậy nên, một lời xin lỗi, dù chỉ trước sự việc nhỏ bé, lại có sức truyền tải thông điệp lớn.
"Trong cuộc đàm phán khó khăn, các nhà thương thuyết luôn nghĩ vượt ra ngoài lợi ích của một quốc gia hay một nhóm người. Họ đặt giận dữ và thù hận sang một bên, xin lỗi để cho thấy thiện chí thỏa hiệp", bài báo viết.
Chuyên gia nhận định bằng cách đưa ra lời xin lỗi, Triều Tiên dường như muốn thể hiện một hình ảnh mềm mại và linh hoạt hơn, qua đó truyền tải thông điệp rằng họ sẵn sàng thay đổi.
Sau hơn hai thập kỷ thất bại trong nỗ lực thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, câu hỏi mà Mỹ và các đồng minh muốn biết hơn hết hiện tại là liệu Bình Nhưỡng có thực sự sẵn lòng ngồi vào bàn đàm phán hay có mục đích nào khác? Lời xin lỗi của Triều Tiên đã phần nào giúp Washington giải tỏa nghi vấn.
"Sức mạnh của lời xin lỗi có thể là liên kết còn thiếu trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên", bình luận viên của CSMornitor nhấn mạnh. "Lời xin lỗi giúp xóa tan cảm giác về một 'người ngoài cuộc'. Khi mỗi bên có thể tự đứng trước gương và xem mình cần thay đổi những gì, đó chính là biểu hiện của chiến thắng, là lời mời gọi hòa bình và kêu gọi hàn gắn vết thương".