Xã hội

Bà giáo già hơn 40 năm thờ cúng người chồng chưa cưới

Lợi Trần

Tình yêu giữa bà và người lính ấy chỉ đơn thuần là những cái nắm tay bẽn lẽn. Chưa chưa kịp khoác lên mình chiếc áo cưới thì chàng trai được lệnh lên đường nhập ngũ và rồi anh hi sinh. Nhận tin dữ, bà khóc trong tuyệt vọng. Mất một thời gian dài bà mới cân bằng được cuộc sống của mình. Từ đó, bà lập bàn thờ hương khói cho người lính đó như chồng của mình.

Cuộc đời truân chuyên của cô giáo tật nguyền

Căn nhà nhỏ, lụp xụp nằm ẩn mình dưới dốc Truông Thọ, sát quốc lộ 48B, thuộc xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, là nơi sinh sống của người phụ nữ đặc biệt, bà Phạm Hoàng Ngân (68 tuổi).

Bà Ngân được biết đến là một cô giáo có nhiều cống hiến cho nền giáo dục tỉnh Nghệ An. Sau những ngày tháng gõ đầu trẻ, nay cô giáo Ngân lui mình về sống trong căn nhà nhỏ với mối tình đẫm nước mắt của mình.

Từ lúc lọt lòng mẹ, cô bé Ngân đã bị dị tật khiến cho chân trái co quắp lại. Là con gái út trong gia đình nghèo có 9 người con. Kinh tế của cả nhà phụ thuộc vào mấy sào ruộng khoán và những buổi còng lưng đi làm thuê của bố mẹ. Dẫu vậy, cái nghèo, cái đói vẫn cứ đeo bám lấy gia đình Ngân. Đôi chân không thể đi lại nên chiếc giường nhỏ gần cửa sổ là nơi gắn bó với Ngân nhất. Ngày đó, mỗi sớm mai, thấy bạn bè cùng trang lứa í ới gọi nhau đi học khiến Ngân tủi thân đến phát khóc.

 
Cô giáo Ngân kể về chuyện tình của mình và anh lính đã hy sinh

Khát khao được đến trường cứ ám ảnh Ngân từng ngày. Thế nhưng, bản thân không thể đi lại nên việc đi học đối với cô bé này là điều không thể. Thế rồi, một người anh họ của Ngân biết hoàn cảnh của cô đã tìm về quê giúp đỡ. Người anh này đưa cô đi khám bệnh ở tuyến huyện rồi tuyến tỉnh, nhưng ở đâu người ta cũng lắc đầu từ chối vì chân của Ngân đã teo quá lâu.

Rồi một bác sỹ tư vấn: Với bệnh tình của Ngân thì chỉ có ra Hà Nội chạy chữa thì may ra mới đi cà nhắc được. Tia hi vọng lóe lên, khao khát được đi bằng đôi chân của mình lại thôi thúc Ngân. Về nhà, Ngân khẩn khoản xin bố mẹ để được ra Hà Nội chữa trị. Thương con, bố mẹ Ngân vay mượn chút tiền cho con đi tàu ra thủ đô tìm nơi chữa bệnh.

Được sự giúp đỡ của người anh họ, Ngân được chính giáo sư Tôn Thất Tùng trực tiếp phẫu thuật. Sau hơn 8 tháng điều trị, từ một người phải nằm một chỗ, Ngân đã có thể cà nhắc được. Trở về quê, Ngân tiếp tục thực hiện ước mơ đến trường trên đôi chân cà nhắc ấy.

Quãng đường 5km từ nhà đến trường thực sự là thử thách lớn đối với Ngân.

“Ngày đó, bố mẹ tôi đã mua cho tôi một chiếc xe đạp rồi ngày ngày nhờ các bạn trong xóm đến chở tôi đi học. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, mọi việc về sau dường như thuận lợi hơn. Dù học muộn nhưng tôi cũng nắm bắt bài khá nhanh và theo kịp các bạn trong lớp”, bà Ngân kể lại.

Năm 1965, Ngân tốt nghiệp tú tài và thi vào trường Trung cấp sư phạm Nam Đàn (Nghệ An). 3 năm sau, Ngân ra trường với tấm bằng loại khá. Mặc dù đôi chân đi lại khó khăn nhưng cô giáo trẻ vẫn xung phong lên xã Nghĩa Quang, huyện Nghĩa Đàn, công tác. Cũng chính từ đây một mối tình đặc biệt, sâu sắc và cảm động đã đến với cô giáo trẻ.

40 năm thờ chồng chưa cưới

Với cương vị là một cô giáo trẻ mới ra trường, Ngân luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động. Trong thời gian công tác ở đây, cô giáo Ngân đã gặp và đem lòng yêu mến chàng trai bộ đội gốc Ninh Bình có tên Nguyễn Thanh Tùng.

Người lính trẻ khâm phục nghị lực phi thường của người con gái nhỏ nhắn, còn cô giáo ấn tượng về chàng trai ăn nói nhẹ nhàng, biết quan tâm đến người khác. Tình yêu của họ đến với nhau rất tự nhiên, trong sáng.

Đôi trẻ đã mơ về một đám cưới ấm cúng thì năm 1972, người yêu được lệnh phải lên đường nhập ngũ. Trước khi đi, anh chỉ kịp gửi lại cho cô giáo trẻ phong thư và chiếc khăn với lời nhắn nhủ: “Em ở lại nhớ giữ gìn sức khỏe và công tác tốt, gắng đợi anh 3 năm nhé, nhất định anh sẽ về”.

 
Ngôi nhà nhỏ của cô giáo Phạm Hoàng Ngân nằm bên quốc lộ.

Những ngày tháng xa nhau lại là những ngày tháng hạnh phúc nhất khi họ luôn nhớ về nhau qua những món quà nhỏ và những lá thư được chuyển từ đồng đội. Thế rồi, 2 năm sau, cô giáo trẻ nhận tin dữ người mình yêu đã hy sinh tại chiến trường miền Nam.

“Cầm tờ báo tử trên tay, nước mắt tôi chảy dài, cay xè không nhìn thấy đường đi. Nhưng tôi vẫn nuôi hi vọng thông tin đó sai. Ngày hôm sau, tôi vội đạp xe lên Nghĩa Đàn nơi đơn vị anh đóng quân để kiểm tra lại, nhưng tất cả đều là sự thật”, cô Ngân nhớ lại.

Mặc dù chưa tổ chức đám cưới, chưa một lần chung sống với nhau nhưng cô giáo trẻ đã xem người lính đó là chồng của mình. Để minh chứng tình yêu của mình, cô đã xin bố mẹ cho mình được lập riêng một bàn thờ để thờ người yêu đã hy sinh. Hằng ngày lo hương khói cho người chồng đặc biệt.

Năm 1999, để thuận tiện cho việc dạy học, cô giáo Ngân đã gom góp hết tiền lương của mình mua một mảnh đất nằm trên trục đường (đường 537 lúc bấy giờ) hiện nay là quốc lộ 48B, với diện tích hơn 400m2 đã được UBND xã Quỳnh Lâm đo đạc, thu tiền đất ở lâu dài năm 2000. Trên mảnh đất đó, người cháu đã dựng cho căn nhà rộng chừng 8m2 làm nơi cho cô chui ra chui vào.

Gần 70 tuổi, cô Ngân đang sống trong căn nhà nhỏ bên quốc lộ của mình. Cuộc sống khó khăn nhưng hơn 40 năm qua, cô vẫn âm thầm sống với mối tình, với lời hứa “khắc cốt ghi tâm”. Lòng thủy chung, son sắt của cô được nhiều người cảm phục và yêu mến.

Trước khi chia tay chúng tôi, cô Ngân chia sẻ thêm: “Giờ tôi sống một thân một mình, có lẽ sắp tới tôi sẽ xin vào trung tâm dưỡng lão. Nhưng với tôi, dù ở đâu ông ấy cũng luôn ở trong tim của mình”.

Tác giả bài viết: Trịnh Nguyễn - C. Đức