Tin địa phương

Bài cuối: Đầu tư hệ thống thu gom nước thải

Admin

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm tại bãi biển du lịch, thành phố cần nhanh chóng đầu tư, thay thế hạ tầng hệ thống thu gom nước thải. Đây là giải pháp cấp bách nhằm giữ bãi biển sạch đẹp, góp phần phát triển du lịch biển bền vững.

Với lưu lượng khách sạn mọc lên dày đặc tại phía đông thành phố, cần phải nhanh chóng đầu tư hệ thống hạ tầng thu gom nước thải để biển Đà Nẵng không còn ô nhiễm như hiện nay. Ảnh: NGỌC PHÚ

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho hay, trên địa bàn thành phố và khu vực ven biển phía đông đang sử dụng hệ thống thoát nước nửa riêng (tức nước mưa, nước thải thoát chung, nước thải được tách riêng qua cấu trúc tách dòng (CSO) tại cửa xả, sau đó bơm về trạm xử lý đạt độ sạch theo yêu cầu cột A - QCVN 14: 2008/BTNMT trước khi xả ra môi trường).

Với hình thức này, về mùa khô, cơ bản nước thải được thu gom xử lý. Nhưng điểm yếu lớn nhất của hệ thống này là khi có mưa hoặc nước thải vượt ngưỡng tính toán thì hệ thống thu gom sẽ ngưng hoạt động hoặc hoạt động tối đa công suất nhưng không đáp ứng nhu cầu, dẫn đến nước thải hòa lẫn nước mưa, hoặc nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm.

Theo số liệu quy hoạch chung của thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, quy hoạch thoát nước của thành phố do tư vấn CDM (Mỹ) đang thực hiện và thực tế phát sinh trong vấn đề thu gom nước thải thời gian qua, nhu cầu xả thải của khu vực phía đông thành phố được dự báo rất lớn.

Với hình thức thoát nước nửa riêng nêu trên, về mùa mưa (khoảng 4 tháng), khu vực phía đông phải tiếp nhận tương đương lượng nước thải chưa qua xử lý 64.000m3/ngày, đêm. Thực tế, có thể nhu cầu xả thải còn cao hơn trong khi khả năng tự làm sạch của biển là giới hạn; việc tiếp nhận nước thải chưa qua xử lý này được lặp đi lặp lại trong nhiều năm nên khu vực biển phía đông bị ô nhiễm là điều không thể tránh khỏi.

Căn cứ thực trạng hệ thống thu gom nước thải thành phố Đà Nẵng và chủ trương của UBND thành phố về việc bảo vệ tuyệt đối môi trường biển để phát triển du lịch, phát triển kinh tế-xã hội thành phố, đồng thời để hạn chế tối đa mức độ ảnh hưởng đến môi trường biển phía đông, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, đối với lưu vực cửa xả Mỹ An, Mỹ Khê, phía bắc Phạm Văn Đồng và phía nam đường Hồ Xuân Hương, tất cả các công trình nhà ở riêng lẻ, cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, nước thải sinh hoạt phải được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại 3 ngăn trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước của thành phố.

Riêng các cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp phát sinh nước thải không phải là nước thải sinh hoạt đều phải xây trạm xử lý nước thải, xử lý đạt cột A theo QCVN 40:2011/BTNMT trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước thành phố.

Các khách sạn, khu nghỉ mát, khu đô thị mới, cơ sở kinh doanh, dịch vụ nằm trong lưu vực phía bắc Phạm Văn Đồng và phía nam đường Hồ Xuân Hương có ảnh hưởng đến môi trường yêu cầu phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, phải xây dựng trạm xử lý nước thải đạt cột A trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước thành phố...

Hiện tại, khu vực ven biển phía đông từ Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đến tiếp giáp tỉnh Quảng Nam được xem là trọng điểm cho việc phát triển dịch vụ du lịch của thành phố. Vì vậy, ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp theo hướng: Đối với lưu vực Mỹ An - Mỹ Khê sẽ thoát nước riêng hoàn toàn, được đầu tư từ dự án phát triển bền vững (vốn vay Ngân hàng Thế giới - WB).

Đối với lưu vực phía bắc đường Phạm Văn Đồng đến Sơn Trà, lưu vực phía nam đường Hồ Xuân Hương đến tỉnh Quảng Nam: thoát nước kết hợp (thoát nước nửa riêng kết hợp thu gom nước mưa đợt đầu), được đầu tư từ vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), WB.

Hiện nay, WB đã phê duyệt khoản tín dụng bổ sung 72,52 triệu USD từ vốn bổ sung IDA. Khoản tín dụng bổ sung nhằm hỗ trợ mở rộng dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng xây dựng hệ thống kết nối thoát nước thải riêng biệt, nhờ đó giảm thiểu rủi ro về ô nhiễm đối với khu du lịch biển Mỹ An - Mỹ Khê.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hồng Vinh Hiển, Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án hạ tầng ưu tiên thành phố cho rằng, trước khi chờ phê duyệt các dự án trên để đấu thầu, thành phố đã đầu tư 3,7 tỷ đồng làm cống phai tự động tại cửa xả Bắc Mỹ An.

Chức năng của cống phai này là giữ lượng nước lớn trong thời gian cao điểm, sau đó bơm về nhà máy xử lý nước thải để xử lý; ngăn mùi hôi; điều chỉnh lượng nước khi có mưa lớn. Hiện tại, chỉ thí điểm ở cửa xả Bắc Mỹ An và nếu hiệu quả sẽ nghiên cứu để triển khai tại các cửa xả khác.

Ông Hiển cho biết, dự án sẽ hoàn thành vào cuối tháng 9 tới. Bên cạnh đó, để đáp ứng năng lực thu gom và xử lý, thành phố cũng sẽ đầu tư, nâng cấp trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn lên hơn 100.000m3 ngày/đêm.

Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố cho rằng, để giải quyết ô nhiễm môi trường biển, về lâu dài phải có những điều chỉnh xả thải tại các khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, chung cư..., trong đó phải có hệ thống xử lý chuẩn.